Du lịch tới điểm nóng thể thao

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 8/6 tới đây, sự kiện thể thao thu hút sự quan tâm số một hành tinh trong năm 2012 bắt đầu khởi tranh tại Ba Lan và Ukraine: EURO 2012. Hơn một tháng sau, từ ngày 27/7, một sự kiện thể thao hấp dẫn khác cũng sẽ diễn ra tại châu Âu: Olympic London. Sẽ là quá muộn nếu không lên kế hoạch du lịch tới những điểm nóng thể thao ngay từ lúc này, nếu bạn là một fan của trái banh hoặc các môn thể thao thi đấu tại Olympic.
Du lịch tới điểm nóng thể thao
Sân vận động quốc gia Ba Lan nằm tại Thủ đô Warsaw, nơi sẽ diễn ra nhiều trận cầu quan trọng của EURO 2012, đích đến của nhiều fan thể thao mùa Hè năm nay

Du lịch khỏe nhờ thể thao

Trong tất cả các lĩnh vực du lịch, du lịch gắn với thể thao có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, chỉ tính riêng trong năm 2008 là 600 tỷ USD, tương đương hơn 10% thị trường du lịch toàn cầu.

Nền kinh tế của những thành phố, vùng và trong nhiều trường hợp với các sự kiện thể thao quy mô toàn cầu như Thế vận hội hay giải vô địch bóng đá thế giới World Cup, cả một quốc gia, được hưởng lợi lớn từ những hoạt động du lịch gắn với thể thao. Thông thường, những du khách lặn lội hàng nghìn cây số để tham dự những sự kiện thể thao toàn cầu là những người sẵn sàng chi tiền hơn, ở lại lâu hơn, thích khám phá hơn và là nguồn gốc quan trọng cho nhiều hình thức du lịch khác.

Lợi ích trực tiếp họ đem lại thật dễ thấy, tiền mặt, còn lợi ích gián tiếp có thể kéo dài nhiều năm sau đó. Lấy ví dụ, Thế vận hội 1992 thành công rực rỡ đã giúp thành phố Barcelona trở thành điểm đến số một ở Tây Ban Nha và hàng đầu ở châu Âu. Số du khách tới thủ phủ xứ Catalan tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm sau 1992. Từ vị trí thứ 11, giờ Barcelona đã là thành phố du lịch lớn thứ 6 của châu Âu.

Tương tự, Sydney đã tạo ra những hoạt động kinh doanh trị giá gần 2 tỷ USD sau Olympic 2000. Du lịch cũng gia tăng mạnh mẽ và sự xuất hiện liên tục, với cường độ cao, dồn dập trên các phương tiện truyền thông của thành phố lớn nhất nước Úc được đánh giá tương đương với khoản tiền hơn 3 tỷ USD chi ra để quảng bá, nếu không có Thế vận hội.

World Cup 2010, giải vô địch bóng đá thế giới lần đầu tổ chức ở châu Phi, đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt quốc gia. “World Cup mang đến cho chúng tôi một cơ hội cả đời chỉ có một lần, để cho thấy Nam Phi là một điểm đến du lịch hấp dẫn ra sao”, Bộ trưởng Du lịch Nam Phi Marthinus van Schalkwyk nói ngay trước giải.

Brazil: Một ví dụ điển hình

Một nghiên cứu mới nhất do Chính phủ Brazil tiến hành cho thấy Olympic 2016 ở Rio de Janeiro sẽ giúp nền kinh tế tạo ra thêm những giá trị lên tới 24 tỷ USD, không chỉ trong giai đoạn diễn ra giải, mà bắt đầu từ năm 2010, khi những công trình đầu tiên được xây dựng, cho tới tận hơn 10 năm sau đó, với những lợi ích về quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch và đầu tư. Brazil hiện là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và không phải ngẫu nhiên mà giới phân tích dự báo rằng sau World Cup 2014 và Olympic 2016, quốc gia Nam Mỹ này sẽ vươn lên thứ 5.

Số du khách nước ngoài đến Brazil sẽ tăng từ 10-15% trong dịp diễn ra Olympic và World Cup so với năm trước đó, so với mức 1-2% bình thường. “Tôi xin chúc mừng tất cả những ai đã mang tới chiến thắng cho Rio de Janeiro. Đây là một ngày để ăn mừng với người dân Brazil, lần đầu tiên được làm chủ nhà cho các sự kiện quan trọng nhất hành tinh”, Bộ trưởng Du lịch Luiz Baretto nói sau khi Rio de Janeiro được Ủy ban Olympic quốc tế tuyên bố là thành phố chiến thắng. “Thế vận hội sẽ quảng bá rộng rãi hình ảnh của Rio, và cả nước, là một cơ hội không thể bỏ qua cho ngành du lịch Brazil trong dài hạn”.

Là thành phố đầu tiên của Nam Mỹ có vinh dự đăng cai Olympic, Rio nổi tiếng với các thắng cảnh và bờ biển tuyệt đẹp. Hy vọng của ngành du lịch Rio càng lớn khi chỉ trước đó hai năm, thành phố cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của World Cup 2014. “Tổ chức Thế vận hội ngay sau World Cup đồng nghĩa với việc thừa hưởng hạ tầng sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt Brazil không chỉ trong bốn năm”, Jeanine Piresm, Chủ tịch Hội đồng du lịch quốc gia Brazil nói. “Đây là cơ hội để chúng tôi cho thế giới thấy ngoài những bãi biển đẹp, nền văn hóa đa dạng và cuốn hút, chúng tôi còn có cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế”.

Để thực hiện điều đó, Chính phủ Brazil dự định sẽ chi ra 10 tỷ USD cho làng Olympic và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Tổng cộng 48.000 phòng khách sạn sẽ được xây mới hoàn toàn chuẩn bị cho lượng du khách khổng lồ cũng như một cầu cảng mới để đón du thuyền đã xong phần thiết kế. Một đường tàu lửa cao tốc nối Sao Paulo và Rio, hai thành phố lớn nhất nước, với mức đầu tư 210 triệu USD, cũng đang được hoàn tất.

Du lịch thể thao với du khách Việt

Tuy chưa phát triển rầm rộ nhưng ngạch du lịch thể thao đang mang lại doanh thu kha khá cho một số ít công ty du lịch của Việt Nam bởi nhu cầu của khách du lịch trong nước mặc dù không phổ biến nhưng rất “quyết liệt”. Không chỉ đi du lịch để xem thi đấu thể thao, du khách Việt còn có nhu cầu du lịch để chơi thể thao. Những địa điểm nổi tiếng với môn thể thao golf luôn thu hút được các tay golf “máu mê”. Thậm chí, trong thời buổi các golfer ở các nước có mức sống đắt đỏ phải đi du lịch qua những nước nghèo để chơi golf nhằm giảm chi phí thì các tay golf Việt Nam - vốn là những đại gia - không ngần ngại chi tiền để được chơi ở những sân golf sang trọng và đắt đỏ nhất thế giới!

Một điểm quan trọng, những du khách mê thể thao và quyết tâm đi cho được đến địa điểm diễn ra hoạt động họ chú ý, đặc biệt là bóng đá, sẵn sàng bỏ tiền để được thỏ‌a mã‌n việc tận mục sở thị những trận đấu đỉnh cao. Với họ, tiền không phải vấn đề mà vấn đề là được đảm bảo sẽ có mặt tại các trận đấu và được ăn ở, đi lại thuận tiện. Bằng chứng là mùa World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi, với giá tour gần 90 triệu đồng/khách mà Vietravel nhanh chóng nhận được đơn đặt hàng của 80 tín đồ bóng đá, Fiditour có giá “mềm” hơn, xấp xỉ 70 triệu đồng có khoảng 60 khách đi, Saigontourist giá khoảng 50 triệu đồng thì được khoảng 120 khách đặt tour…

Với những giải bóng đá trong khu vực như SEA Games, việc tổ chức tour được xem là hoạt động hiển nhiên của những công ty du lịch này bởi việc đi lại giữa các nước Đông Nam Á khá dễ dàng, giá các dịch vụ đi kèm như khách sạn, ăn uống đều rẻ, thời gian bay ngắn… nên du khách không ngần ngại còn công ty du lịch cũng dễ cung cấp dịch vụ hơn. Cứ đến mùa SEA Games, các công ty du lịch lại rục rịch làm tour và du khách cứ thế tìm đến những địa chỉ quen thuộc để có chỗ ngồi trong sân vận động. Thậm chí, những năm đội tuyển Việt Nam vào sâu vòng trong, công ty Vietravel còn thuê riêng máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách. Mùa SEA Games vừa rồi ở Indonesia, Vietravel cũng sẵn sàng kế hoạch thuê 2 chiếc máy bay nhưng do đội tuyển Việt Nam thi đấu “lẹt đẹt” và mất chân trong trận chung kết nên kế hoạch bất khả thi.

Còn với những giải bóng đá lớn như World Cup, Euro, điều khó khăn nhất cho các công ty du lịch là kiếm được tấm vé vào sân vận động cho du khách, thường phải là vé của các trận bán kết, chung kết hoặc chí ít cũng phải là trận bóng của những đội tuyển mạnh. Vé bán ra không đắt nhưng nếu không có “đường dây” đủ mạnh thì rất khó mua, nhất là trong thời buổi vé giả tràn lan được bán với giá không hề thấp dưới hình thức vé chợ đen. Hơn nữa, với du khách Việt, chuyện xin visa vào các nước không đơn giản. Còn nhớ mùa World Cup 2002 tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều công ty du lịch đã phải chịu bó tay vì sứ quán 2 nước này không cấp visa du lịch cho người Việt Nam do lo ngại tình trạng lợi dụng việc đi du lịch xem bóng đá rồi trốn ở lại. Tình trạng mua được vé xem thể thao nhưng không xin được visa hoặc ngược lại không phải là hiếm. Đó chính là lý do khiến cho nhiều công ty du lịch, nhất là những công ty nhỏ, không đủ tiềm lực, đành quay lưng với địa hạt này.

Ngay từ đầu năm 2012, các công ty du lịch đã chọn du lịch thể thao làm mũi nhọn kinh doanh như Fiditour, Vietravel, Saigontourist… đã lên kế hoạch cho những giải đấu thể thao lớn như giải quần vợt Roland Garros, giải bóng đá ngoại hạng Anh, Olympic London hay đình đám nhất là Euro vào mùa Hè ở Ba Lan và Ukraine. Còn các tín đồ thể thao bắt đầu “tăm tia” xem tour nào hợp túi tiền và đáp ứng tối đa nhu cầu xem thi đấu thể thao để xuất hầu bao và chờ ngày lên đường.

Nếu đi tour: Vào mùa Euro 2012, các công ty du lịch cung cấp tour tới Ba Lan, nơi tổ chức giải này dự kiến sẽ đưa ra nhiều hình thức dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách. Bạn có thể đặt tour trọn gói hoặc đặt tour theo hình thức “free & easy” (chỉ nhờ công ty du lịch mua vé máy bay, làm visa, đặt phòng khách sạn, mua vé xem đá bóng) tùy theo nhu cầu và khả năng. Tuy nhiên, lời khuyên của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là nếu mục đích chính của bạn là xem đá bóng thì nên book tour trọn gói bởi ngoài việc bạn được đảm bảo mọi mặt về an toàn, chất lượng ăn nghỉ, bạn còn được đảm bảo là sẽ đến sân vận động đúng giờ các trận đấu khai mạc. Nếu không thông thu‌ộc đị‌a hình, bạn sẽ rất dễ bị muộn giờ, thậm chí có thể không đến được sân vận động.

Tới Warsaw mùa EURO không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng
ở thành phố này, tiêu biểu là quảng trường Lâu đài

Nếu là dân “phượt”: Hãy tận dụng thời điểm Euro 2012 diễn ra để đi vòng quanh châu Âu bởi chỉ cần xin visa Schengen, bạn có thể đi tới 24 nước (Bỉ, Ba Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Luxemburg, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Áo, Hy Lạp, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Iceland, Na Uy, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Slovakia, Slovenia, Hungary). Các quốc gia được cho là dễ dàng cấp visa nhất là Hà Lan, Pháp, Đức. Book phòng khách sạn qua www.booking.com, www.hostelbookers.com vì những trang này không yêu cầu đặt cọc và bạn có thể hủy bỏ nếu muốn. Và lưu ý, lịch trình chuyến đi phải khớp với các booking và phải bao gồm nước mà bạn xin visa. Các trang để bạn tham khảo về những phương tiện di chuyển (giá vé, cách sử dụng, giờ giấc): www.mytraintickets.com, www.eurolines.com, www.interrail.com, www.europeanvacations101.com.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật