Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán?

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 23/1, chỉ số VN-Index đã ở mức 776,68 điểm. Những cố gắng níu kéo đã thực sự bất lực. Nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường mà trong lòng vẫn băn khoăn với câu hỏi: "Vì sao?"
Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán?
Ảnh minh họa

Rời bỏ thị trường

"Không thể kiên nhẫn được nữa", hoặc "không chịu đựng nổi nữa" là những câu nói thường được nghe những ngày gần đây. Một phần rất lớn nhà đầu tư đã thực sự tháo chạy khỏi thị trường.

Nhà đầu tư tên là Tr. trên sàn VCBS, cho biết năm nay ông lỗ gần 40% số tiền tham gia chứng khoán. Ông đã rút đến 90% vốn khỏi thị trường. Hiện trên sàn ông còn hai mã cổ phiếu là STB và VIC. Hai mã này ông mua từ khi giá 169.000 đồng và 200.000 đồng/cp. "Giờ bán thì xót, mà để cũng cực. Đành bỏ mặc" - Ông Tr. đau khổ.

"Nản quá rồi. Không còn hy vọng nữa".

Thời vàng son với những màu xanh, tím đã qua. (Ảnh: Đặng Vỹ)

Số tiền rút ra ông quay sang mua vàng và đầu tư vào bất động sản. Vừa rồi Tr. có gỡ lại một ít khi mua vàng ở giá 16,3 triệu/lượng, và bán ra ở giá trên 17 triệu/lượng. Còn đất đai ở quận 2 và quận 9 đang lên. "Hy vọng là sẽ gỡ lại thua thiệt trên sàn" - ông nói.

Hiện nay nhà đầu tư rời bỏ thị trường ngày càng. Tại quán Zenta trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, Quang, một nhà đầu tư cùng với một nhóm bạn, cho biết: "Tụi này không tham gia trên sàn nữa. Bây giờ đi mua đất bán kiếm lời".

Hai lĩnh vực mà các nhà đầu tư chuyển sang là vàng và bất động sản.

Đi tìm lời lý giải

Chuyên gia Huy Nam nói rằng những nguyên nhân từ trước đến nay đã phân tích gần như đầy đủ hết rồi, và giờ cũng chỉ còn biết... chờ xem chỉ số đi xuống đến đâu.

Theo tiến sĩ Dương, có 3 nguyên nhân chính tác động khiến thị trường có kết quả như hiện nay. Đó là sự đánh giá lại thị trường, yếu tố biến động kinh tế chính trị xã hội, và yếu tố tâm lý.

Ông Huy Nam có cùng nhận xét như tiến sĩ Dương, là thời gian qua thị trường đã tính sai trên nhiều con số, và giờ thị trường phải tự xác định lại giá của mình. Các công ty tính sai giá khi IPO, khi lên sàn, đã đẩy giá chứng khoán lên quá cao. Và giờ đây thị trường buộc phải tính lại. Chính vì vậy, chỉ số 800 điểm có thể là bình thường, nhưng nhà đầu tư đã mua CP với giá cao nên có suy nghĩ là thị trường "sụp đổ".

Thời gian qua, một loạt yếu tố biến động của nền kinh tế có phần gây bất lợi. Đó là lạm phát cao, lại vào dịp gần Tết nên thị trường không còn hào hứng, giá vàng và BĐS tăng đã hấp dẫn hơn chứng khoán; đã thế quy định 03 còn khống chế cầm cố, và thuế thu nhập cá nhân đang "đe dọa" thu đến 20% lãi giao dịch. Đó là những tác nhân khiến nhà đầu tư nản lòng.

Yếu tố tâm lý và xã hội cũng là một nguyên nhân không nhỏ. Tin đồn là một hoạt động vô thức nhưng lây lan mạnh. Trong khi đó tính minh bạch của thị trường lại không cao. Quá nhiều tín hiệu cho thấy nhiều công ty chứng khoán làm ăn không đảm bảo. Nhiều công ty chứng khoán và DN niêm yết cùng cá nhân thành viên HĐQT bị phạt liên miên vì vi phạm quy định, giao dịch không thông báo. 

Những lý do trên khiến cho thị trường đã như con ngựa bất kham, trong khi đến giờ chưa có một kỵ sĩ giỏi. Lại thêm chứng khoán thế giới đồng loạt sụt giảm, Việt Nam cũng đã có ảnh hưởng theo.

Thiếu một giải pháp căn cơ

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trưởng Khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, kêu gọi: "Mọi người nên có mắt nhìn bình tĩnh, sự việc chưa đến nỗi tồi tệ".

TTCK lao dốc quá nhanh. (Ảnh: Đặng Vỹ)

Theo tiến sĩ Dương và chuyên gia Huy Nam, ngoại trừ yếu tố lạm phát, còn lại tình hình kinh tế hiện nay tương đối tốt. Cụ thể nhất là báo cáo cuối năm của các công ty niêm yết, hoạt động SXKD đều cho lợi nhuận cao. tiêu biểu trong số này có SSI lãi tăng 254,54%, PET tăng 526,5%, TSC tăng 422%..., còn lợi nhuận tăng 100% thì hàng chục công ty đạt được.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia này, tình trạng thị trường trồi sụp như hiện nay, bởi một nguyên nhân cơ bản nhất là thiếu một giải pháp căn cơ.

"Những giải pháp thời gian qua không căn cơ, không cụ thể. Giải pháp chỉ mới giải quyết phần ngọn. Trong khi đó phản ứng của thị trường không phải là nhất thời, mà là sự suy thoái có nguyên nhân từ nguồn gốc" - chuyên gia Huy Nam khẳng định.

Chỉ mới đây thôi, nhà nước khuyến khích phát triển TTCK, đến năm 2006 các công ty niêm yết, các công ty chứng khoán mới thành lập được hưởng quá nhiều ưu đãi, miễn nhiều loại thuế. Nhưng chỉ sang năm 2007, lại có chủ trương lăm le đánh thuế giao dịch và thuế thu nhập cá nhân, khiến thị trường không khỏi lúng túng vì không kịp trở mình.

Những giải pháp vừa thiếu căn cơ, lại vừa dằng dai không dứt khoát khiến nhà đầu tư đã hết kiên nhẫn. Đến giờ này, việc giãn quy định trong Chỉ thị 03 chỉ mới là lời hứa, chưa biết đến bao giờ nhà đầu tư mới lại có thể tiếp tục cầm cố cổ phiếu để tăng lượng tiền cho TTCK.

"Cái tầm quản lý của ta là không làm chủ được tình hình. Giải pháp thì thiếu căn cơ, bị động, lại can thiệp hành chính. Điều đó chỉ khiến cho thị trường càng tệ hại, nhà đầu tư mất niềm tin và nản lòng" - tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Theo tiến sĩ Dương, cần có một hội đồng chuyên gia nghiên cứu độc lập tham mưu giải pháp cho Chính phủ. "Cần có một hội đồng chuyên gia để nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ. Chứ Ủy ban chứng khoán là nơi làm công tác quản lý, lại có thành viên các bộ trong ấy, không phải là dân chuyên thì không thể có nghiên cứu sâu sắc để tìm giải pháp hiệu quả được" - theo tiến sĩ Dương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật