Những phụ nữ chưa từng được tặng hoa

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chị Bích bước ra khỏi ruộng hoa, tháo đôi găng tay cao su thủng lỗ chỗ vì gai hồng, rửa tay trong thùng nước tưới. Mười đầu ngón tay chị thâm đen vì nhựa hoa, nhiều chỗ sần lên những vết gai đâm. Bàn tay vừa cắt hơn 2.000 bông hồng bợt ra vì tiếp xúc với thuốc trừ sâu nhiều quá.
Những phụ nữ chưa từng được tặng hoa
Khách mua hoa vào tận ruộng chọn từng bông đẹp. (Ảnh: ktnn)

Con đường về làng hoa Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày này luôn tấp nập. Người Hà Nội về lấy hoa, người Mê Linh tự chở hoa đi giao mối hoa hồng, hoa cúc, thạch thảo... có mặt ở khắp nơi. Ngày 8/3 năm nay được người trồng hoa Mê Linh mong đợi rất nhiều. Qua đợt rét đậm kỷ lục trước và sau Tết Nguyên đán, thời tiết đã ấm áp hơn khiến hơn 300 ha hoa hồng của huyện Mê Linh có cơ hội bừng nở, khoe sắc. Cung cấp đủ hoa cho thị trường, người trồng hoa hy vọng một vụ hoa lãi lớn.

Chỉ ruộng hoa trồng toàn hồng Pháp thân dài thẳng tắp, bông to, cánh hoa dầy, màu nhung rất đẹp, chị Bích vui vẻ nói: "Hoa hồng Pháp rất hợp với đất Mê Linh, được người mua thích hơn cả hồng Đà Lạt. Cắt tại ruộng đã là 8.000 đồng một bông đấy. Cả năm chỉ có vài đợt hoa hồng có giá như vậy thôi!".

Ngoài hồng Pháp, đất Mê Linh còn nổi tiếng với loại hồng lai do ghép giống hồng Pháp và hoa tầm xuân. Những hoa nhỏ xinh, cành mọc nhánh và ngắn, được ưa chuộng bởi mùi thơm dịu và màu sắc nhẹ nhàng dễ thương. Đây là hai loại hoa chủ đạo của Mê Linh, được người buôn hoa và nhiều bạn trẻ cất công về tận ruộng lấy.  

Chị Bích cho biết nhiều hộ nông dân vừa trồng hoa bán, vừa nhân giống cây xuất khẩu, trừ chi phí đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Như nhà chị, diện tích trồng hoa ít, chủ yếu để bán ra các vùng lân cận thì mỗi năm cũng thu được khoảng 150 triệu đồng. Hai vợ chồng chị quanh năm bám ruộng hồng, tất cả chi phí sinh hoạt cuộc sống và tiền nuôi một đứa con đang học đại học, một đứa cấp 3 đều trông cả vào ruộng hoa này.

Hoa hồng vốn là loài nhạ‌y cả‌m, để chăm chút cho lứa hoa bán trong đợt ngày 8/3, vợ chồng chị gần như cả ngày ở ruộng hoa để bón phân, tỉa cành, bọc giấy cho từng nụ hoa rồi phân loại, cắt tỉa bán cho khách đặt hàng. Suốt ngày cặm cụi ở ruộng hoa, hơi thuốc trừ sâu bám trên những cây hoa cao ngang người lúc nào cũng phả hầm hập vào mặt. Chị Bích giống như nhiều cô, bác nông dân ở đây, mặc dù luôn cẩn thận mặc quần áo dày, đi ủng, đeo găng bịt mặt kỹ càng, nhưng thường xuyên cảm thấy khó thở, nhất là vào những hôm trời nắng. Da những người phụ nữ trồng hồng không bao giờ đẹp cũng vì tác hại của những hơi thuốc độc đó. Những hôm trời mưa, lạnh hoặc nhiều sương, hai vợ chồng mất ăn mất ngủ, lăn lộn trên ruộng để che phủ cho hoa. Tối về, chị lại còng lưng ngồi cuốn giấy để ngày mai ra chụp lên nụ hoa, hạn chế tốc độ nở và sâu hại, chờ đúng dịp cắt bán...

Chở hoa đi bán ở chợ hoa đêm Quảng Bá. (Ảnh: Hanoiroxy)

Lột đôi găng cao su ra, chị Bích chìa đôi bàn tay thô ráp vì những vết gai hồng cào, màu da nhợt bệch vì tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất và phân bón, nước tưới... Đôi bàn tay này đã chăm chút cho bao nhiêu triệu bông hồng, chỉ quen cắt hoa đưa đi bán để người ta mua tặng nhau chứ chưa một lần trong đời đôi bàn tay ấy được nhận một bông hồng do chồng, con mình tặng.

Anh Thảnh, chồng chị Bích xuề xòa cười, nói: "Quanh năm ngày tháng với hoa hồng, hoa là tiền, cả một ruộng tiền đấy, của bà ấy hết chứ của ai! Đấy, như bông hoa này nhé, bán cho người ta được 8.000 đồng, tôi mà không bán để lại tặng bà ấy thì có khi còn bị mắng!".

Chị Bích cũng cười, nói vẻ an phận: "Thôi mình là nông dân, mà già rồi, hoa hồng để cho bọn trẻ lãng mạn tặng nhau thì hợp hơn".

Bán hoa hồng... (Ảnh: Hoàng Phương)

Ở những ruộng bên, phần đông người làm đều là phụ nữ. Dường như ý nghĩ về hoa hồng trong họ chỉ đơn thuần là hàng hóa, là những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Chị Đào, 28 tuổi, kể: "Đến ngày 8/3, chồng em cũng chả tặng hoa đâu, nhưng mà sau khi thu hoạch xong, bán hết cho thương lái rồi thì trên ruộng còn bông hoa còi nào cũng hái nốt về cho con gái ở nhà cắm lọ, bảo đó là hoa tặng hai mẹ con".

Ngày thường, hoa hồng có khi bán buôn chỉ được 100-200 đồng một bông. Ngày rằm, mùng một thì giá cao hơn một chút. Cả năm chỉ có mấy dịp đặc biệt như 14/2, 3/8, 20/10 và Tết là giá hoa cao vọt, nhiều khi không có đủ hoa mà bán. Bởi vậy, khi vào "vụ", những người phụ nữ trồng hoa chỉ còn nghĩ về hoa hồng với tất cả những gì thực tế nhất, thậm chí trần trụi nhất. Trên mảnh đất ươm trồng những bông hoa biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn chỉ có những người phụ nữ thức khuya dậy sớm tất bật vì cuộc mưu sinh và cả đời có khi cũng không nhận được một bông hoa nào từ người đàn ông của mình...

Khôi Nguyên

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật