Sáu bài học rút ra từ suy thoái Nhật Bản

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi Mỹ và châu Âu đang sa vào suy thoái kéo dài và chính giới tỏ ra bất lực, ngày càng có nhiều người tự hỏi liệu phương Tây có sa vào “vết xe đổ” của Nhật Bản.
Sáu bài học rút ra từ suy thoái Nhật Bản
Ảnh minh họa
Nhật Bản bị lâm vào cảnh suy trầm suốt 20 năm qua và vẫn chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã từ chức hồi cuối tháng 8/2011và để lại cho người kế nhiệm Yoshihiko Noda một nền kinh tế bị sụt giảm ba quý liên tiếp.

Câu chuyện Nhật Bản đã mang lại cho thế giới 6 bài học bài học đau đớn để rút kinh nghiệm về việc làm thế nào để tránh sa vào suy giảm kinh tế dài hạn và vì sao lại khó có thể ra khỏi một cuộc suy thoái đến như vậy.

1. Chính sách tiền tệ không thể giải quyết mọi vấn đề kinh tế

Kinh nghiệm của Nhật Bản nói lên nhiều điều và cho thấy rõ những hạn chế của các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ trong việc xoay chuyển một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Nhật Bản đã dựa vào lãi suất thấp để kíc‌h thí‌ch một nền kinh tế vốn bị suy giảm hơn một thập kỷ, nhưng xem ra ít có tác dụng. Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhật Bản (Ngân hàng Trung ương) hầu như liên tục xấp xỉ 0% từ năm 1999 đến năm 2006 và hiện đang quay trở lại mức gần bằng không. Thế nhưng, lãi suất chạm đáy cũng không góp phần đáng kể vào việc vực dậy nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản là một nền kinh tế bong bóng với các công ty vừa dư thừa công suất, vừa mang công mắc nợ quá nhiều và dân chúng không còn hứng thú với chuyện vay mượn, bất kể lãi suất thấp đến mức nào. Vấn đề ở Nhật Bản đã không phải nằm ở chỗ không có tiền cho vay mà nằm ở chỗ không có nhu cầu vay mượn.

Khi vấn đề đã không phải là tiền, thì dù có nhiều tiền cũng không thể giải quyết được vấn đề.

2. Có nhiều vấn đề về cấu trúc

Người Nhật đã dựa quá nhiều vào công cụ tiền tệ để vực dậy nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo từng nghĩ rằng cứ đổ nhiều tiền mặt hơn vào hệ thống, chi ngân sách nhiều hơn rồi sẽ đưa được Nhật Bản trở lại cái thời vàng son thủa trước. Chính phủ Nhật Bản không bao giờ thừa nhận những vấn đề cấu trúc nghiêm trọng đã cản trở  tăng trưởng. Tình trạng quan liêu cao độ đã cản trở kinh doanh và cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả của doanh nghiệp trong nước. Nếu không khắc phục được những vấn đề cơ  bản về cấu trúc nói trên, kinh tế Nhật Bản không thể hồi phục, bất kể các chính khách Nhật Bản nỗ lực đến đâu. Kết quả cuối cùng là một nền kinh tế trì trệ với các chính phủ kế tiếp nhau mắc nợ đến mức độ nguy hiểm.

3. Không kịp thời chấn chỉnh hệ thống ngân hàng

Một trong những thất bại lớn nhất của Nhật Bản là  đã chờ đợi đến nửa thập kỷ rồi mới bắt đầu tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng sau khủng hoảng tài chính.

Mỹ đã xử lý vấn đề này khá tốt, còn châu Âu thì không. Cốt lõi vấn đề của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là các ngân hàng bị thiếu vốn và các chính trị gia châu Âu thiếu quyết tâm chính trị. Nếu không có các ngân hàng mạnh hơn, châu Âu không thể tăng trưởng mạnh và cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Chờ đợi như ở Nhật Bản chỉ làm cho vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

4. Không chịu thay đổi, quá bám vào quá khứ

Một trong những vấn đề lớn nhất của Nhật Bản là không chịu thừa nhận rằng mô hình kinh tế cũ đã lỗi thời. Trong thập những  niên 1960, 70 và 80, mô hình kinh tế Nhật Bản đáng để cho thế giới học tập. Tuy nhiên, mô hình kinh tế chính phủ lãnh đạo, phụ thuộc vào xuất khẩu, sản xuất tập trung đã trở nên lỗi thời, khiến cho Nhật Bản không theo kịp kinh tế toàn cầu đang ngày càng thay đổi. Cho đến ngày nay, Nhật Bản vẫn còn bám lấy mô hình kinh tế cũ, mặc dù đã có 20 năm cho thấy mô hình này không còn hoạt động hữu hiệu. Một phần đáng sợ nhất của câu chuyện buồn Nhật Bản là nước này từ chối sự cần thiết phải thay đổi.

5. “Dị ứng” với toàn cầu hóa

Trong khi phần còn lại của châu Á đã hội nhập với nhau ngày càng sâu rộng, Nhật Bản phần nào đứng ngoài quá trình này. Các thành phần kinh tế sôi động nhất của Nhật Bản hiện kết nối với các chuỗi cung ứng đang nuôi dưỡng guồng máy sản xuất châu Á. Nhưng do lo ngại về tác động tiêu cực của toàn cầu hóa trong các nhóm lợi ích đặc biệt (như nông dân) đã khiến cho Nhật Bản “dị ứng” với đầu tư và ảnh hưởng của nước ngoài. Kết quả là Nhật Bản đã bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa, khi các tập đoàn trong nước chuyển sản xuất ra nước ngoài và dân chúng trong nước không được hưởng lợi ích của chi phí sản xuất thấp để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng hoặc đầu tư nước ngoài tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

6. “Việc hôm nay chớ để ngày mai”

Bị trói buộc vào các lợi ích chính trị đặc biệt, các nhà lãnh đạo chính trị Nhật Bản đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để thay đổi đường hướng tương lai của “xứ sở mặt trời mọc”. Hiện thời, với nợ chính phủ ở mức 200% GDP, những sự lựa chọn của Nhật Bản trở nên ít ỏi hơn bao giờ hết.

Cuộc tranh cãi về nợ công gần đây cho thấy Washington, giống như Nhật Bản, cũng để cho tình trạng tê liệt chính trị cản trở phục hồi kinh tế. Đối với Khu vực sử dụng đồng euro, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel khuất phục trước những lợi ích trong nước đã khiến cho liên minh tiền tệ này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật