Người hương khói cho công nhân đường sắt thời Pháp thuộc

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
12 năm qua, có một ông già bé nhỏ ở Đà Nẵng ngày nào cũng cần mẫn ra miếu Linh Sơn - dưới chân đèo nam Hải Vân - quét dọn và lo hương khói cho vong linh những công nhân xây dựng đường sắt dưới thời Pháp thuộc.
Người hương khói cho công nhân đường sắt thời Pháp thuộc
Ngôi miếu thờ những người công nhân đường sắt dưới thời Pháp thuộc luôn sạch sẽ và nghi ngút khói hương nhờ ông Mãi tình nguyện coi sóc. Ảnh: Nguyễn Đông.

“Hải Vân là ngọn đèo hiểm trở nhất từ Nam ra Bắc. Và để xây dựng tuyến đường sắt quanh co qua con đèo này, không biết bao công nhân đã mãi nằm lại nơi đây. Lo hương khói cho họ cũng là việc nên làm”, ông Mãi mở đầu câu chuyện.

Ở tuổi 77, dáng người nhỏ thó, lại mất nửa bàn chân do dẫm phải bom mìn thời chiến tranh nên sức khỏe của ông không được tốt. “Vậy mà ngày nào ông cũng có mặt tại miếu này từ 6 giờ sáng, thắp hương và ngồi coi miếu cho đến mãi 7 giờ tối mới về”, một người dân ở cạnh miếu cho biết.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn có tên tiếng Pháp là Trans-Indochinois (Xuyên Đông Dương), khánh thành vào ngày 2/10/1936, thời vua Bảo Đại, với chiều dài 1.730 km. Đoạn qua đèo Hải Vân được làm lâu và huy động nhiều công nhân do địa hình hiểm trở.

Ông Mãi kể, theo lời các cụ, ngày đó hàng ngàn người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… ra làm công nhân ở đây. Nhiều người đã chết vì kiệt sức, hay bị tai nạn khi đào đá, làm hầm thông qua đèo.

“Khi chết họ không được đưa về quê chôn cất và cũng không có ai là thân nhân để lo thờ tự nên người dân làng Liên Chiểu cũ đã lập miếu thờ Hỏa Xa ngay dưới chân đèo, cạnh đường sắt”, ông Mãi kể.

Một số người biết người thân được thờ ở miếu đã chở đá nguyên khối từ Khánh Hòa ra xây dựng ngôi miếu khang trang. Nhưng sau giải phóng miếu bị đập phá. Người dân đã đổi tên miếu thành Linh Sơn và tiếp tục thờ những người đã ngã xuống vì tuyến đường sắt lịch sử này.

Những năm chiến tranh, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị hư hỏng nặng, riêng đoạn đường qua đèo Hải Vân được chính quyền Sài Gòn chú trọng sửa chữa nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa ra vùng vĩ tuyến 17 ở Quảng Trị. Và nhiều công nhân lại tiếp tục nằm xuống.

Ông Mãi và công việc thường ngày là thắp hương và dọn dẹp lại miếu. Ảnh: Nguyễn Đông.

Chiều muộn, ngồi nghỉ ngơi sau khi lo quét dọn miếu, ông Mãi trầm ngâm nhớ lại: “Thấy ngôi miếu thờ cỏ mọc um tùm, tôi và anh em chạy xe ôm trên tuyến đèo Hải Vân đã gom góp tiền sửa soạn lại, xây dựng thêm phần nền và một số hạng mục. Không có người quét dọn, hương khói, tôi đã tình nguyện làm”.

Nhà ông Mãi ở tổ 1 phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, cách miếu chừng gần 1km nhưng dù trời mưa như trút hay những ngày đông giá rét, ông vẫn đều đặn ra đây chăm sóc. Ông bảo dù dưới chế độ nào thì những người làm nên tuyến đường sắt này cũng đáng được tôn trọng.

Thời trẻ, ông Mãi bị bắt tham gia lính Việt Nam Cộng hòa. Không cam chịu cảnh phải tàn sát dân, ông đã cố ý giẫm mìn, cụt mất nửa bàn chân phải. Ông được trả về địa phương, lập gia đình và có tới 9 người con.

Phút nghỉ ngơi của người coi miếu không lương. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hòa bình lập lại, ông động viên con đi bộ đội để xây dựng đất nước. Người con trai của ông đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trên nước bạn Lào. Còn bây giờ, ông dùng số tiền chế độ gia đình liệt sĩ để sinh sống và mua hương mang ra miếu Linh Sơn. Thi thoảng có khách ghé miếu thắp nén hương có cho ít tiền, ông lại dành dụm mua hương, hoa và làm lễ cúng ngày rằm, mùng 1 đầu tháng.

Ông Trần Tình, 57 tuổi, đội trưởng Đội xe ôm an toàn quận Liên Chiểu, không ngớt lời khen và thầm thán phục sự tự nguyện coi miếu của ông Mãi.

“Việc lo hương khói cho những công nhân đã mãi nằm xuống dưới chân đèo này là một việc làm tâm linh. Riêng ông Mãi là người âm thầm làm công việc coi miếu Linh Sơn với sự thành tâm và biết ơn những người đã đổ máu vì tuyến đường sắt này. Đó là một điều rất đáng trân trọng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật