Cuộc đua “vét” lao động phổ thông

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
– Từ sau Tết, hàng loạt công ty chạy đua tuyển công nhân với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động. Thế nhưng, khi bài toán nhân sự mới còn chưa kịp giải quyết thì không ít công ty lại rối bời, xoay xở đủ cách để giữ chân những lao động cũ.
Cuộc đua “vét” lao động phổ thông
Đâu đâu cũng treo biển tuyển dụng. Ảnh: Hà Dịu

Sau Tết, chỉ tiêu đặt ra của Công ty Furukawa (KCX Tân Thuận, TP.HCM) là phải tuyển 1.000 lao động, nhưng cho đến thời điểm này mới tuyển được 300 người, anh Lê Xuân Khoa (phụ trách nhân sự của Công ty Furukawa) cho hay.

 

Không chỉ riêng Công ty Furukawa, đó là tình hình chung của hầu hết các công ty. Chị Ngô Lợi Lợi, Trưởng phòng nhân sự Công ty Freetrend, KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM cũng bày tỏ, công ty của chị hiện đang thiếu hàng ngàn lao động. Phòng nhân sự đang nỗ lực cố gắng tuyến dụng cho đủ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm của Hepza cho biết: Quý 1, các KCX, KCN “đặt hàng” tại Trung tâm khoảng 10.000 lao động, nhưng cho tới thời điểm này, đã sắp hết quý I nhưng mới tuyển được chưa tới 1.000 người.

Nếu những năm trước đây, nhiều Công ty nước ngoài đến đầu tư vào Việt Nam vì ở đây có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, thì nay ưu thế đó đã dần mất đi, và khiến không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước cũng phải đau đầu.

Tuyển quanh năm vẫn thiếu

Đi qua KCX, KCN thấy hầu như lúc nào cũng thấy ngoài cổng các công ty treo biển tuyển dụng lao động nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.

Tuyển dụng càng ngày càng khó là lời than vãn của hầu hết những người làm ở Bộ phận nhân sự tại các công ty. Anh Lê Xuân Khoa, Phụ trách nhân sự của công ty Furukawa, KCX Tân Thuận bày tỏ:

“Năm 2006, để thu hút lao động, công ty tôi đã nghĩ ra phương án trưng biển tuyển dụng tại các đường phố trong nội thành và nhanh chóng tuyển đủ nguồn. Năm nay vẫn dùng “chiêu” đó nhưng số lao động đến đăng ký tìm việc thưa thớt. Năm trước chỉ tháng 5 đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển dụng cho cả năm nhưng năm nay chắc khó mà đạt được kết quả đó”.

Vào khoảng 5 năm trước đây, nếu muốn vào làm việc tại các công ty ở KCX, KCN, người lao động phải có người quen xin hộ thì nay chính doanh nghiệp lại phải nhờ đến người nhà tìm giúp, thậm chí có phụ cấp 100 ngàn đồng cho người nào giới thiệu như công ty Thanh Sơn Hóa Nông (KCN Lê Minh Xuân- Bình Chánh). Nhưng nếu trước đây cần một thì có cả trăm người đăng ký thì nay lại hoàn toàn ngược lại.

Để thu hút lao động, các doanh nghiệp đã hạ tiêu chuẩn xuống rất nhiều và nâng cao ưu đãi, chấp nhận đào tạo nghề mà vẫn hưởng lương 100%. Nhưng xem ra những điều kiện này không hấp dẫn công nhân lắm nên các doanh nghiệp vẫn không cách gì tuyển dụng cho đủ số lượng lao động cần. Đã thế, số lao động đang có cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hao hụt.

Sống thế nào khi lương dưới đất, giá trên trời

Cho đến thời điểm này, tình trạng biến động lao động sau Tết tại các KCX, KCN đã ổn định, nhưng những người trở lại làm việc cũng chán nản, trong đầu họ luôn manh nha ý nghĩ bỏ việc, nhất là trong thời điểm “bão giá” như hiện nay.

Muốn biết đời sống công nhân thay đổi như thế nào khi lạm phát tăng cao, chỉ cần đi qua các khu chợ, các cửa hàng buôn bán nơi họ ở là sẽ có được cái nhìn toàn cảnh.

Những cửa hàng vắng tanh vì các thượng đế là công nhân không có tiền mua. Ảnh Hà Dịu


Buổi tối đi ngang các cửa hàng buôn bán trong khu có nhiều công nhân sinh sống ở Quận Gò Vấp sẽ thấy những gian hàng bày bán quần áo, vải vóc, giày dép vắng teo, hoặc lèo tèo vài khách. Giá cả tăng cao nên công nhân hạn chế tối đa nhu cầu trưng diện và làm đẹp cho bản thân.

Chị Trần Kim Anh, chủ một cửa hàng bán giày dép trên đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp cho hay: Hai năm trở về trước buôn bán còn được chứ đổ lại đây thì ế ẩm, nhất là từ Tết đến giờ. Trước đây bán được 10 thì giờ chỉ còn 5, 6.

Chị Thu Hà (Công ty TNHH Huê Phong, Gò Vấp) than: Đi chợ mà cứ loanh quanh mãi vì với số tiền ít ỏi chả biết mua gì cho đủ ăn. Nếu trước đây thịt chỉ 30 ngàn 1 ký thì nay tăng hơn 50 ngàn. Rau muống trước chỉ 1 ngàn 1 bó thì nay lên 2 ngàn thậm chí 3 ngàn. Thứ gì cũng tăng gấp đôi, với đồng lương công nhân như hiện nay thật khó mà “cõng” nổi. Trước đây 5 người, 1 ngày đi chợ chỉ 20 ngàn là đủ nhưng nay phải 40 ngàn bữa ăn mới tàm tạm.

Khi giá cả tăng vùn vụt như thế, nhiều công nhân phải rút bớt khẩu phần ăn. Nhưng như thế lại không đảm bảo sức khỏe nhất là khi chất lượng bữa ăn trong công ty kém, công nhân không ăn được nên muốn buổi tối về nhà có được bữa cơm ngon lành để bù lại.

Rồi tiền nhà, tiền điện, tiền nước…thứ gì cũng tăng. Để tiết kiệm, nhiều công nhân giải quyết bằng cách ở đông hơn, chen nhau trong những căn phòng chật chội, hạn chế đi chơi, hạn chế ra đường để không phải tiêu tiền. Làm việc mệt mỏi lại không được giải trí nên cuộc sống của công nhân rất ngột ngạt, tù túng. Nhiều cặp vợ chồng cưới nhau không dám có con vì sợ không lo được. Nhiều gia đình phải gửi con về quê cho ông bà nuôi giúp.

Mặc dù lương cơ bản đã tăng nhưng chẳng thấm gì so với tình trạng leo thang của giá cả. Đã thế doanh nghiệp nhiều khi vì phải tăng lương nên cắt giảm những khoản khác khiến công nhân bất bình dẫn đến đình công.

Và sau mỗi cuộc đình công, số công nhân bỏ việc về quê hoặc đi tìm việc khác lại tăng cao. Nhiều công nhân đã bỏ việc đi bán cà phê hoặc chuyển sang làm những công việc phổ thông khác như bán hàng rong hoặc đi ve chai. Và thu nhập rõ ràng cao hơn lương công nhân mà lại không bị gò bó. Một thực tế đau lòng, rất nhiều lao động nữ ở miền Tây lên thành phố không xin vào các công ty, nhà máy mà đi bán bia ôm thậm chí đi làm gái vì họ không chịu đựng được cuộc sống khắc nghiệt của công nhân.

Lao động thành phố có "lấp" đủ lao động ngoại tỉnh?

Không tuyển thêm được số lao động mới, giải pháp trước mắt của các công ty là phải tìm mọi cách giữ chân lao động cũ.

Anh Nguyễn Văn Chương, Phụ trách nhân sự công ty Thanh Sơn Hóa Nông (KCN Lê Minh Xuân) nói: “Chúng tôi giữ chân lao động cũ bằng cách dành cho họ thêm nhiều ưu đãi như tăng lương 1 năm/ lần, có thưởng thâm niên để mọi người gắn bó với công ty lâu dài”.

Khi cuộc sống không được đảm bảo, đình công dễ xảy ra. Ảnh: Hà Dịu


Tính thưởng theo thâm niên là “chiêu” mà rất nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ngoài ra còn tính thêm phụ cấp tiền ăn, tiền nhà để công nhân phấn khởi và yên tâm làm việc.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời vì với những ưu đãi ấy vẫn chưa đủ đảm bảo để công nhân có được một cuộc sống thoải mái, nhất là khi tại các địa phương, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên thu hút một lượng lao động đáng kể bỏ việc tại các KCX, KCN ở TP.HCM và các tỉnh lân cận về quê làm việc. Cần phải có một giải pháp khác có tính lâu dài mới có thể giải được bài toán này.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm của Hepza thì: Hiện nay, Thành phố đã có chủ trương sẽ không cấp giấy phép cho các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nữa mà chỉ tập trung cho những ngành nghề mũi nhọn sử dụng nguồn lao động chất lượng cao. Và để có được nguồn lao động đó, các KCX, KCN chủ trương kết hợp với các trường đào tạo những ngành nghề thích hợp trong tương lai.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, Hepza cũng đang có nhiều chính sách để có thể tận dụng chính nguồn lao động của thành phố, vốn dĩ lực lượng này không hề nhỏ. Ông Tùng khẳng định, khi nguồn lao động hiện tại của các KCX, KCN bỏ về địa phương làm việc thì nguồn lao động tại thành phố có thể thay thế được số này (?).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật