7 ĐH VN lọt Top 100 ĐH hàng đầu khu vực có chính xác?

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo xếp hạng năm 2007 của Webometrics với các trường ĐH thuộc Đông Nam Á, VN có 7 trường lọt vào 100 trường ĐH hàng đầu của khu vực. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi với kết quả này.
7 ĐH VN lọt Top 100 ĐH hàng đầu khu vực có chính xác?
Với cảnh xếp hàng còn nhiều bất cập, liệu kết quả 7 ĐH Việt Nam lọt vào Top 100 ĐH hàng đầu khu vực liệu có chính

Vì ngay cả trường có thứ hạng cao nhất trong danh sách là ĐHKHTN thuộc ĐHQG TPHCM cũng chỉ mới xếp hạng thứ 2120 của thế giới.

Thông tin thiếu chính xác

Thông tin của Webometrics về giáo dục đại học Việt Nam không chính xác ở những điểm nào?

Cần phải nêu ở đây rằng dù việc xếp hạng các trường đại học của Webometrics đã được tiến hành từ năm 2004, nhưng sự quan tâm của dư luận đến Webometrics tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây.

Mối quan tâm này có lẽ đã lên đến đỉnh điểm khi thứ hạng của các trường có trong danh sách vừa nêu đã được nhắc đến trong báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị chất lượng giáo dục đại học ngày 5/1/2008.

Và cùng với sự quan tâm này là những nghi ngờ về giá trị của Webometrics vì những sai lệch quá lớn liên quan đến thông tin về các trường đại học Việt Nam.

Thật vậy, trong bảng xếp hạng tháng 7/2007, trong số 7 trường của Việt Nam đã có đến 4 trường hợp mơ hồ hoặc nhầm lẫn!

Chẳng hạn, trường có vị trị thứ 2 trong số 7 trường của Việt Nam có tên tiếng Anh mơ hồ là Ho Chi Minh City University of Technology.

Điều này dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau: người thì khẳng định đây là ĐH Bách khoa thuộc ĐHQG TPHCM, nhưng cũng có những người quả quyết rằng đó là ĐH Dân lập Kỹ thuật và Công nghệ TPHCM vì tên tiếng Anh trên trang web của trường này chính là Ho Chi Minh City University of Technology.

Tương tự, trường số 54 trong danh sách trên có tên tiếng Anh là Vietnam National University tức là ĐHQG, nhưng không hề nêu rõ đây là ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG TPHCM! Rồi trường có số thứ tự 90 lại một lần nữa mang tên gọi mơ hồ University of Technology mà không ai có thể đoán được đây là trường nào, vì cả hai trường ĐH lớn có tên tiếng Việt có thể dịch ra thành University of Technology là ĐHBK Hà Nội và ĐHBK TPHCM đều đã có mặt trong danh sách (số 62 và 36).

Và có lẽ nhầm lẫn gây khó chịu lớn nhất cho các nhà lãnh đạo và quản lý của ĐHQG TPHCM là sau khi đã xếp hạng hai trường thành viên là ĐH KHTN và ĐH Bách khoa, Webometrics lại rất ưu ái xếp luôn ĐHQG TPHCM, tức đơn vị “mẹ” của hai thành viên vừa nêu, vào danh sách với vị trí thứ 7 trong số 7 “trường” của Việt Nam mà Webometrics “công nhận”, và là vị trí số 96 trên số 100 trường hàng đầu của Đông Nam Á!

Khi vào trang chủ của Webometrics tìm danh mục (catalogue) các trường đại học Việt Nam trong cơ sở dữ liệu của Webometrics, ta sẽ thấy chỉ có thông tin về 71 đơn vị, trong đó có các trường đại học/cao đẳng và các viện nghiên cứu, vừa các khoa/bộ môn hoặc trung tâm nằm trong các trường đại học hoặc các viện đã nêu.

Riêng ĐHQG TPHCM đã có 7 đơn vị trong danh sách, chiếm xấp xỉ 10% tổng số, trong đó, ngoài đơn vị “mẹ” là ĐHQG TPHCM còn có 4 trường thành viên (ĐHKHTN, ĐH Bách khoa, KHXH&NV, Công nghệ thông tin.

Như vậy, kết quả xếp hạng của Webometrics đối với các trường đại học của Việt Nam chỉ dựa trên số 71 các đơn vị này mà thôi, trong khi chỉ tính riêng số trường đại học và cao đẳng của Việt Nam thì tổng số đã đến 322 đơn vị, một sự chênh lệch quá lớn dẫn đến sự sai lệch tất yếu của các kết quả xếp hạng mà Webometrics đã thực hiện đối với các trường đại học của Việt Nam.

Đâu là nguyên nhân?

Thật ra, có lẽ chính các tác giả của hệ thống xếp hạng Webometrics ở Tây Ban Nha xa xôi sẽ chẳng bao giờ ngờ được rằng hệ thống xếp hạng của mình lại gây ra những phản ứng trái ngược nhau đến thế ở Việt Nam, bởi mục tiêu và phương pháp của Webometrics đã được nêu rất rõ ràng và minh bạch trên trang chủ của Webometrics.

Theo đó, mục tiêu của Webometrics trước hết là nhằm “cổ vũ các trường đại học và các viện, trung tâm nghiên cứu công bố thông tin trên mạng Internet”.

Và để phục vụ mục tiêu trên, các tác giả của Webometrics đã xây dựng một công thức để chấm điểm và xếp hạng trang web của các trường đại học với 4 chỉ số:

- Kích thước (Size), tính theo số lượng trang web xuất hiện dưới cùng một tên miền (domain) trên 4 công cụ tìm kiếm Google, Yahoo, Live Search và Exalead.
 


- Khả năng nhận diện (Visibility), tính theo số các đường dẫn từ bên ngoài đến các kết nối bên trong trên một tên miền.

- Số lượng “file giàu” (Rich File), tính theo số lượng các loại file doc, pdf, ps và ppt có thể truy xuất từ một tên miền.

- Thư tịch nghiên cứu trên mạng (Scholar): tính theo số lượng các thư tịch khoa học (academic records), tức các bài báo, luận văn luận án, các ấn phẩm khoa học, cùng các trích dẫn (citations) trên một tên miền thông qua việc tìm kiếm với công cụ Google Scholar, là một dịch vụ mới của Google dành cho giới khoa học mà hiện nay vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Tất cả các chỉ số nêu trên đều được tính toán một cách tự động để đưa ra các kết quả xếp hạng mà Webometrics đã công bố từ năm 2004 đến nay. Việc tính toán tự động này đã tạo ra hiệu suất cao và là ưu thế cơ bản của Webometrics so với 2 hệ thống xếp hạng quốc tế khác là THES (Times/QS) và ARWU (Shanghai).

Chính nhờ khả năng phủ kín (coverage) do việc tính toán tự động này mà Webometrics đã đưa được các quốc gia hoặc các khu vực được xem là vùng trũng của giáo dục đại học như khu vực Nam Mỹ, châu Phi hoặc các quốc gia của khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vào bảng xếp hạng của mình.

Tuy nhiên, khi lựa chọn cách phân tích và xếp hạng tự động như trên thì Webometrics cũng đồng thời đã chấp nhận một cách tất yếu sự rủi ro là sẽ có nhầm lẫn hoặc thiếu sót thông tin vì nhiều lý do khác nhau.

Chẳng hạn, các quốc gia hoặc đơn vị ít sử dụng tiếng Anh chắc chắn sẽ bất lợi so với những quốc gia hoặc những đơn vị sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính.

Cũng vậy, những khác biệt về thói quen lựa chọn và đặt tên miền của các quốc gia/ đơn vị khác nhau sẽ dẫn đến những sai lệch mang tính hệ thống trong kết quả xếp hạng của Webometrics.

Ngoài những nguyên do nói trên, còn có một nguyên do quan trọng khác là sự khác biệt về mặt cấu trúc của các hệ thống giáo dục đại học khác nhau.

Chẳng hạn, có lẽ các tác giả của Webometrics sẽ rất khó để hiểu được rằng trang web của ĐHQG TPHCM với một tên miền riêng chỉ là trang web ở cấp quản lý trên cùng của một tập đoàn các trường đại học trong cùng một hệ thống với cái tên chung là ĐHQG TPHCM, trong đó mỗi trường thành viên là một trường gần như độc lập hoàn toàn với một trang web và một tên miền riêng.

Vì vậy, việc xếp hạng ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội chỉ có thể thực hiện được một cách có ý nghĩa nếu Webometrics cũng đồng thời xây dựng được cách tính toán sao cho có thể xếp hạng được các hệ thống trường đại học của Mỹ như hệ thống CSU (California State University) chẳng hạn, trong đó mỗi thành viên trong hệ thống như CSU Fullerton hoặc CSU Los Angeles đã có thứ hạng riêng.

Vì vậy, thái độ đúng đắn nhất của các trường đại học Việt Nam đối với Webometrics bao gồm 2 khía cạnh. Về tổng thể, rõ ràng là không nên quá chú ý bắt bẻ những thiếu sót về chi tiết của Webometrics, vì đây là một hệ thống xếp hạng tự động và đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn chỉnh; đồng thời cũng không nên quá quan trọng xem các trường đại học của Việt Nam ai đứng trên, ai đứng dưới trong bảng xếp hạng này.

Mặt khác, từng trường đại học của Việt Nam cần tìm hiểu để tận dụng cơ chế xếp hạng tự động này nhằm đẩy mạnh sự hiện diện của mình trong cộng đồng khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế, trước mắt là sự hiện diện trên trang web, và lâu dài là sự hiện diện bằng các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật