“Sáp nhập 2 thị trường chứng khoán chỉ có lợi“

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận định về chủ trương sáp nhập hai sàn chứng khoán tại Việt Nam, các chuyên gia cũng như lãnh đạo các công ty chứng khoán, chủ doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư hầu hết đều tỏ quan điểm ủng hộ.
“Sáp nhập 2 thị trường chứng khoán chỉ có lợi“
Các chuyên gia cho rằng, việc sáp nhập hai thị trường chứng khoán tại VN gần như không gây ra hạn chế hay rủi ro gì. Ảnh minh họa: ATP.

Hôm qua, Tạp chí Financial Times dẫn lời ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, cho biết, Bộ Tài chính đang có kế hoạch sáp nhập HoSE với một thị trường chứng khoán nhỏ ở Hà Nội. Thông tin đã gây xôn xao trong giới đầu tư chứng khoán, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, chủ trương sáp nhập hai thị trường hiện mới chỉ ở mức xây đề án. Bộ Tài chính mới nêu ra chủ trường này trong một cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và yêu cầu cơ quan này xây dựng đề án. Hiện, chưa có văn bản nào chính thức chỉ đạo cụ thể về định hướng này tại Việt Nam, lộ trình tiến hành mới ở mức xây dựng đề án ban đầu.

Ông Sinh cũng cho biết, hiện HoSE có giá trị vốn hóa trên 80% thị trường chứng khoán Việt Nam (545.000 tỷ đồng), gần 20% còn lại là vốn hóa tại sàn Hà Nội (96.000 tỷ đồng).

Nhận định về chủ trương này, các chuyên gia cũng như lãnh đạo các công ty chứng khoán, chủ doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư hầu hết tỏ quan điểm ủng hộ.
Ông Hồ Công Hưởng, Giám đốc Công ty CP chứng khoán Hoàng Gia, cho hay: “Từ trước tôi đã nghĩ, không sớm thì muộn 2 sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam cũng sẽ sáp nhập. Quy mô các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam không lớn nên khi sáp nhập, thị trường sẽ quy mô hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Theo tôi được biết thì phần lớn các nhà đầu tư đều đồng tình với giải pháp này”.

Còn đại diện Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Kỳ, chỉ nói ngắn gọn một câu: “Sáp nhập là tốt chứ có gì mà phải bàn cãi, sáp nhập hai thị trường sẽ làm giảm bớt các chi phí, cải thiện tính thanh khoản trên thị trường và làm tăng sự minh bạch”.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng, việc sáp nhập các thị trường chứng khoán tại Việt Nam là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả cơ quan quản lý, công ty kinh doanh và nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển tốt hơn. Đặc biệt, việc sáp nhập này gần như không gây ra hạn chế hay rủi ro gì.

Thứ nhất, việc sáp nhập quy về một mối sẽ giúp Nhà nước tránh được việc lãng phí nguồn lực cả về tài chính và nhân sự, dễ dàng quản lý hơn. Thứ hai, việc sáp nhập sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh hơn vì không bị chia nhỏ, giúp cạnh tranh tốt hơn với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực, do đó sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Chẳng hạn, ở Nhật Bản hiện có tới 11 sàn giao dịch chứng khoán và Chính phủ nước này đã nhận ra việc dàn trải nguồn lực khiến khả năng cạnh tranh kém đi, nên nước này đang nhanh chóng thực hiện quá trình sáp nhập.

Bên cạnh đó, việc sáp các sàn chứng khoán lại sẽ tạo ra tính công bằng và minh bạch hơn cho thị trường. Ví dụ, cùng là cổ phiếu của một doanh nghiệp, nhưng khi niêm yết trên sàn HoSE thì biên độ tăng giảm mỗi phiên là 5%, nhưng khi niêm yết trên sàn HNX, biên độ tăng giảm lại là 7%... Có nhiều thời điểm, chỉ số Vn-Index của sàn HOSE hầu như được quyết định chỉ bởi vài cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn này như MSN, VNM, BVH…, gây nên tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” và méo mó cho thị trường... Nếu quy về 1 sàn, các bất cập trên sẽ được khắc phục.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật