Myanmar: Đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi của Myanmar hôm qua - 2/4 tuyên bố, đảng của bà đã giành được ít nhất 43 trong số 44 ghế tại quốc hội. Chiến thắng này được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Myanmar đồng thời có thể chấm dứt những biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Myanmar: Đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng
Bà Suu Kyi phát biểu trước những người ủng hộ.

“Đây không chỉ là chiến thắng của chúng tôi mà còn là chiến thắng của tất cả người dân – những người đã quyết định rằng họ phải tham gia vào tiến trình chính trị của đất nước này” – bà Suu Kyi nói khi đến trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) tại Yangon để gặp các ứng cử viên và thành viên các đảng khác.

“Tôi muốn tất cả đảng viên NLD bảo đảm rằng chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá” – người phụ nữ từng được trao giải Nobel Hòa bình nói thêm. Chiến thắng 43 trong 44 ghế quốc hội của NLD được đưa ra dựa trên các tính toán ước lượng của đảng, một thành viên của đảng tên Thae Da Win Aung cho hay. Nếu được xác nhận, chiến thắng này sẽ đánh dấu một cuộc thay đổi vận mệnh chính trị đầy ấn tượng của nhà hoạt động 66 tuổi đã bị chính quyền quân sự cũ giam lỏng gần như suốt 22 năm qua. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử bổ sung dự kiến sẽ được công bố trong tuần này.
Trên thực tế, dù đảng NLD giành được cả 44 ghế trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4 thì cũng không thể thay đổi cán cân quyền lực trong quốc hội do quân đội và các đồng minh chính trị kiểm soát. Nhưng, với tư cách nghị sĩ và là thủ lĩnh đối lập tại quốc hội, bà Suu Kyi sẽ lần đầu tiên được góp tiếng nói trong tiến trình lập pháp và đảng của bà cũng chuẩn bị hướng đến cuộc tổng tuyển cử kế tiếp vào năm 2015. “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ là một sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới tại Myanmar” – bà Suu Kyi nói đồng thời kêu gọi các đảng khác duy trì sự thống nhất chính trị trong chính phủ.
Theo các nhà quan sát, chính phủ dân sự của Myanmar cần dành một chỗ trong quốc hội cho bà Suu Kyi để củng cố tính hợp pháp của hệ thống chính trị và thúc đẩy Mỹ cũng như các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là về mặt kinh tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 1/4 đã chúc mừng Myanmar tổ chức thành công cuộc bầu cử và khẳng định cam kết của Washington trong việc hỗ trợ các cải cách tại Myanmar.
“Trong khi các kết quả vẫn chưa được công bố, Mỹ chúc mừng những người - mà nhiều trong số này - mới lần đầu tiên tham gia vào các chiến dịch và tiến trình bầu cử” – bà Clinton phát biểu từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Quá trình hoạt động của bà Suu Kyi
- 1989: Bị quản thúc tại gia khi chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố thiết quân luật
- 1990: Đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng quân đội không công nhận kết quả
- 1991: Giành giải Nobel Hòa bình
- 1995: Được trả tự do song bị hạn chế hoạt động
- 2000 - 2002: Bị quản thúc tại gia lần 2
- Tháng 5/2003: Bị giam giữ sau vụ đụng độ giữa chính quyền và NLD
- Tháng 9/2003: Được phép về nhà để chữa bệnh song bị quản thúc tại gia
- Tháng 5/2007: Bị gia hạn quản thúc tại gia thêm một năm
- Tháng 9/2007: Lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ năm 2003
- Tháng 5/2008: Tiếp tục bị quản thúc tại gia thêm 1 năm
- Tháng 5/2009: Bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản thúc sau khi một người Mỹ bơi đến nhà bà.
- Tháng 8/2009: Bị kết án thêm 18 tháng quản thúc
- Tháng 11/2010: Được trả tự do
- Tháng 4/2012: Lần đầu tiên đắc cử nghị sĩ quốc hội.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật