Nhiều bệnh nhân viêm gan C bỏ điều trị vì giá thuốc cao

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bệnh viêm gan siêu vi C (HCV) đòi hỏi thời gian và chi phí chữa cao, nên nhiều người bệnh đã phải điều trị ngắt quãng hoặc bỏ dở vì không thể theo suốt liệu trình.
Nhiều bệnh nhân viêm gan C bỏ điều trị vì giá thuốc cao
Từ ngày 1/6, Công ty dược Merck Sharp & Dohme (MSD) điều chỉnh giảm giá nhập khẩu thuốc điều trị viêm gan C (peginterferon alfa-2b) dùng trong điều trị lây nhiễm virus viêm gan C mạn tính (HCV) tại Việt Nam

Chị Phạm Ngọc Hương, quận 3, TP HCM, chia sẻ: “Theo phác đồ điều trị của bác sĩ, mẹ tôi phải theo dõi, uống thuốc hơn một năm". Hiện chi phí cho quá trình trị liệu khoảng 60-200 triệu đồng. Thời gian kéo dài, chi phí thuốc men quá cao khiến chị lo lắng. Thêm vào đó, mẹ chị Hương lớn tuổi xót của, sợ con cái thêm vất vả nên cứ chần chừ mỗi khi đi tái khám, mua thuốc. Kết quả là bệnh cứ kéo dài mà không thể hết dứt điểm.

Không chỉ gia đình có thu nhập trung bình mà ngay cả nhà khá giả cũng đau đầu với chi phí điều trị bệnh. Anh Khắc Phong, chủ một cửa tiệm kinh doanh vật liệu xây dựng ở quận 10, TP HCM, cho biết: “Nếu dùng thuốc tốt, 200 triệu đồng cho một quá trình điều trị là khá nhiều. Thu nhập tốt nhưng tôi còn thấy chật vật, những gia đình hoàn cảnh khó khăn thì không biết xoay sở ra sao”.

Theo Giáo sư, bác sĩ Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch hội Gan mật TP HCM, viêm gan siêu vi C là bệnh mạn tính, điều trị phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém và có nhiều yếu tố tác động dẫn đến tỷ lệ điều trị thành công khác nhau.

HCV được chia thành nhiều tuýp. Một số tuýp đáp ứng với điều trị khả quan, thời gian điều trị ngắn, như tuýp 2 chiếm khoảng 20% số người nhiễm HCV tại Việt Nam. Tuýp 3 có chừng 1% số người bệnh, nhiều trường hợp có thể khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Ngược lại, tuýp 1 và tuýp 6 thuộc loại khó chữa, khoảng 80% số bệnh nhân ở Việt Nam thuộc hai dạng này, có tỷ lệ thành công thấp hơn và thường đòi hỏi điều trị kiên trì dài ngày.

Ngoài ra, theo Giáo sư Phiệt, khi sử dụng thuốc, người bệnh đều có thể xuất hiện những tác dụng phụ. Khoảng 10-15% bệnh nhân không dung nạp được, phải bỏ thuốc trong quá trình điều trị.

Thêm vào đó, chi phí điều trị cao cũng là một khó khăn khiến bệnh nhân mất kiên nhẫn trong việc chữa bệnh. Với phác đồ điều trị theo khuyến cáo của Hội gan mật châu Âu hiện nay, người bệnh tại Việt Nam phải tốn từ 60 đến hơn 200 triệu đồng để điều trị, tùy theo từng loại thuốc cụ thể. Trong khi đối với các nước tiên tiến như Nhật, Australia, bảo hiểm y tế tham gia cùng chi trả với người bệnh viêm gan siêu vi C. Nhờ vậy cả bác sĩ và bệnh nhân có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn và tiếp cận loại thuốc phù hợp với bệnh lý.

Theo bác sĩ Phiệt, cơ quan bảo hiểm y tế nên tham gia đồng chi trả với bệnh nhân viêm gan C như bệnh nhân viêm gan B hiện được áp dụng, để họ có điều kiện điều trị liên tục.

Dược sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch hội Dược học TP HCM cho rằng bệnh viêm gan siêu vi C được chữa trị càng sớm càng tốt. Do đó, bệnh nhân nên tầm soát để phát hiện, chữa trị kịp thời, luôn tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng phân khoa Tiêu hóa Gan mật bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, viêm gan siêu vi C thường ít gây ra viêm gan cấp và điển hình nên đa số bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Nếu có, người bệnh cũng chỉ mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau tức dưới sườn bên phải (ít khi vàng da).

Việc phát hiện bệnh thường tình cờ như khi đi xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe. Đôi lúc, bệnh tiến triển âm thầm, đến khi phát hiện đã bị xơ hoặc ung thư gan. Do vậy, việc khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ rất cần thiết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật