Đua xe “X - Game“ trong 9X

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), vừa qua nhiều tốp chừng 20-30 cậu ấm cô chiêu mắt xanh mỏ đỏ, tóc vàng tóc tím, ăn mặc sành điệu, thân “xế” xanh, đỏ, rú còi inh ỏi, bốc đầu, đi bằng bánh sau, bánh trước dựng đứng, tụ tập, đánh võng lạng lách… khiến người dân đi qua khu vực hãi hùng.
Đua xe “X - Game“ trong 9X
Ảnh minh họa

“Xế” biểu diễn...

Các cậu ấm, cô chiêu nghênh ngang trên những chiếc xe đạp địa hình mi ni được trang bị còi ô tô, loa “khủng”, lông gà, lông vịt xanh đỏ đầy xe lao ầm ầm trên phố gây bức xúc và nguy hiểm cho những người đi đường. Chị Đinh Hoàng Anh ở phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bức xúc: “Tôi đang đi tập thể dục ở hồ Hoàn Kiếm, một tốp khoảng 20 xe xanh, đỏ bật nhạc ầm ĩ, rú còi inh ỏi làm tôi giật mình, vốn bị bệnh tim nên tôi bị ngất “xỉu”, may mà có mấy chị đi tập cùng kịp thời hô hấp nên tôi tỉnh lại, từ hôm ấy tôi khiếp vía hãi hùng không dám đi tập nữa”.

Chị Nguyễn Thị Thu ở ngõ Giếng Mứt, Bạch Mai, Hai Bà Trưng buồn rầu tâm sự: “Cháu nhà tôi học lớp 10, vì cháu thích nên tôi cũng mua cho cháu chiếc xe “X-game”, cứ nghĩ chỉ để đi như xe bình thường. Ai ngờ, từ ngày mua xe, cháu học sa sút hẳn, đến khi cô giáo gọi lên tôi mới té ngửa. Thì ra cháu thường bỏ tiết để đi đua xe, tiền học thêm cũng mang đi mua đèn, còi trang trí xe hết. Bố cháu đã phải khoá xe lại rồi đưa con đến trường. Thấy cháu nói, nhiều đứa còn nghiện hơn cả nghiện game, bố mẹ quản lý kiểu gì cũng không được”.

Bật loa quá to: Phạt 300.000đ - 500.000đ

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng phòng quản lý vận tải và công nghiệp, Sở GTCC Hà Nội cho biết: “Hiện tại chưa có chế tài nào dành cho xe đạp kẹp ba, tụ tập, kể cả với loại xe địa hình mini đang thịnh hành trong một bộ phận tuổi 9X, chỉ có thể xử phạt hành chính đối với trường hợp dùng còi sai quy định, tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng. Hầu hết những em này đều ở độ tuổi trẻ vị thành niên nên chưa đủ năng lực trách nhiệm hình sự và cũng chưa nhận thức được hành vi nguy hiểm mà mình có thể gây ra cho người khác.

Vì vậy khi các em tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng, rú còi hoặc gây tai nạn chưa nghiêm trọng thì cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc tạm giữ rồi báo về gia đình hoặc nhà trường để bảo lãnh, ngăn chặn và giáo dục các em. Đua xe đạp là một trào lưu mới nên cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Trách nhiệm chủ yếu vẫn thuộc về gia đình và nhà trường, cần kết hợp giáo dục và có những giờ ngoại khoá hướng dẫn các em về cách tham gia giao thông, sử dụng phương tiện đúng cách, hiệu quả mà không vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác”.

Thượng tá Hoàng Quốc Định, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm trăn trở: “Hiện tại vẫn chưa có chế tài xử lý dứt điểm vì đây là phương tiện thô sơ và các cháu đều ở tuổi vị thành niên và chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng vượt đèn đỏ, nhiều xe dàn hàng ngang, âm thanh còi vượt mức qui định thì chúng tôi sẽ xử lý hành chính”.

16h30 ngày 14/3, đội Cảnh sát Trật tự phản ứng nhanh công an quận Hoàn Kiếm đã giữ 2 xe đạp mi ni địa hình trang trí lông gà xanh đỏ, một xe gắn 5 loa công suất lớn đang vừa phóng vừa bật còi nhại theo tiếng chó, tiếng mèo trên đường Đinh Tiên Hoàng. Điều khiển 2 chiếc xe thời trang này là Nguyễn Thiên Trang, Nguyễn Thiên Tân, Đào Ngọc Hoa đều sinh năm 1993, học sinh lớp 9 - trường THCS Minh Khai.

Các cháu thừa nhận việc sử dụng còi, loa to trên đường và đi xe hàng ngang là sai qui định vì đã được nhà trường và gia đình nhắc nhở. Cháu Hoa thanh minh: “Bố cháu đã cấm không được đi xe này nữa, cháu định đi nốt hôm nay để mai bán xe”. Đại uý Trần Đức Vuông cho biết: “Chúng tôi sẽ tạm giữ xe đạp, thông báo về nhà để bố mẹ các cháu biết.

Các trường hợp này chúng tôi sẽ xử phạt từ 300 - 500 ngàn đồng vì các cháu đã bật loa quá to ở nơi công cộng khi chưa được phép của cơ quan chức năng (theo điều 8/Nghị định 150/2005/NĐ-CP, Qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội), các cháu ở tuổi vị thành niên nên bố mẹ sẽ phải nhận quyết định xử phạt”. Một phụ huynh tâm sự: “Tôi cũng đã nhắc nhở cháu nhưng bận việc nên chưa tháo bộ loa trên xe của cháu. Lỗi của các cháu trước hết thuộc về gia đình, chúng tôi sẽ không để cháu tái phạm”.

Anh Nguyễn Văn Hoà, giáo viên trường Phổ thông dân lập Lê Thánh Tông nói: “Trước tình trạng học sinh sử dụng xe đạp mi ni địa hình gây mất trật tự đường phố, chúng tôi đã yêu cầu các em không được mang xe có loa đài, còi ô tô đến trường và nhắc các em phải tuân thủ pháp luật. Nếu học sinh nào bị cơ quan có thẩm quyền gửi giấy báo về trường, lớp do vi phạm trật tự công cộng, chúng tôi sẽ xem xét kỷ luật”.

Trao đổi với chũng tôi, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành quản lý hành chính Bộ Công an cho biết: “Đây là vấn đề các cơ quan chức năng đang xem xét và sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Trước đây hầu hết các qui định, chế tài đều áp dụng cho các phương tiện xe cơ giới, chưa có qui định nào về xử lý đua xe đạp, xe đạp dùng còi (nếu âm thanh to quá mới xử lý được còn dưới mức qui định thì không thể xử phạt được), xe đạp chở 3 người... Hiện tại chỉ có thể xử lý trong trường hợp các cháu tập trung đông, gây mất trật tự đường phố, đi sai luồng đường qui định hoặc gây tai nạn giao thông...”.

Việc sử dụng xe đạp mi ni địa hình để đánh võng, bốc đầu, lạng lách, dùng còi sai quy định tụ tập trên các tuyến phố làm nguy hại đến tính mạng của chính các em và người dân tham gia giao thông là rất nguy hiểm và đang ngày càng lan rộng. Sắp tới các cơ quan chức sẽ có quy định riêng và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Điều cần thiết trước mắt là tất cả các trường cần sớm có qui định công khai, rõ ràng,. yêu cầu học sinh không sử dụng loại xe này sai mục đích, em nào cố tình vi phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm, báo về gia đình. Các bậc cha mẹ cũng phải quản lý con em mình chặt chẽ hơn, cương quyết tháo bỏ loa, đài thậm chí tạm thời không để các cháu sử dụng loại xe này nhằm hạn chế tai nạn đáng tiếc và không bị pháp luật xử lý.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật