TS Nguyễn Văn Khải: Thấy vui khi bị “chửi” nhiều!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phải đến lần hẹn thứ 10 tôi mới gặp được ông. Lúc thì ở Hà Tây, lúc lại tận Đăk Lăk, Gia Lai, lúc chữa bệnh cho bò, gà, lúc lại nói chuyện về kỹ thuật trồng hoa, bảo quản quả, trồng dược liệu... Cái sự đa năng ấy của ông cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, mà một trong những thứ đó là ông bị nhiều “kẻ điên“ chửi.
TS Nguyễn Văn Khải: Thấy vui khi bị “chửi” nhiều!
TS Nguyễn Văn Khải

Sống là phải bất mãn


Điều đầu tiên khiến tôi băn khoăn là có khi nào ông thấy thiếu thời gian không? Ông bảo: “Có chứ, tôi thấy thiếu nhiều lắm. Càng đi càng thấy sự dốt nát hiển hiện khắp nơi. Cố gắng của mình cũng chỉ cải thiện được phần nào thôi".

Dường như từ trước đến giờ, người ta nhìn ông già ozon, TS Nguyễn Văn Khải với hình ảnh một người nhìn cuộc đời ở cái góc có phần tiêu cực quá. Ông bảo rằng sống luôn luôn phải bất mãn. Không bất mãn thì không xây dựng xã hội mới được. Phải bất mãn với cái mình có.
"Ví dụ như tôi thu được 5 tấn thóc, nhưng tôi không hài lòng, không thỏ‌a mã‌n. Tôi bất mãn, tôi muốn có 6 tấn cơ. Con người nếu thỏ‌a mã‌n thì là dấu chấm hết. Xã hội tiến lên vì con người không thỏ‌a mã‌n. Chứ nếu anh thỏ‌a mã‌n ngay lập tức thì vứt". Nghĩa là không phải cái nhìn đời đen tối, mà là sự không thỏ‌a mã‌n trước mỗi thứ mình nhìn thấy.

Đi chữa bệnh cho lợn gà trâu bò, chữa bệnh cho cam quýt, chữa bệnh cho tôm, chữa bệnh tay chân miệng cho người, lại còn giải mã hiện tượng tóc cháy... Dường như lĩnh vực nào người ta cũng thấy sự xuất hiện của ông.
Khi được hỏi ông làm như vậy để làm gì, ông vặn lại: "Đấy, ai cũng hỏi câu đó. Cái sai của nền giáo dục là ai đi học cũng mong thành giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ phục vụ nhân dân. Thế còn ai đi quét rác, ai đi lắp đèn đường? Cả cuộc đời tôi đến giờ mục đích là đưa kiến thức mới cho mọi người, dạy người ta thay đổi tư duy chỉ để cái hàng xóm không chửi nhau, không vứt rác sang nhà mình...
Tôi cứu nhiều bò nhiều lợn, rồi nơi này nơi kia họ gọi điện đến nhờ giúp. Họ thấy cần ông Khải. Và trong thâm tâm tôi cũng chỉ muốn mình làm được cái gì cho thiên hạ. Chứ tôi cứu hàng nghìn người bị tay chân miệng tôi không lấy một xu, cứu hàng nghìn con trâu con bò mà không lấy một bông hoa nào.
Sẵn sàng đi tù
"Tôi đã từng nói rằng tôi sẵn sàng đi tù nếu cái nước anolit không chữa được bệnh tay chân miệng. Cái đó tôi vẫn bảo lưu đến giờ. Không chỉ một vài người mà đã có đến hàng chục nghìn người chữa. Không một ai nói rằng chữa theo cách đó bệnh nặng thêm cả. Vì tôi tuân theo quy luật tự nhiên.
Tôi tìm ra điều kiện để virus, vi khuẩn, bào tử không thể tồn tại được. Nó giống như hòn đá thả phải rơi từ trên xuống dưới. Tôi cũng sợ đi tù lắm chứ, nhưng tôi biết việc mình làm. Tôi tin tưởng chắc chắn vào việc mình làm nên tôi không sợ", ông thổ lộ.

Số nhà khoa học dám tuyên bố như ông có nhiều không nhỉ? Trên đời chỉ có một ông Khải thôi. "Hiếm người phải đi làm từ năm 6 tuổi như tôi". Nói rồi ông chỉ vào vết sẹo ở đuôi mắt, ông bảo: 6 tuổi tôi đã phải đi rút bấc đèn thuê kiếm tiền. Một lần buồn ngủ quá, tôi bị đập mặt xuống bàn rút bấc nên giờ mới có vết sẹo này.
Dù được giữ lại trường nhưng tôi lại xung phong về nông thôn dạy học. Vì "Tôi muốn đi đến những nơi không ai dám đến. Những cái đó nó đã làm nên con người tôi. Chỉ có tôi được trẻ em nghèo gọi tôi bằng cái tên ông già ozon. Cán bộ các địa phương họ đều chào tôi bằng cái tên đó", ông hãnh diện nhớ lại.

Còn chuyện ông  bỏ tiền túi để tình nguyện đi làm khoa học, ông  nhấn mạnh: Tiền đã là gì, cái tôi quý trọng nhất là tôi bỏ trí tuệ để làm. Trí tuệ để thay đổi cách sống của họ. Làm khoa học cực khó, đầu tiên là phải biết hy sinh. Mà đã làm khoa học thì không thể giàu được. Đố ai cứu được nhiều lợn nhiều gà như tôi. Tôi cứu nhưng tôi không lấy tiền.

Bị chửi, tôi thấy mừng quá

Nếu có ai đó nói rằng "Tin làm gì ông Khải, ông đấy thì công nghệ vũ trụ hay kỹ thuật sinh sản đều biết, nói toàn vớ vẩn", ông sẽ phản ứng thế nào? Ông bảo, ông chẳng bận tâm đến điều đó vì họ không hiểu ông Khải. Ngay cả chuyện tóc cháy như trước đây, người ta bảo ông Khải chữa vớ vẩn. Tôi cho rằng đó là những người nghi ngờ khinh ghét ghen tài. Họ không được học đạo đức. Trong đạo đức, thì khi nhận xét thì phải biết kỹ mới nên nói.

Ông chìa chiếc điện thoại cho tôi xem rồi bảo: Điện thoại tôi vẫn còn lưu những cái tin nhắn: "Tiên sư thằng già. Mày già mày còn tham đi chữa bệnh lấy tiền". Ông phản ứng thế nào với cái tin nhắn đó? Ôi tôi thấy mừng quá, cái gì người ta cũng đồng ý thì chán. Tôi đi chữa bệnh nhưng không lấy tiền nên tôi chẳng có gì phải buồn với tin nhắn đó. Tôi nhìn mọi vật theo quan điểm duy vật biện chứng, bằng con mắt của một nhà vật lý học cơ bản, nghiên cứu cơ bản, ứng dụng cơ bản.

Ông bảo rằng, tiền là cần nhưng không mua được tất cả. Vài ba chục nghìn hay cả triệu đồng cũng là một bát phở. Rừng không thể có một cây, cây không thể có 1 cành, cành không thể có một lá. Dù bị chửi nhiều nhưng ông cũng không lấy đó làm buồn, thậm chí còn thấy vui.
Họ chửi mình thì lại là mừng, vì đa số là chửi đằng sau. Chứ còn trước mặt, trước các hội nghị khoa học, thì không ai dám chửi tôi bởi tôi đúng. Ông không chấp những kẻ điên khùng. Nhiều khi nó chửi mình cũng là một nguồn động viên mình làm tiếp.
TS Khải hướng dẫn học sinh Trường Việt - Đức chuẩn bị hội thi khoa học.
Tôi đào hoa
Khi tôi hỏi ông đi nhiều như vậy, bà nhà có than thở nhiều không, ông cho biết bà có ảnh hưởng lớn đến con đường của ông. Bà luôn động viên ông rằng "Ai cần giúp thì ông cứ giúp, họ cần thì họ mới gọi mình".
“Trong những chuyến đi xa, tôi thường nhớ bà nhà nhất là vào những lúc trời mưa. Mưa thế này vợ mình dắt xe thế nào, cho chó ăn thế nào, mèo ăn thế nào, gà ăn thế nào. Hay quả gấc chín quá mà không có ai hái thì vợ mình sẽ làm thế nào.
Bà ấy hiểu tôi, hiểu tính cách con người tôi nên không kêu ca gì. Vì suy cho cùng, cuộc đời là những cuộc chia tay và những cuộc gặp gỡ liên tiếp. Đi xa để đem cái hồn đất, tinh hoa về. Nên lần nào đi xa tôi cũng thấy khoẻ, khi trở về là bà ấy cũng rất vui.

Ngày xưa trong lớp rồi trong cơ quan tôi cũng được nhiều người thích, bà ấy đều biết. Rồi hồi tôi đi ra chiến trường thì có đến 2 lần gia đình nhận được giấy báo tử. Có cô lấy chồng được 3 ngày thì tôi trở về. Có cô mãi đến tận 40 năm sau mới thổ lộ tình yêu với tôi. Những chuyện đó bà nhà đều biết cả”.

"Việc lấy vợ lúc đó cũng đơn giản, vì là người cùng xã. Lúc tôi đi bộ đội về đang xách đồ nặng trĩu thì một đám trẻ con bu đến, trong đó có vợ tôi. Tôi bảo: Tao đang khiêng nặng, chúng mày lùi ra. Thế là vợ tôi mới xán đến xách hộ. Tôi hỏi: Cháu người ở đâu đấy. Vợ tôi bảo: Cháu nhà bên cạnh. Thế là quen nhau và gắn bó đến giờ", ông cười khi nhớ lại kỷ niệm êm đềm đó.

Nếu giờ tôi mới chỉ 40 tuổi thì tôi sẽ không làm khoa học ở Việt Nam. Một cánh én không làm nên mùa xuân. Một mình Ngô Bảo Châu không thể làm gì cả. Không có cái bổ đề của Ngô Bảo Châu thì người ta vẫn đưa được người vào vũ trụ. Nhưng hàng triệu người nông dân Việt Nam nếu gà chết, bò chết, lợn chết, thì ảnh hưởng ngay... Nhưng một mình tôi thì làm được gì, cũng chỉ như muối bỏ bể.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật