Chuẩn bị sẵn sàng diễn tập ứng phó sóng thần

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 25/8, đoàn công tác của UB quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ tư lệnh QK5 đã làm việc với BCĐ diễn tập ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng để hoàn thiện báo cáo chi tiết cuộc diễn tập sẽ diễn ra vào đầu tháng 10.
Chuẩn bị sẵn sàng diễn tập ứng phó sóng thần
Cuộc diễn tập ứng phó sóng thần thực hiện ngày 15/5 tại TP Đà Nẵng
Theo đó, cuộc tổng diễn tập ứng phó động đất và sóng thần lần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 7/10/2011 tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dưới sự chủ trì của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) và UBND TP Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan.
Ban chỉ đạo diễn tập ứng phó động đất sóng thần đã có buổi họp bàn và báo cáo kế hoạch diễn tập vào tháng 10
Tham gia phối hợp diễn tập lần đầu tiên này với sự tham gia của hàng chục nghìn người thuộc các lực lượng vũ trang như Công an TP Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, dân phòng, y tế, các cơ quan thông tấn báo chí cùng những ngư dân, cư dân đang sinh sống tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).

Cuộc diễn tập sẽ diễn ra trong vòng 50 phút từ 9h -9h50 ngày 7/10 với kịch bản được đưa ra: Lúc 8h45 ngày 7/10/2011, Chính quyền Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc viện Vật lý Địa cầu: Lúc 8h35 phút ngày 7/10/2011 tại khu vực 17,5 dộ Vĩ Bắc; 11,9 độ Kinh Đông (phía Tây đảo Luzon – Philippines) xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ richter gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của đảo Luzông.

Do ảnh hưởng của động đất đã gây ra sóng thần trên biển Đông, nguy cơ ảnh hưởng đến ven biển miền Trung rất lớn. Dự kiến sau 2,5 đến 3h, sóng thần sẽ ảnh hưởng đến bờ biển Đà Nẵng với độ cao sóng khoảng 6m.

Sau khi sóng thần ập vào sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tài sản, tính mạng của  27.230 hộ/133.529 khẩu (trong đó có 26.346 trẻ em, 11.190 người già) thuộc 20 phường của 5 quận ven biển Đà Nẵng.

Thời điểm xảy ra sóng thần có 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang nghỉ và tham quan ven khu vực bãi biển cùng hàng trăm tàu thuyền, lao động của Đà Nẵng và các địa phương khác đang neo đậu, hoạt động đánh bắt trên vùng biển Đà Nẵng.

Sau khi nghe Ban chỉ đạo báo cáo chi tiết buổi diễn tập, các đại biểu đã thảo luận và góp ý để hoàn thiện nội dung phương án diễn tập. Theo các đại biểu, phương án sơ tán dân trong vùng bị ảnh hưởng là quan trọng nhất vì sơ tán dân càng nhanh thì thiệt hại về nhân mạng càng thấp. Vấn đề này liên quan đến công tác cảnh báo sớm hay muộn.

Với phương án sơ tán tàu thuyền đánh cá đang hoạt động trên vùng biển, nhiều đại biểu cho rằng nên có thông tin cho ngư dân biết để đưa thuyền vào bờ hoặc chạy xa ra ngoài khơi, hay đánh đắm tại chỗ để hạn chế thiệt hại…

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo kế hoạch của Ban chỉ đạo diễn tập và ý kiến của các đơn vị liên quan, Chánh VP UBQGTKCN Phạm Hoài Giang nhấn mạnh, đây là cuộc diễn tập ứng phó sóng thần có quy mô lớn, mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên và là hoạt động để rút ra kinh nghiệm, xây dựng cho các địa phương khác trên cả nước nên tất cả các khâu, các tình huống phải được tính toán cụ thể, chi tiết.

Cuộc diễn tập lần này còn là điều kiện tốt nhất để tất cả các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, cũng như người dân và du khách được trải nghiệm thực tế và có những ứng biến nhanh, phối hợp đồng bộ nếu có tình hống thực tế xảy ra tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Đợt diễn tập cũng nhằm đạt các mục tiêu chính là kiểm tra, đánh giá hệ thống cảnh báo sóng thần đã được lắp đặt tại Đà Nẵng, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp thông tin từ cấp Trung ương đến địa phương. Thông qua diễn tập, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, phối hợp đối với các sự cố xảy ra như thiên tai, bão lũ; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với các sự cố. Đặc biệt là diễn tập là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, tính toán các phương án ứng phó, di chuyển cũng như trang thiết bị phù hợp với điều kiện đặt ra để tiếp tục chỉnh sửa...

Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên diễn tập nên có nhiều cơ quan chức năng cùng lãnh đạo các địa phương ven biển tham dự nên đây sẽ là một cơ hội lớn để các địa phương khác học hỏi. Ngoài ra, sau cuộc diễn tập, UBQGTKCN cùng UBND TP Đà Nẵng sẽ đúc rút kinh nghiệm rồi triển khai ra các địa phương khác khi xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần này.

“Yêu cầu cao nhất của cuộc diễn tập là phải sát với thực tế, hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an toàn”, Chánh VP UBQGTKCN Phạm Hoài Giang nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật