89% sinh viên thú nhận sử dụng tài liệu gian lận

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết quả khảo sát của thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy 89% sinh viên khẳng định, sử dụng tài liệu trong phòng thi. Buông lỏng quản lý khiến sinh viên tại chức tốt nghiệp khá, giỏi cao hơn sinh viên chính quy. Nhiều cán bộ lãnh đạo bỏ tiền thuê làm luận văn, luận án tốt nghiệp.
89% sinh viên thú nhận sử dụng tài liệu gian lận
Chọn mua đĩa luận văn tốt nghiệp tại cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngày 19/12, tại ĐH Sư phạm TP HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo “Giải pháp chống tiêu cực trong thi cử, làm luận văn” với sự tham gia của 266 đại biểu đến từ hơn 130 ĐH, CĐ khu vực miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam.

Quay cóp phổ biến, tại chức "giỏi" hơn chính quy

Tại hội thảo, Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Trần Bá Giao nêu ra kết quả một cuộc khảo sát của thanh tra Bộ với gần 2.000 sinh viên của 12 ĐH, CĐ. Theo đó, 89% khẳng định việc sử dụng tài liệu trong phòng thi là hiện tượng gian lận phổ biến nhất trong thi cử, sao chép luận văn, đồ án (42%), xin điểm, mua điểm (36%), thi hộ, thi kèm (21%).

Dựa vào đặc điểm môn học, 63% sinh viên cho rằng gian lận phổ biến xảy ra khi thi các môn cơ bản, tỷ lệ này có ít hơn khi thi các môn chuyên ngành. So với kết quả khảo sát cách đây 5 năm, lần này tỷ lệ gian lận ở các môn cơ bản có giảm, có thể do hầu hết các môn này đã có ngân hàng câu hỏi, một số môn được tổ chức thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan.

Nhiều cơ sở giáo dục chú trọng đến việc tăng thu nhập cho đơn vị, ít quan tâm đến quản lý đào tạo. Tổ chức đào tạo tại địa phương theo kiểu cử giảng viên đến giảng dạy, dạy xong tự ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm bài rồi báo điểm cho nhà trường. Cách tổ chức này đã tạo ra thông lệ sinh viên tổ chức chiêu đãi thày liên miên, bồi dưỡng tiền cho thày để mong thày giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi trong học tập và thi cử, được hạn chế nội dung thi và thậm chí được biết trước câu hỏi.

Sự buông lỏng quản lý trên đã dẫn đến một nghịch lý là nhiều sinh viên do kiến thức yếu không thi nổi vào hệ chính qui phải chọn con đường vừa học vừa làm, nhưng khi tốt nghiệp lại có kết quả tốt nghiệp khá, giỏi cao hơn sinh viên chính quy. Khảo sát tại một ĐH cho thấy kết quả sinh viên hệ tại chức tốt nghiệp loại giỏi là 6-7%, trong khi đó sinh viên chính qui là 0,65-2%.

Ông Giao cho rằng: "Gian lận trong thi cử có sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều lực lượng khác nhau nên một mình ngành giáo dục không đủ sức mạnh, cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội".

Cán bộ lãnh đạo đi thuê làm luận văn

Đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Tuổi Trẻ.

PGS. TS Nguyễn Văn Yến, Trưởng ban thanh tra giáo dục và công tác thi đua (ĐH Đà Nẵng) nói: “Thuê mượn người khác làm luận văn luận án diễn ra chủ yếu ở các cán bộ làm công tác lãnh đạo, vì thường có một đội ngũ giúp đỡ. Trong các hội đồng chấm, người bảo vệ liên hệ với người phản biện để mong muốn có nhận xét tốt. Hội đồng chấm luận văn luận án tất cả hầu như xuất sắc, khá và trung bình rất hiếm”.

PGS Yến đề xuất phải thành lập trung tâm chấm bài thi luận văn luận án, trung tâm này độc lập và dám chấm công bằng. Không thể để tuyển sinh ĐH khó hơn sau ĐH.

Bàn về câu chuyện “chợ luận văn luận án”, TS Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng ĐHDL Văn Lang, cho rằng tình trạng này tồn tại là do một giảng viên phải hướng dẫn mười mấy đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Hướng dẫn lặp lại đề tài, do đó người học ra chợ luận văn sao chép. Nếu có đủ giảng viên hướng dẫn sẽ không xảy ra chuyện này.

PGS. TS Đỗ Văn Xê, Hiệu phó ĐH Cần Thơ lại đề cập trách nhiệm người thày: “Tại sao thạc sĩ, tiến sĩ cũng phải sao chép? Vì ông thày hướng dẫn đã để cho người ta tự bơi, khi bơi không được thì phải chép. Ông thày đã quên đi đó là công trình chung của thày và trò”.

(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật