Nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu để giảm nhập siêu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu cung cấp 60% giá trị máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất... Tuy nhiên, Việt Nam đang trở thành nước nhập siêu lớn nhất trong các nước ASEAN”. Đó là nhận định của GS. TS Võ Thanh Thu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách thương mại quốc tế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam.
Nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu để giảm nhập siêu
Sản phẩm gia dụng nước ngoài “tràn” vào thị trường Việt Nam

Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong các nước ASEAN

Mức độ nhập siêu ngày càng gia tăng đang đe dọa cán cân thanh toán và thu chi ngoại tệ quốc gia, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự biến động của khu vực và thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa khi nhập siêu nhiều sẽ góp phần phát triển văn hóa tiêu dùng hàng ngoại, hạn chế đến tiêu dùng hàng nội địa. Tuy nhiên, trong những năm qua, cấu trúc thương mại của Việt Nam rất chậm được thay đổi; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam vẫn nghiêng nặng về phía các mặt hàng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xăng dầu và dầu thô, than và các mặt hàng gia công chế biến có giá trị gia tăng thấp. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, năm 2010 Việt Nam trở thành nước nhập siêu lớn nhất trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á, lớn hơn gấp 1,5 lần nhập siêu của các nước ASEAN cộng lại.

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2011, nhập siêu Việt Nam đạt trên 6,6 tỷ USD, cả năm 2011 ước tính nhập siêu trên 12 tỷ USD. Nói về nguyên nhân dẫn đến nhập siêu nặng nề như trên, một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng do thiếu vùng quy hoạch chuyên canh dẫn đến sản xuất manh mún, không đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến nên nhiều loại nông sản phục vụ cho chế biến phải nhập khẩu. Đơn cử, năm 2010 giá trị nhập thức ăn gia súc, gia cầm lên trên 2,17 tỷ USD, nhập khẩu gần 300 triệu USD rau củ quả, nhập trên 6 tỷ USD hàng sợi và vải...

Theo Tổng cục Thống kê, đáng chú ý là mỗi năm ta nhập siêu với ASEAN khoảng 5-8 tỷ USD trong khi đó với Trung Quốc là 12,6 tỷ USD. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, chiếm hơn 17% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Thực tế cho thấy, từ ngày 1-1-2010 khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới ASEAN – Trung Quốc chính thức hoạt động. Theo đó khoảng 9.000 nhóm hàng hóa và dịch vụ, tương đương 90% tổng lượng trao đổi thương mại song phương được cắt giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu. Trong đó, nhiều nhất vẫn là máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, đồ chơi trẻ em, hàng may mặc... Nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc chẳng những ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán của đất nước mà còn làm cho nền kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

GS. TS Nguyễn Đông Phong cho rằng, tình trạng nhập siêu trong hoạt động thương mại với Trung Quốc có nhiều nguyên nhân do chính sự yếu kém trong quản lý vĩ mô và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam gây ra. Việc giảm nhập siêu để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại với Trung Quốc là việc làm mang tính cấp bách và cần thiết. Đặc biệt, nên tăng cường giám sát và sử dụng các rào cản thuế quan có hiệu quả hàng nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là phía Bắc.

Nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu

Nhằm tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh nan y nhập siêu cao, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu như: đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu giá trị thấp, miễn thuế với sản phẩm có giá trị cao. Ví dụ, giá trị áo sơ mi xuất khẩu dưới 10 USD thuế xuất khẩu 2%; giá xuất khẩu từ 10-15 USD thuế xuất khẩu 1%, trên 15 USD thuế xuất khẩu là 0%. Với giải pháp này vừa khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm được các vụ kiện chống phá giá ở nước nhập khẩu do xuất khẩu giá rẻ. Bàn về vấn đề này, TS. Bùi Trường Giang, viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, các chính sách thương mại ngắn hạn điều hành từng năm một sẽ làm giảm nhập siêu tạm thời, nhưng sẽ không thể giải quyết được bài toán nhập siêu trong trung và dài hạn. Vì thế, giảm nhập siêu đòi hỏi một tầm nhìn trung và dài hạn, đòi hỏi tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Vì thế, trong thời gian tới Chính phủ cần khẩn trương thiết kế một lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nhập siêu bền vững.

Trên thực tế, đã có nhiều biện pháp hạn chế nhập siêu được đưa ra song, biện pháp căn cơ nhất vẫn là đẩy mạnh tốc độ xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất tại Việt Nam để có thể đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu và đẩy lùi hàng nhập khẩu thâm nhập vào thị trường nội địa.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật