Thi ĐH, CĐ 2012: Nộp hồ sơ để… đỗ

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ 15/3, thí sinh dự thi ĐH, CĐ trên cả nước sẽ chính thức nộp hồ sơ vào trường mình đăng ký dự thi. Không có cuốn Những điều cần biết, không có mã ngành, thay đổi đối tượng ưu tiên, thêm khối thi… là những điều thí sinh cần chú ý khi làm hồ sơ dự thi.
Thi ĐH, CĐ 2012: Nộp hồ sơ để… đỗ
Thí sinh nộp hồ sơ thi đại học.

Nguyện vọng nhiều cửa

Theo TS Ngô Kim Khôi, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, năm nay, thí sinh thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi nhưng có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, thí sinh được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.


Năm nay, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Do vậy, không có xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nữa. Việc xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu chứ không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước. Những thông tin cơ bản về tuyển sinh Bộ sẽ đưa lên trên mạng trang web của Bộ (http://www.moet.gov.vn), các em có thể vào đó tra cứu. Trang web sẽ có  các thông tin liên quan tới tuyển sinh ĐH, CĐ mà các em không phải đọc hết cả quyển như trước,  thuận lợi trong việc xác định nhu cầu của mình.

Tham khối thi sẽ dễ trượt

Theo TS Nguyễn Văn Nhã, Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh cần cân nhắc số lượng hồ sơ, vì thí sinh có thể nộp bao nhiêu cũng được nhưng trong mỗi đợt thi chỉ có thể dự thi tại một trường. Do vậy, để tránh lãng phí không cần thiết, những thí sinh có sở trường các môn khối A nên đăng ký thi thêm khối B để dự phòng. Nếu thi khối A1, thí sinh có thể thi thêm khối D, tức ôn thêm môn văn. Những khối thi này có các môn thi gần nhau và có ngày thi khác nhau nên thuận lợi cho việc ôn và thi. Không nên đăng ký ở 2 khối thi có các môn thi xa nhau vì sẽ tốn thời gian, công sức và chi phí, thậm chí dễ trượt. Tuy nhiên, phương án chắc chắn hơn cả là ôn 1 khối thi cho thật tốt.

Một yếu tố nữa là tìm hiểu tỷ lệ chọi các năm. Thông thường những trường và ngành mới mở dễ trúng tuyển hơn. Vì số lượng người sẽ biết ít hơn, điểm chuẩn sẽ thấp hơn, dẫn đến cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Lực học trung bình, nên "Nam tiến"

Theo GS.TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, tạm chia các trường đại học cả nước thành ba nhóm theo mức điểm chuẩn hằng năm, gồm trường "top" đầu, "top" giữa và "top" cuối. Nhóm các trường "top" đầu có điểm chuẩn cao nhất, khoảng 23 điểm trở lên gồm các trường: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); Các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế; Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, các trường thuộc nhóm y, dược, răng hàm mặt, công nghệ sinh học...

Nhóm trường "top" giữa có điểm chuẩn từ 17 - 22: Các đại học lớn ở các vùng (Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ), các trường Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Thủy sản, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Kiến trúc, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Luật, Đại học Văn hóa, Đại học Ngân hàng...

Còn lại là nhóm các trường "top" cuối có điểm chuẩn bằng điểm sàn đến 17 bao gồm các trường đại học ngoài công lập, các đại học vùng xa: Đại học Tây Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học An Giang, các trường tuyển khối C, D. Nếu xét điểm chuẩn theo ngành, dẫn đầu vẫn luôn là các ngành điện tử, cơ điện tử, CNTT; Các ngành y, dược, công nghệ hóa thực phẩm có số lượng thí sinh ít hơn nhưng điểm chuẩn cũng rất cao; Nhóm ngành báo chí, Luật thương mại; Các ngành thuộc nhóm cơ khí, nông lâm, thủy sản... thường có mức điểm "dễ chịu" hơn.

Các thí sinh cũng phải chú ý tới điểm chuẩn của cùng một trường, cùng một nhóm ngành nhưng các trường phía Bắc điểm chuẩn bao giờ cũng cao hơn các trường phía Nam.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật