Mâu thuẫn tại Keangnam tiếp tục căng thẳng

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi UBND thành phố Hà nội yêu cầu Keangnam phải tạm thu phí theo quy định, mọi mâu thuẫn tại tòa nhà hiện đại này tưởng như đã tạm lắng xuống nhưng các cư dân lại được phen “choáng” bởi những yêu sách “trời ơi” của Keangnam.
Mâu thuẫn tại Keangnam tiếp tục căng thẳng
Đầu tháng 12/2011, Keangnam đã “cấm cửa“ thang máy những cư dân không đồng ý đóng mức phí 18.700 đồng/m2 khiến cư dân bức xúc.

Chung cư cao cấp: “tải” hàng nghìn người bằng… 2 thang máy

Ngày 26/12, đại diện Keangnam Vina và Chestnut Vina (BQL tòa nhà) đã mời Ban đại diện lâm thời cư dân để “đàm phán thống nhất mức phí quản lý phù hợp. Sau cuộc họp, tưởng như Keangnam Vina đã chịu “xuống nước” khi ngày 30/12 đã ra thông báo tạm chấp nhận mức phí 4.000 đồng/m2.

Tuy nhiên, song song với việc tạm thu,  Keangnam cũng tiến hành cắt nhiều dịch vụ, tiện ích để “tương ứng” với mức phí mới.

Cụ thể, cả 2 tòa nhà A và B với hơn 900 hộ dân sinh sống chỉ được bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn mỗi ngày một lần. Cư dân sẽ phải tự đem rác phát sinh từ căn hộ của mình xuống tập kết tại các nhà rác của tầng hầm. Lực lượng bảo vệ, an ninh tại đây sẽ chỉ giao cho 2 vị trí. Đội ngũ lễ tân “rút” toàn bộ.

Ban quản lý cho biết sẽ giảm chi phí sử dụng điện vận hành 2 thang máy tầng cao, 2 thang máy tầng thấp và một thang máy thoát hiểm. Thời gian chiếu sáng tại khu vực công cộng được rút ngắn, phòng tiện ích cũng đóng cửa, không bố trí nhân viên và cắt điện tại các khu vực này.

Để “tiết kiệm điện”, thang máy cũng bị cắt giảm một cách tối đa khi chỉ còn 2 thang duy nhất phục vụ cho hàng nghìn người sinh sống tại 920 căn hộ.

Bức xúc vì những hành động này, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã làm đơn tố cáo Công ty TNHH 1 thành viên Keangnam Vina lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho rằng công ty này đã vi phạm Pháp Luật qua thông báo trên.

Cư dân muốn đóng phí cũng không xong

Tưởng như sau khi ra thông báo với cư dân về mức phí tạm thu trước khi đạt được thảo thuận về mức phí mới giữa 2 bên, Keangnam sẽ thực hiện đúng cam kết nhưng theo phản ánh của cư dân, ngày 3/1, nhiều hộ dân xuống đóng phí lại bị từ chối vì lý do, họ chưa đóng đủ phí dịch vụ trong những tháng xảy ra tranh chấp giữa hai bên, cụ thể là tháng 11 và 12/2011.

Phía Keangnam Vina đưa ra yêu cầu, nếu muốn đóng mức phí tạm thu là 4.000 đồng/m2, cư dân phải trả tiền phí dịch vụ 2 tháng cuối năm 2011 với mức giá 18.700 đồng/m2.

Tuy nhiên, cư dân không đồng ý với cách hành xử này, cho rằng mức phí 18.700 đồng/m2 đã bị cư dân phản đối ngay từ Keangnam đưa ra bởi mức giá này không dựa trên hạch toán thu chi và không hề tương xứng với dịch vụ cư dân được hưởng.

Hơn nữa, theo phản ánh của cư dân, trong tháng 11 và 12/2011, phía chủ đầu tư đã đơn phương cắt rất nhiều dịch vụ như bể bơi, phòng thể dục, phòng trẻ em, thậm chí những tiện ích tối thiểu như ánh sáng, bảo vệ, lễ tân cũng đã bị “tiết kiệm” tối đa nên nên phía Keangnam không được phép thu phí quản lý cho 2 tháng đó với mức cao như vậy.

Bên cạnh đó, việc Keangnam cắt bớt dịch vụ khiến cả 2 tòa nhà A và B chỉ có 5 người dọn dẹp 1 lần/ngày khiến tòa nhà không đảm bảo vệ sinh nên ban đại diện lâm thời cư dân đã thuê một công ty vệ sinh bên ngoài vào giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, phía Keangnam đã ngăn cản việc này bằng cách cho khóa cả hai thang máy chở hàng, rác.

“Cư dân Keangnam khẳng định giữ quan điểm, mục tiêu là mong muốn có một dịch vụ hoàn hảo, tương xứng giá trị, không phải vì rẻ, chất lượng kém nhưng trên cơ sở Keangnam phải minh bạch các khoản thu chi”, bà Mai, trưởng ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật