Cháy “phòng đêm“ chợ Viềng

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời tiết lạnh dưới 10 độ C không ngăn được dòng người lũ lượt kéo về chợ Viềng (Nam Định), buổi chợ mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 Tết đến rạng sáng mùng 8 Tết. Nhiều người quan niệm, lỡ một phiên Viềng là lỡ cả một năm.
Cháy “phòng đêm“ chợ Viềng
Chợ Viềng thu hút rất đông khách du lịch đến thăm quan.

Ngay từ đầu giờ chiều mùng 7/1 tết âm lịch, người dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội và tận trong TP HCM… đổ xô về thị trấn Gôi, nơi diễn ra phiên chợ duy nhất trong năm. Mọi người đến đây ngoài ý nghĩa được tham gia hội chợ, mỗi người đều mong muốn mua một món hàng như thịt bê thui, cây cảnh, các nông cụ phục vụ cho nông nghiệp và lễ bái tại Đền Trình, Đền thờ bà Chúa Liễu Hạnh để mong một năm mới thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Có mặt tại thành phố Nam Định từ chiều qua, nhiều đoàn xe ôtô đủ chủng loại to nhỏ tấp nập kéo về đây để tìm khách sạn, nhà nghỉ chuẩn bị cho phiên chợ đêm mua may mắn đầu năm này. Anh Việt, một nhân viên của công ty du lịch, thương mại có trụ sở Hà Nội kéo theo cả đoàn gồm 8 người đi trên chiếc xe Jolie về Nam Định thuê khách sạn nghỉ ngơi. Cũng giống như nhiều người từ khắp nơi về thành phố kiếm phòng nghỉ trọ để đêm đi chợ Viềng, anh Việt và đoàn khách phải đi lòng vòng khắp nơi mà không kiếm được chỗ trọ. Đến đâu trong đất Nam Định, anh cũng nhận được lời "xin lỗi các anh, chúng tôi đã hết phòng".

Tìm phòng nghỉ tại Nam Định không có, anh Việt bàn với mọi người đổ bộ sang tận thành phố Ninh Bình. Đến một vài khách sạn, anh đều nhận được trả lời không còn phòng trống: "Ngày hội mà các anh ơi, nhiều đoàn khách ở các tỉnh đã đặt phòng trước từ cách đây vài hôm, một nhân viên khách sạn bên cầu Non Nước của thành phố Ninh Bình nói với tôi", anh Việt cho biết. Anh tâm sự, kiếm phòng nghỉ khó như gọi taxi những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Không chỉ hết phòng, giá thuê trong dịp chợ Viềng này cũng đội giá, cao ngất ngưởng, gấp đôi ngày thường. Ngày không hội, giá một phòng đôi khách sạn 2 sao chỉ trung bình từ 180.000-300.000 đồng, giờ lên tới 300.000-500.000 đồng một phòng.

Thành phố Ninh Bình, địa điểm cách Nam Định 27 km, cách chợ Viềng 18 km trở thành cứu cánh với những người “sa cơ” chỗ nghỉ. Một nhân viên tại khách sạn Non Nước (thành phố Ninh Bình) nhẹ nhàng “cảnh báo” chúng tôi sau khi thông báo đã hết phòng nghỉ: “rút kinh nghiệm từ phiên chợ Viềng năm trước, các khách nghỉ tại khách sạn này đã “tích cực” đặt phòng từ... mùng 4 Tết”. So với 2 năm trở lại đây, số lượng khách tham quan đổ về chợ Viềng đông gấp 5 gấp 10 lần. Cũng theo đó, công việc kinh doanh vào các ngày từ mùng 7 đến mùng 8 tại các nhà hàng có tiếng của thành phố này luôn trong cảnh “đuổi đi không hết khách”.

Cuối cùng, anh Việt và 7 người trong đoàn mới “may mắn” thuê được 4 phòng tại khách sạn Hoa Lư. Mặc dù không ưng ý lắm nhưng cả tốp bấm lưng bảo nhau “cũng đành” vì còn may hơn chán nhiều người khác đang còn “bơ vơ” không có chỗ trú chân đêm nay. Mọi người lịch kịch mang hành lý nhẹ lên trên phòng, còn đồ lễ bái để đầy trên ôtô. Quả đúng như anh Việt và đoàn nói, nếu không thuê ở khách sạn Hoa Lư thì không còn chỗ nào khác để mà đi, vì chợ Viềng đã bắt đầu từ chiều. Một lát sau, hàng loạt xe mang biển kiểm soát Hà Nội cũng “tấp” vào khách sạn để thuê phòng. Vẻ mặt ai cũng mệt mỏi vì đường dài, vì phải chạy nhiều nơi tìm chỗ nghỉ.

Đó là với khách sạn, đối với những nhà nghỉ ở các tỉnh giáp ranh với Nam Định, nơi diễn ra chợ Viềng cũng đông nghịt khách. Nhiều người muốn thuê ở khách sạn cho “sang” một chút không được nên phải thuê nhà nghỉ, bởi họ cũng chỉ thuê một đêm, đi chợ đến sáng về ngủ một chút, lại lên đường ngay. Trên quốc lộ 10, dọc đường từ Nam Định về Ninh Bình, nhà nghỉ mọc san sát, xe cộ đỗ đầy sân, len hẳn ra cả ngoài đường vì hết chỗ để xe.

Anh Nam và vợ cùng bố mẹ, quê ở Thanh Hóa bê khệ nệ đồ đạc trên chiếc xe Inova bạc vào thuê một nhà nghỉ cách chợ Viềng chừng 10km. Anh nói: “Chúng tôi đi từ rất sớm tận Thanh Hóa ra đây. Cứ tưởng khách sạn thoải mái phòng thuê nhưng khi về thành phố Nam Định, đến đâu cũng hết phòng”. Anh Nam bảo rằng, cũng may, nhờ một người bạn thổ địa ở Ninh Bình nên được mách thuê tạm phòng trong nhà nghỉ, tiện đi lại tới phiên chợ Viềng.

Hai vợ chồng ngồi chờ xe vì không thuê được nhà trọ.

Cũng đồng hương với anh Nam, vợ chồng chị Huệ từ chiều đã mang đứa con gái hơn 3 tuổi bắt xe khách từ huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) để đi chợ Viềng. 2h ngày 8 Tết, gặp anh chị bế con lếch thếch ngồi thu lu giữa trời giá rét, bên cạnh dãy bán thịt bê thui. Chị Huệ than thở, chưa bao giờ được đi chợ Viềng, năm nay lôi cả con nhỏ đi cùng bố mẹ, giờ mới thấm thía vất vả vì không còn xe về mà nhà trọ lại không thể nào thuê được. Chị bảo chỉ tội nghiệp đứa con nhỏ, thời tiết lạnh lẽo mà phải dầm mưa thế này, bị ốm thì đúng là “cực chẳng đã”. Hai vợ chồng ngậm ngùi bảo nhau chỉ còn biết chờ tới sáng để bắt xe về.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật