Câu chuyện về “Hải si-đa” làm Trưởng thôn kiêm công an viên

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mang trong mình căn bệnh thế kỉ HIV, cuộc đời với nhiều thăng trầm ba chìm bảy nổi, nhưng anh Dương Đức Hải vẫn được bà con thôn 4, xã Sa Sơn, Sa Thầy, Kon Tum tín nhiệm giao trọng trách làm Trưởng thôn kiêm công an viên.
Câu chuyện về “Hải si-đa” làm Trưởng thôn kiêm công an viên
Anh Hải (giữa) đang hướng dẫn cho bà con J'rai làng Chót san đường bằng phẳng để đi vào rẫy dễ dàng hơn
Tán gia bại sản vì… phút xao lòng
Thời gian gần đây, nhiều người dân huyện Sa Thầy luôn xôn xao chuyện “Hải si- đa” (tức anh Dương Đức Hải, 49 tuổi) được lên chức trưởng thôn ở thôn 4, Sa Sơn. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng thôn 4, Sa Sơn có rất nhiều người bị “hát” nên mới để cho một người nhiễm “hát” lên lãnh đạo. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại, anh Hải chính là người đầu tiên trong thôn được người dân biết đến là người mắc căn bệnh thế kỉ HIV, anh cũng là người đầu tiên bị xóm làng k‌ì th‌ị, xa lánh.

Ấy vậy mà đến bây giờ, anh lại là tấm gương sáng đầy nghị lực để nhiều người nhìn vào. Không chỉ là người lãnh đạo đáng tin cậy của bà con, anh còn là ân nhân của nhiều bà con dân tộc thiểu số J’Rai ở làng bên, là tuyên truyền viên đồng đẳng tích cực của tổ chức phòng chống HIV/ASD. Để sống được như ngày hôm nay, đằng sau đó là một câu chuyện dài của một con người đầy nghị lực này.
Đang là một thương lái buôn riềng và một số mặt hàng nông sản nổi tiếng ở Kon Tum, là một nông dân sở hữu cả chục ha cao su, cuộc sống của gia đình anh Hải khá sung túc. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, mọi thứ đều tiêu tan. Năm 2007, vợ anh Hải chuyển dạ sinh đứa con thứ 5 trên bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Khi hay tin mẹ tròn con vuông, cả gia đình anh Hải mừng rỡ, nhưng bác sĩ lại không cho đứa bé bú sữa mẹ mà bắt cha nó phải đi mua sữa ngoài về cho con bú. Thấy chuyện thật “vô lý”, anh Hải tức giận không chịu, quậy tưng bừng trên bệnh viện.

Lúc này, các bác sĩ mới tiết lộ, vợ anh đã bị nhiễm HIV, nhưng một phép màu xuất hiện khi đứa trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Nhận hung tin, anh Hải vẫn không tin vào sự thật, anh tự mình đi xét nghiệm máu và sự thật phũ phàng anh cũng bị HIV, nhưng anh chưa chấp nhận… xin xét nghiệm thêm lần 2, lần 3 và đều cùng 1 kết quả. Cả bầu trời trước mắt anh bị sụp xuống. Tất cả sự hối hận đều đã muộn vì chính anh là người lây truyền cho người bạn đời, chỉ vì một chút không kìm lòng với một người phụ nữ hóa chồng trong thôn trong thời gian vợ anh mang bầu, mà anh đã mắc phải căn bệnh thế kỉ.

Nghe HIV là rùng rợn, nhưng bản thân anh vẫn chưa biết nó là gì, có bệnh thì vái tứ phương. Đất đai, cao su, tài sản anh đều gom hết đi bán, cùng vợ mình đi khắp nơi chữa bệnh, từ bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, đến các thầy lang, thầy cúng, ai mách đâu vợ chồng anh đi đó. Nhưng đều ra về trong thất vọng, bệnh ngày nặng hơn.
Giữa năm 2008, anh bị sốt cao triền miên, tưởng chừng cái chết đã đến gần. Nhưng người thân liền đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Kon Tum và anh được các y bác sĩ tại đây tận tình cứu chữa, tuyên truyền, giải thích. Suốt 3 tháng nằm viện, anh nghĩ rằng chỉ có cái chết mới giải quyết tất cả, bởi mình đã là người bỏ đi của xã hội, nhưng vì các bác sĩ quá tận tâm, khuyên giải, động viên giải thích cho anh. Anh mới cảm thấy mình vẫn còn có nguyên nhân để sống, vẫn có những người trên đời này quan tâm, giúp đỡ anh như bác sĩ Hùng, bác sĩ Thanh chuyên tư vấn HIV… của bệnh viện.

Nhưng khi về lại nhà, anh cảm thấy đau khổ, dằn vặt, chán nản… vợ anh cả ngày ôm mặt khóc, bà con làng xóm xa lánh, con cái đòi nghỉ học vì lên trường bị bạn bè xa lánh, dị nghị vì có cha mẹ bị HIV. Với anh, trước mắt chỉ là chông gai và màu đen, cuộc đời anh lại trở về với con số không, chết là hết tất cả! Nhưng chết rồi 5 đứa con, đứa lớn nhất lúc này chưa hết cấp II, đứa nhỏ mới chào đời, chúng sẽ sống như thế nào đây?

Anh lại gượng sống vì con, nhưng vợ anh không thể tha thứ cho anh. Không chửi bới, nhưng cả ngày chị im lặng, dật dờ như cái bóng chỉ biết chảy nước mắt. Các bạn hàng trước đây đều xa lánh, không còn mối làm ăn, lại đang nợ hàng cả trăm triệu đồng, anh phải sống nhờ vào gia đình vợ. Cả ngày anh chỉ biết quanh quẩn ở trong nhà, không dám ló mặt ra ngoài vì xấu hổ, mặc cảm. Bà con dường như đã “quên” mất cái tên Hải của anh mà thay vào đó là cái tên “thằng si đa”.
“Không ai làm được như anh Hải”
Sau một thời gian sống như địa ngục, khoảng giữa năm 2009, trong thôn tổ chức cuộc họp để bầu trưởng thôn và phó thôn. Trong tâm trạng mặc cảm, xấu hổ nhưng với quyết tâm sống là người có ích, anh Hải đạp xe lân la đến hội trường của thôn. Cả thôn ngồi đông kín trong hội trường, riêng anh Hải cực kì xấu hổ, chỉ dám lấp ló ngoài cửa sổ dõi theo cuộc họp. Ứng cử viên là 2 người đã được vào Đảng bị loại, 1 người làm 4 khóa trưởng thôn cũng bị loại.

Chị Vũ Thị Huệ được xướng tên, một người dân liền nói to thêm, "một người nữa là “thằng si- đa” đang đứng ngoài kia kìa". Không ai nói gì, như trời khiến, cái tên Dương Đức Hải được viết song song với Vũ Thị Huệ. Kết quả anh giành được 49 phiếu, kém chị Huệ một phiếu và làm phó thôn. Không ngờ cái chức phó thôn lại đến với anh bất ngờ và dễ dàng như vậy, cũng có nghĩa là anh đã được bà con chấp nhận.
Ông Phạm Văn Đức (bên phải) cùng anh Hải, cho biết anh Hải là người nhiệt tình năng nổ, được bà con tin cậy

Không phụ công của mọi người, bất kì có chuyện gì trong làng anh đều đứng ra giải quyết lo liệu, từ đánh nhau, giao thông đi lại, giống cây trồng, hệ thống tưới tiêu đồng ruộng, răn đe các đối tượng phạm luật, hư hỏng… anh đều đảm nhận. Tất cả công việc của anh đều hoàn thành tốt, bà con ngày càng tin tưởng hơn, cuối năm 2009, anh lại được bầu làm công an viên của thôn kiêm phó trưởng thôn.

Ngày 7/2/2011, anh chính thức lên chức trưởng thôn với sự nhất trí của toàn tập thể dân làng. Không chỉ là trưởng thôn đầy năng lực, anh còn là điểm đến của những người J’rai ở làng Chốt, chỉ cho họ các chống sâu bệnh, tư vấn trồng cây, chăn nuôi… giúp nhận thức của bà con tiến bộ hơn: “Hải giúp dân làng mình nhiều lắm, Hải có ích với dân làng, giúp dân làng làm đường, trồng cây… giúp dân làng mình thoát nghèo”, một số người làng Chót cho biết.

Không chỉ vậy, anh còn là tuyên truyền viên đồng đẳng của những người có HIV trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giúp họ hướng thiện, sống có ích hơn… Ngoài ra, anh còn nhận được nhiều giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phá được 1 vụ án trộm cắp trong địa bàn xã chỉ với 3 ngày, đảm bảo an ninh trật tự tốt trên địa bàn…
Ông Phạm Văn Đức, chi Hội trưởng hội cựu chiến binh cho biết: “Anh Hải là người năng nổ, chịu trách nhiệm gánh vác tốt mọi công việc của tập thể, tinh thần làm việc cao. Nếu rơi vào trường hợp của người khác thì không ai vượt qua được, nhưng anh Hải vẫn vượt qua, thậm chí anh còn làm tốt hơn nhiều người, cách làm việc vô tư, năng nổ. Nếu nói về năng lực, thì anh là người có năng lực nhất ở xã này, có khả năng lãnh đạo tốt…”.

Tuy vậy, với anh Hải và gia đình thì tương lai đang đầy rẫy những khó khăn, nợ nần chồng chất lên đến gần 200 triệu vì bị bạn hàng xù nợ, tiền vay chữa bệnh cho cậu con trai bị tai nạn. Trong khi lương tháng của anh chỉ hơn 1 triệu đồng, vợ anh phải đi làm thuê cả ngày ngoài rẫy, để nuôi 5 đứa con ăn học là rất khó khăn. “Sức khỏe của vợ chồng tôi ngày càng yếu, 5 đứa đi học, mỗi lần chúng về đòi tiền là vợ chồng tôi không biết xoay sở ở đâu. Vì đã từng bị bạn bè k‌ì th‌ị nên bây giờ bị cô giáo nhắc đóng tiền nên chúng rất ngại, về nhà xin bỏ học miết. Thằng lớn nhất năm nay đang học lớp 11, tôi không biết có đủ sức nuôi nó hết lớp 12 hay không…”, anh Hải buồn nói.

An ủi lớn nhất của vợ chồng anh là cả 5 đứa con đều khỏe mạnh bình thường, kể cả bé út cũng không bị nhiễm HIV, nhưng nỗi lo lớn nhất của anh là tương lai của 5 đứa con đang tuổi ăn học.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật