Trung Quốc “nhắn“ gì trước Đối thoại Shangri-La?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 1/6, Đối thoại an ninh chiến lược khu vực châu Á – Thái Bình Dương Shangri-La lần thứ 11 chính thức khai mạc tại Singapore. Đối thoại kéo dài 3 ngày và quy tụ giới chức quân sự cao cấp, chuyên gia, học giả của 28 quốc gia.
Trung Quốc “nhắn“ gì trước Đối thoại Shangri-La?
Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, Thượng tá Dương Vũ Quân

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang có căng thẳng ngoại giao vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Hai nước liên tục đưa các tàu tới hoạt động quanh bãi cạn không có người sinh sống này, không có dấu hiệu nhượng bộ.

Hai thái độ và hành động trái ngược của Trung Quốc

Điều khá bất ngờ trong Đối thoại Shangri-la 2012 lần này là đoàn Trung Quốc không hề có  thông tin là sẽ tham dự đối thoại lần này cho tới tận phút chót, trong cuộc họp báo ngày 31/5, người phát ngôn bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Dương Vũ Quân cho hay, Bắc Kinh cử Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc làm trưởng đoàn đi dự đối thoại Shangri-La.

Trước đó, Trung Quốc chính thức tham dự diễn đàn Shangri-la từ năm 2007. Bốn năm liên tiếp, Bắc Kinh đều cử 1 Phó tổng tham mưu trưởng dẫn đầu đoàn quân sự Trung Quốc đến Singapore dự đối thoại. Năm 2011 “đột ngột” nhảy lên cấp Bộ trưởng Quốc phòng, ông Lương Quang Liệt dẫn đầu đoàn Trung Quốc dự đối thoại Shangri-la.

Có lẽ để tránh những đồn đoán của dư luận về sự giảm đột ngột cấp độ trưởng đoàn Trung Quốc dự đối thoại an ninh quan trọng này, Dương Vũ Quân nhấn mạnh, việc bố trí nhân sự như vậy là do “nhu cầu công việc”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Vị Dân lên tiếng phân bua về việc cắt cử người tới tham dự đối thoại: “Sự vụ của châu Á – Thái Bình Dương nên để các nước châu Á – Thái Bình Dương xử lý, các bên đều nên nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực này, chớ nên khơi ra nghị trình quân sự và an ninh nổi cộm”.

Trước đó là ngày 10/4, đến ngày 4/5 ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lên đường thăm Mỹ, một chuyến thăm của quan chức cao cấp nhất quân đội Trung Quốc tới Mỹ sau 9 năm trời, Biển Đông và Scarborough được dư luận giới quan sát quốc tế cho rằng là một trong những nội dung quan trọng được ông đặt ra với người Mỹ.

Ông Lương Quang Liệt và người đồng cấp Campuchia, tướng Tea Banh ký hiệp định hợp tác, trong đó Bắc Kinh "cho không" Phnom Penh 19 triệu USD viện trợ quân sự

Tiếp đến, ngày 28/5, ông Lương Quang Liệt bất ngờ xuất hiện tại Campuchia trước và trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 với quá nhiều dấu hiệu “lạ”.

Đầu tiên, ông đại diện cho Bắc Kinh ký hiệp định viện trợ quân sự cho Campuchia 19 triệu USD để xây dựng quân đội nước này. Ngoài ra, Campuchia tiếp tục cử học viên sĩ quan qua Trung Quốc đào tạo.

Cũng trong chuyến công du trước thềm khai mạc Shangri-La đúng có 2 ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn lên tiếng cáo buộc Philippines là “thủ phạm” gây căng thẳng trên bãi Scarborough/Hoàng Nham và “nghiêm khắc yêu cầu” Manila không được làm phức tạp thêm tình hình.

Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương

Trái ngược với Trung Quốc, năm nay, Mỹ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối thoại Shangri-la: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear. Ngoài ra còn có sự góp mặt của hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman.

Đối lập với Trung Quốc, phái đoàn Mỹ tham dự Shangri-La 2012 với đội ngũ hùng hậu nhất: Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân - tướng Martin Dempsey và thêm cả Tư lệnh Hạm đội 7 Samuel Locklear

Trước khi lên đường tham dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta khẳng định, chiến lược mới của Mỹ đặt trọng tâm vào châu Á sẽ đưa thêm binh sỹ đến khu vực này trong thập kỷ tới và các vũ khí công nghệ cao được thiết kế để phát huy sức mạnh Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự Mỹ tại Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này sẽ được tiến hành với sự điều phối với các đồng minh và đối tác mà không có việc xây dựng các tiền đồn thường trực mới.

Ông Panetta cũng lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quân sự. “Quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa và phát triển mạnh. Chúng ta cần phải cẩn trọng. Chúng ta phải mạnh mẽ. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi thách thức” - ông Panetta nhấn mạnh.

Việt Nam: Không thể né tránh vấn đề Biển Đông

Về phía Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam dự Hội nghị này. Bên lề Đối thoại, Đoàn Việt Nam dự kiến cũng có những cuộc tiếp xúc song phương.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN diễn ra ở Phnom Penh ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho rằng, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề phức tạp, nhưng đó là một thực tế không nên tránh né.

Ông Phùng Quang Thanh nói: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh, vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á, tranh chấp giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN”.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật