Keangnam: “Không thể minh bạch phí dịch vụ“

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cư dân muốn minh bạch phí dịch vụ nhưng Tổng giám đốc Keangnam từ chối với lý do đó là “bí mật kinh doanh“.
Keangnam: “Không thể minh bạch phí dịch vụ“
Ảnh minh họa

Chiều tối ngày 6/12, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, Keangnam đã có buổi làm việc với cư dân để giải quyết những mâu thuẫn căng thẳng trong thời gian qua. Theo lịch làm việc, 17h cuộc chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, phải khá lâu sau, ông Ha Jong Suk, Tổng giám đốc Keangnam Vina mới xuất hiện.

Keangnam không thể minh bạch phí dịch vụ

Theo bà Trịnh Thúy Mai, đại diện cư dân, bản thân người dân rất muốn đóng phí dịch vụ, tuy nhiên không phải với cái giá “trên trời” mà chủ đầu tư đang “ép” cư dân phải thực hiện.“Chúng tôi đã rất nhiều lần yêu cầu được đối thoại và đàm phán với phía Keangnam Vina nhưng chưa thống nhất được mức phí cụ thể. Chúng tôi cho rằng, trong khi chưa tìm được tiếng nói chung, Keangnam Vina cần tạm thu theo mức đã quy định của UBND thành phố Hà Nội là 4.000 đồng/m2/tháng” bà Mai nêu ý kiến.

Bà Mai cũng nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất không nằm ở chỗ phí dịch vụ đắt hay rẻ mà nằm ở chất lượng và các tiện ích kèm theo tại Keangnam”. Bà Mai cho rằng cư dân đang phải đóng mức phí cao nhưng nhận lại chất lượng dịch vụ kém và dẫn ra một loạt các vấn đề gây bức xúc cho cư dân tại chung cư hiện đại nhất Việt Nam như tình trạng “ngập lụt” ở tầng cao, thang máy hỏng hóc, bảo vệ thiếu trách nhiệm…

Với những lý do này, đại diện cư dân Keangnam yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình minh bạch các chi phí cấu thành mức giá mà họ đưa ra.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk lại từ chối việc minh bạch các khoản liên quan đến phí dịch vụ với lý do đó là  “bí mật kinh doanh” không thể tiết lộ. Ông Ha cho biết, không phải Keangnam mà một công ty khác do Keangnam thuê là Chestnut đang là nhà cung cấp dịch vụ. Và theo Chestnut, nếu chấp nhận mức phí 4.000 đồng/m2/tháng như UBND thành phố Hà Nội quy định thì Chestnut sẽ không đủ tiền để chi trả cho phí vận hành cả tòa nhà. “Nếu người dân không đồng ý, họ có thể tìm một công ty quản lý mới thay thế”, ông Ha nói.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Keangnam Vina cũng "nhấn mạnh", người dân nên tạm thời đóng phí  ở mức Keangnam đưa ra là 18.843đồng/m2 (đã có thuế VAT) để đảm bảo các hoạt động dịch vụ được thông suốt cho đến khi cư dân tìm được nhà quản lý mới.

Không về được nhà do bị cắt thang máy, khóa thang bộ, đêm 3/12 vừa qua, cư dân trải chiếu đòi ngủ lại nơi làm việc của Công ty Chestnut. Ảnh: Minh Tùng.

Chỉ bán nhà, không bán cầu thang?

Không đồng tình với lý giải của vị Tổng giám đốc Keangnam Vina, bà Mai dẫn ra một loạt ví dụ cho thấy, ở các chung cư cao cấp tương tự, chỉ cần bỏ ra khoảng một nửa mức phí Keangnam Vina đưa ra, người dân đã được hưởng những tiện ích hơn hẳn.

Đơn cử như tại khu đô thị The Manor, với số tiền 7.000 đồng/m2/tháng, cư dân có thể thoải mái sử dụng các tiện ích như sân vườn, bể bơi, trong khi số hộ dân ở đây chỉ bằng 1/3 so với Keangnam. Còn tại Ciputra, cũng với những dịch vụ tương tự, người dân thậm chí chỉ phải đóng 6.300 đồng/m2/tháng.

Bà Mai cho rằng hành động cắt thang máy, khóa cửa thang cứu hộ ngày 3/12 vừa qua của Keangnam Vina đã thể hiện thái độ coi thường nghiêm trọng cộng đồng dân cư và vi phạm những quy định cơ bản của Pháp Luật Việt Nam. “Theo luật, thang máy là tài sản chung. Vì vậy việc khóa thang máy là không thể chấp nhận được. Không lẽ, mua căn hộ, chúng tôi lại phải bỏ thêm tiền mua phương tiện để lên chính nhà mình?”, bà Mai bức xúc.

Đại diện các Sở Tài chính, Sở Xây dựng và UBND huyện Từ Liêm đều khẳng định, phía Keangnam không thể và không được đơn phương cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân cho đến khi đạt được thỏa thuận.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, phó trưởng ban giá (Sở Tài Chính Hà Nội) cho biết, chiếu theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội về mức phí dịch vụ chung cư mới được ban hành, mức phí 4.000 đồng/m2/tháng là bao gồm các dịch vụ cơ bản như vệ sinh, vận hành thang máy, camera….Keangnam Vina đang thuê dịch vụ của công ty khác nhưng vẫn phải chấp hành mức phí trần của thành phố. Để đảm bảo nguồn thu, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng từ các nguồn khác như cho thuê văn phòng… như theo thông tư 37”.

“Vì vậy, Keangnam Vina không thể cắt dịch vụ của người dân, và khi chưa thỏa thuận được với cư dân về các dịch vụ mở rộng thì cần làm theo quy định của UBND thành phố Hà Nội," ông Minh nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Minh, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì, ông Đào Tăng Quýnh cho rằng khi doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì trước hết cần tôn trọng Pháp Luật Việt Nam và thực hiện theo các quy định của nhà nước Việt Nam, cụ thể ở đây là của UBND thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thư, chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũng đề nghị chủ đầu tư phải cung cấp đủ các dịch vụ cơ bản cho cộng đồng dân cư trước khi đạt được thỏa thuận. Ông Thư cũng đề nghị các Sở Xây dựng, Tài chính phối hợp với phía huyện để giải quyết triệt để những mâu thuẫn tại Keangnam thời gian qua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật