Thiếu nữ Hà thành trong những ngày toàn quốc kháng chiến

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới hôm qua là thiếu nữ Hà thành duyên dáng e lệ. Ðất nước lâm nguy họ trở thành những chiến sĩ cảm tử, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Giữa bốn bề bom đạn, họ vẫn hồn nhiên sống, vẫn lãng mạn hào hoa, và rồi tình yêu đã nảy mầm trong chiến đấu... Ðó là câu chuyện về ba chị em cô gái Hà thành năm xưa.

Ba chị em cùng là cảm tử quân

Cô gái Hà thành Nguyễn Bích Thảo ngày nào giờ lưng đã còng, tóc bạc trắng. Nhưng phong thái của người Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong từng lời nói, cử chỉ. Ðặc biệt, đôi mắt ánh lên niềm tự hào, khi nhớ lại những chuyện xưa...

"Ðến bây giờ tôi vẫn bất ngờ về mình. Trước đây tôi là người sợ ma, buổi tối đi ra ngoài phải có người đi kèm. Vậy mà khi kháng chiến, trong đêm tối, tôi luồn bò hết phố này đến phố khác băng bó cho anh em thương binh...", bà Nguyễn Bích Thảo bồi hồi nhớ lại những chuyện xảy ra vào mùa đông năm 1946. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Người anh cả Nguyễn Ðình Thạc nổi tiếng hào hoa, ba cô em: Bích Tần, Bích Hạnh, Bích Thảo đều duyên dáng có tiếng ở khu chợ Ðồng Xuân. Học xong trung học, những tưởng các cô sẽ lấy những ông phủ, ông huyện cho tương xứng. Nhưng những cô gái "phố Hàng" này đã đi theo một lối đi khác. Chàng trai Nguyễn Ðình Thạc sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1942, anh tham gia thành lập Hội Văn hóa cứu quốc. Dưới sự dìu dắt của anh, ba cô em tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu. Họ được giao nhiệm vụ vận động thanh niên, thiếu niên tham gia cứu quốc, rải truyền đơn, vận động chị em ủng hộ Việt Minh, mua vải may cờ Tổ quốc để phát cho quần chúng trong ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945... Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng những ngày vui nhanh chóng qua đi. Cả dân tộc đối mặt với thách thức mới, khi quân Pháp trở lại xâ‌m lượ‌c...

Trước những biến động, nhiều gia đình Hà Nội đi tản cư. Cha mẹ  Bích Thảo lên Việt Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, ba cô gái con nhà khuê các, chân yếu tay mềm, quyết chí ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Ngày 19-12-1946, Toàn quốc vùng lên kháng chiến. Bích Tần, Bích Hạnh và Bích Thảo cùng đồng đội đứng trước ban thờ, thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh tại một ngôi nhà ngay trên khu phố Hàng Bạc. "Lúc đó điều duy nhất chúng tôi nghĩ đến là chiến đấu để Bác Hồ, để Trung ương rút lên chiến khu an toàn. Còn Ðảng, còn Bác, là còn dân tộc...", bà Thảo nhớ lại.

Cả ba chị em được phân vào Trung đội 1, Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu tại Tiểu khu 1 Ðồng Xuân. Bích Tần làm công tác quân lương, quân trang, còn Bích Hạnh, Bích Thảo trước đó được qua lớp y tế cấp tốc nên làm nhiệm vụ cứu thương. Tấm gương chiến đấu của cô gái Nguyễn Bích Thảo từng được kể trong cuốn Những người cảm tử (Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1987). Có lần, phải đi về trạm chăm sóc thương binh, đường bị tắc do những căn nhà đều bị phá sập, không ai ngờ, cô gái mảnh dẻ ấy nhảy từ trên gác của căn nhà trên phố Ðồng Xuân xuống đường, để có thể về trạm. Lần khác, đang băng bó cho thương binh thì có tiếng súng rất gần, Bích Thảo cùng mấy chị em y tá phải giấu những chiến sĩ cảm tử, lấy thân mình sẵn sàng che đạn cho các anh...

Tình yêu nảy mầm từ khói lửa

Giữa những ngày khói lửa, tình cảm giữa cô y tá Bích Thảo và một cảm tử quân được nhen lên... Ngày ấy, bên cạnh những thanh niên Hà Nội, còn có những em thiếu nhi quyết tử. Các em được gọi là Vệ út. Vệ út thường chạy đi thông tin liên lạc giữa các tiểu khu. Mỗi lần sang khu Ðông Thành về, các cậu Vệ út đều kể chuyện, bên đó có anh Sửu đánh giặc rất giỏi. Các cậu "nhắm" chị Thảo với anh Sửu. Bích Thảo bị trêu mặt đỏ bừng, bảo mấy cậ‌ּu nh‌ּỏ: "Ðây là mặt trận chiến đấu, chứ đâu phải nơi tìm người yêu...". Nhưng hình ảnh một thanh niên đẹp trai, đánh giặc giỏi ở khu Ðông Thành cứ thấp thoáng hiện lên trong tâm trí cô gái trẻ. Không hiểu các cậu Vệ út kể về Bích Thảo thế nào, mà một ngày kia, Bích Thảo nhận được thư của anh tự vệ Sửu. Lá thư làm quen, nhưng thực ra, toàn kể chuyện chiến đấu. Thư qua, thư lại, cho đến khi hai người gặp mặt, rồi tình cảm nảy mầm...

"Sau khi Trung đoàn rút an toàn khỏi Hà Nội, theo lệnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, một số ở lại vùng tạm chiếm, một số lên chiến khu. Chúng tôi phải chia tay nhau. Trước mắt là cuộc kháng chiến trường kỳ, rất ít hy vọng có ngày gặp lại. Chúng tôi không khóc, không quyến luyến, vì không ai muốn đồng đội bị dao động. Chúng tôi chỉ nắm chặt tay hẹn ngày trở về", bà Thảo kể lại. Chín năm đằng đẵng kẻ ở người đi. Mãi đến sau ngày giải phóng Thủ đô, hai người mới tái ngộ. Ðánh giặc dũng cảm, nhưng trước cô gái Hà thành xinh đẹp, anh cảm tử quân ngượng ngùng không dám gặp. Anh viết thư, nhờ người gửi đến Bích Thảo. Niềm vui vỡ òa trong sự thẹn thùng khi hai người hội ngộ. Khi ấy cả hai cùng 29 tuổi. Gần mười năm không một lá thư, không một dòng tin tức, Bích Thảo đã sống, với niềm tin, với lời hứa đợi người thương trở về... Còn anh chiến sĩ Ðỗ Ðình Sửu, dù thông tin về nơi ở của ba mẹ Bích Thảo không rõ ràng, nhưng trong những năm tháng đó, anh đã đến nơi tản cư của hai cụ ở Tuyên Quang thưa chuyện về lời hẹn ước. Năm 1955, được sự đồng ý của tổ chức, đám cưới của hai chiến sĩ cảm tử diễn ra giản dị mà đầm ấm. Ðiều đặc biệt là cả ba chị em đều kết hôn với những cảm tử quân từng sống chết để bảo vệ Hà Nội. Bích Tần lập gia đình với chiến sĩ cảm tử quân - Ðại tá Nguyễn Ðình Thụ. Bích Hạnh cưới chồng là Ðại tá Phạm Thư Chương, nguyên Chính ủy Sư đoàn 395, Quân khu 3.

65 năm trôi qua, những chứng nhân lịch sử cuối cùng của những ngày hào hùng, khi nhân dân Thủ đô quyết tử kìm chân quân đội Pháp đều đang ở tuổi "gần đất xa trời". Thời gian trôi nhanh, có những câu chuyện không được chép lại, sẽ mãi là những huyền thoại lặng im... Những tháng ngày hạnh phúc bên chồng không kéo dài. Ông lên đường vào nam chiến đấu. Hai vợ chồng giao hẹn, cứ thứ bảy hằng tuần sẽ viết thư cho nhau. Ðúng lúc việc nhà, việc nước đầy gian lao, thì ông hy sinh ở trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Bà Thảo khi ấy đang chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng của lớp học y sĩ. Bà nén nỗi đau, vượt qua kỳ thi rồi mới về truy điệu chồng. Bà sợ các chị em có chồng đi B biết chuyện, sẽ chán nản, ảnh hưởng đến học tập... Từ khi chồng mất, gần như ngày nào, bà Thảo cũng giở những lá thư mà trước đó ông Sửu đã gửi cho bà từ chiến trường, ra đọc. Những lời tâm sự trong thư, tình cảm vợ chồng gắn liền với những trận đánh, với những chiến thắng trước quân thù như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bà Thảo, giúp bà có thêm nghị lực sống, nuôi dạy các con nên người. Hiện phần lớn thư từ của ông bà được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ như một biểu tượng cho sự thủy chung, trung hậu của người phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến.

Những chiến sĩ cảm tử năm xưa trong một mái nhà, giờ người còn, người mất. Ba người còn lại là bà Bích Tần, ông Thư Chương, cả hai đều ngoài 90 tuổi và bà Bích Thảo. Bà Thảo hiện sống tại nhà 32, phố Lý Nam Ðế (Hà Nội). Vào những ngày kỷ niệm lớn trong năm, bà thường giở lại những hiện vật xưa, với niềm tự hào khôn tả. Người anh cả mở đường cho đại gia đình cách mạng ấy đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật cấp nhà nước năm 2007. Ông Nguyễn Ðình Thạc chính là cố nhà văn, nhà báo Như Phong.

Trong khói lửa của những ngày cảm tử, những người con gái Hà Nội vẫn sống, vẫn yêu. Tình yêu trong thời lửa đạn, gắn chặt với tình yêu quê hương đất nước. Họ là những người bình dị như bao người khác, nhưng nhìn lại cuộc đời của họ, chúng ta thêm hiểu, vì sao trước những kẻ thù mạnh, chúng ta luôn giành chiến thắng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật