“Anh em mà có súng sẽ không sợ lâm tặc“ (II)

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tình hình quá phức tạp, ngày nào cũng đánh, chém nhau với lâm tặc. Thậm chí, lâm tặc còn mai phục cả cán bộ quản lý trong những thung lũng. Chúng bao vây chặn đánh nhằm dằn mặt“.
“Anh em mà có súng sẽ không sợ lâm tặc“ (II)
Anh Lâm Văn Trường truy bắt được một lâm tặc (người không đội mũ) đang phá rừng.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Hưng, trưởng ban Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Dí cưa máy vào ngực kiểm lâm

Đã mấy tháng trôi qua, những vết thương trên c‌ơ th‌ể anh Phạm Văn Mẫn đã lành. Cuối năm 2010, anh bị lâm tặc tấn công khi đang làm nhiệm vụ. Lúc đó tổ tuần tra gồm có năm người xuyên rừng. Khi cách thôn Lân Trầm, xã Hữu Liên khoảng 2km thì phát hiện một nhóm lâm tặc đang chặt phá rừng. Mẫn cùng anh Tuyến, anh Trường đã triển khai vây bắt. Những đối tượng này giả vờ chấp thuận rồi bất ngờ lia chiếc cưa máy đang gầm rú về phía đội tuần tra. Cú lia đó đã làm Mẫn đứt hết gân hai tay. Mẫn còn bị đối tượng này dí chiếc cưa máy đang gầm rú vào ngực khiến anh bất tỉnh. Đòn tấn công đó của lâm tặc đã cướp đi vĩnh viễn của anh 30% sức khoẻ. Gặp Mẫn, chúng tôi hỏi dăm ba điều về chuyện công việc, rồi gia đình. Mẫn chỉ ngồi thẫn thờ, lặng thinh không nói một lời.


Khi chào Mẫn ra về, anh Hoàng Văn Tuyến mới kéo tôi lại rồi nói: "Thương Mẫn nhiều lắm em ơi! Nó là đứa hiền lành, lại là trụ cột chính trong gia đình, phải nuôi cha mẹ già và em nhỏ, gánh nặng đè lên một mình vai nó. Từ hôm bị lâm tặc đánh ngất đến nay nó vẫn còn yếu lắm. Đã thế, ngày nào cũng phải đi chạy giấy tờ để được hưởng chế độ của người bảo vệ rừng. Mà chắc đâu đã được. Những anh em đi rừng hầu hết đã được biên chế. Còn nó chỉ là cán bộ hợp đồng. Các chế độ ưu đãi đâu có được bằng các anh em khác. Với đồng lương mỗi tháng 2 triệu đồng như nó giỏi lắm thì tiết kiệm được hai đến ba trăm ngàn. Như thế thì lấy đâu ra tiền mà bồi dưỡng vực lại sức khoẻ. Đó là chưa nói đến việc nuôi gia đình".

Hai người chống lại một "đội quân"

Như chứng minh cho chúng tôi thấy được sự khốc liệt trong cuộc chiến giữ rừng, anh Nguyễn Hữu Hưng, trưởng ban Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã đề nghị chúng tôi đi cùng anh em trong đơn vị xuyên rừng săn lâm tặc một phen. Theo anh Hưng thì có đi mới "hiểu" và "thấm" được nỗi cực nhọc, nguy hiểm của những người giữ rừng.

Phong tục làm nhà sàn bằng gỗ của bà con dân tộc nơi đây đã đẩy việc quản lý rừng vào thế khó.

Ngày hôm sau, anh Trường, tổ trưởng Tổ Cơ động dẫn chúng tôi đi. Đến khu vực đồi Lân Cát đã nghe tiếng cưa máy inh ỏi cả một góc rừng. Thấy chúng tôi, một em "chim lợn" tru lên một tiếng thật to. Ngay lập tức tiếng cưa máy đồng loạt tắt. Bọn lâm tặc hò nhau vác cưa bỏ chạy sang bên kia sườn núi. Anh Trường lập tức bám theo những vách đá dựng đứng để truy đuổi. Anh Tuyến bám theo sau hỗ trợ. Chúng tôi nghe rõ bọn lâm tặc hò nhau ném đá xuống để ngăn anh Trường và anh Tuyến đuổi theo.

Anh Trường đã nổ súng bắn cảnh cáo. Nghe thấy tiếng súng cánh lâm tặc mới tiếp tục hò nhau chạy. Khi nghe tiếng súng nổ chúng tôi cũng thực sự thấy lo sợ cho những người giữ rừng. Cuộc chiến quá nhiều gian nan. Lực lượng tuần tra chỉ hai người chống lại "đội quân" lâm tặc đông đến cả chục người.

Truy đuổi đến lưng chừng núi, anh Trường dừng lại mà quát to: "Thằng Sâm không phải chạy nữa. Mày xuống đây ngay. Nếu không, trưa nay tao cũng sẽ đến nhà lập biên bản". Một lát sau, chúng tôi thấy có một thanh niên chui khỏi bụi rậm từ phía trên đỉnh núi đi xuống. Tên lâm tặc này là Hoàng Văn Sâm ở xã Hữu Liên. Hắn đã tham gia một số vụ chặt phá rừng và đã bị phạt nhiều lần mà vẫn không chừa. Sâm khai là đã đốn được một cây gỗ to và đang cưa thành khúc cho dễ vận chuyển. Sau khi nghe tiếng súng của anh Trường, Sâm đã đưa cưa máy cho đồng bọn vác chạy vào sâu trong rừng vì sợ bị tịch thu.

Rừng sắp hết gỗ rồi!

Dẫn chúng tôi ra ngoài cổng Ban Quản lý rừng Hữu Liên, anh Trường chỉ về phía những ngôi nhà sàn làm toàn bằng gỗ rồi nói: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là không được lòng dân. Trên địa bàn huyện Hữu Lũng có bảy dân tộc anh em sinh sống, như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ... Phong tục tập quán của họ chủ yếu đều làm nhà bằng gỗ. Từ bao đời cha ông họ đã như thế rồi. Mình vào nhà dân vận động họ nên làm nhà xây họ cũng nghe. Nhưng mình đi rồi thì đâu lại vào đấy.

Anh Đàm Văn Đại, dân xã Hữu Liên than vãn: "Ngày trước kiếm gỗ làm nhà dễ lắm! Giờ rừng sắp hết gỗ rồi! Mà cán bộ nó lại cấm. Nếu muốn làm được một cái nhà phải đi chặt gỗ cả tháng trời mới xong. Nếu tính ra thì chắc cũng phải đến hàng chục khối gỗ đấy".

Tình hình lâm tặc chặt phá rừng Hữu Liên và cuộc chiến bảo vệ ở đây quá phức tạp.

Ngay cạnh nhà anh Đại là một bãi đất phẳng chất toàn gỗ rừng. Hỏi ra mới biết đó là nơi tập kết gỗ của Ban Quản lý rừng Hữu Liên truy bắt được. Theo anh Tuyến nói, mấy trăm mét khối gỗ này bắt được từ những xe chở lậu từ địa bàn huyện Bắc Sơn vận chuyển qua đang chờ xử lý.

Anh em mà có súng sẽ không sợ lâm tặc

Anh Nguyễn Hữu Hưng, trưởng ban Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên than thở: "Trang thiết bị phục vụ công việc ở đây cực kỳ thiếu thốn, đồng lương thì thấp, quần áo cũng thiếu. Hài hước nhất là chuyện hồi đầu năm Ban Quản lý đề xuất mua 8 khẩu súng bắn hơ‌i ca‌y. Anh em mà có súng thì sẽ không sợ lâm tặc tấn công. Cứ tưởng chỉ có 2 triệu đồng một khẩu, nào ngờ giá thực tế lên đến 8 triệu đồng một khẩu. Vậy là lại phải giải trình, đề xuất... thành thử mãi mà vẫn chưa được".

Cũng theo anh Hưng thì tình hình lâm tặc chặt phá rừng Hữu Liên và cuộc chiến bảo vệ ở đây quá phức tạp. Ngày nào cũng đánh, chém nhau với lâm tặc. Thậm chí, lâm tặc còn mai phục cả cán bộ quản lý trong những thung lũng. Chúng bao vây chặn đánh nhằm dằn mặt. Nhiều người coi công việc bảo vệ rừng ở đây như một sự tr‌a tấ‌n. Không ít người đến làm được một thời gian thấy đánh chém nhau liên tục lại tìm cách chuyển đi nơi khác thuận lợi hơn.

Ngoài ra, còn những chuyện bi hài gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng nơi đây. Hôm chúng tôi đi tuần rừng cùng Tổ Cơ động, khi phát hiện lâm tặc, anh Trường theo thói quen rút chiếc điện thoại ra định gọi lực lượng hỗ trợ tổ chức vây bắt nhưng ở đây chả có tí sóng điện thoại nào. Một số người dân ở đây cũng nói, nhiều khi thấy lâm tặc khai thác gỗ mà chẳng gọi được vì sóng điện thoại chưa đến được với rừng.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật