Lấy chồng nước ngoài: May mắn hay gian truân?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô dâu người Việt được đánh giá rất cao tại xã hội Hàn Quốc bởi sự hòa nhập xã hội nhanh và những đức tính nổi bật của người phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20% tình trạng cô dâu Việt bị lợi dụng và phải quay về nước trong nỗi thất vọng.
Lấy chồng nước ngoài: May mắn hay gian truân?
Ảnh minh họa

Cuối tuần qua, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đây là hội nghị chuyên đề lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức với mục đích đánh giá toàn diện những tác động xã hội tích cực và hạn chế trong việc  kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài.

Đồng thời tìm ra giải pháp đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý, định hướng quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước hạn chế và đi đến chấm dứt các hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Gần 300.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn hợp pháp với người nước ngoài
Theo thống kê, từ năm 1998 đến 31/12/2010, Bộ Tư pháp đã chấp nhận và làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có quốc tịch trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Canada,  Pháp, Hoa Kỳ…

Các cô dâu lấy chồng ngoại đông nhất xếp theo thứ tự nhóm 1 là TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hậu Giang. Nhóm 2 là Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang.

Các con số trên chưa tính đến những vụ buôn bán phụ nữ ra nước ngoài hoặc hôn nhân với người nước ngoài và dịch vụ mang thai thuê với người ngoại quốc mà không đăng ký.

Đặc điểm chung là 3/4 số cô dâu đi lấy chồng người nước ngoài đều là con của những gia đình có 5 con trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa biết chữ, có hoàn cảnh éo le. 80% số này đã từng lao động và kiếm được tiền tại Việt Nam. 85% cô dâu lấy chồng hơn mình từ 10- 19 tuổi, 15% hơn từ 20- 30 tuổi.

Theo khảo sát, có 83,5% chị em lấy chồng nước ngoài có thể tích lũy tài chính và hỗ trợ gia đình ở Việt Nam, 83,6% số cô dâu cảm thấy hài lòng về cuộc sống tại quê hương người chồng. 11% số cô dâu đã ly dị để hồi hương vì không có hạnh phúc và tích lũy kinh tế nơi đất khách.

Thực tế cho thấy đã có một bộ phận dân cư hình thành quan điểm lệch lạc về mục đích, ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, coi lấy chồng nước ngoài là một giải pháp để cải thiện kinh tế gia đình; những hệ lụy từ cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được thực hiện do môi giới trái phép; xuất hiện nguy cơ mất cân bằng giới tính (thừa nam, thiếu nữ) ở độ tuổi kết hôn dẫn đến tình trạng nam giới ở nhiều địa phương trong nước khó khăn trong việc lấy vợ.

Đa phần việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào, không dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà xuất phát từ mục đích kinh tế, hoặc cũng vì động cơ mong muốn đổi đời thông qua việc được định cư ở nước ngoài làm ăn sinh sống.
Quá trình đi đến hôn nhân thường diễn ra rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết đều thông qua môi giới, sắp xếp. Vì vậy, thực tế như báo chí đã nêu không ít các cô dâu trẻ người Việt kết hôn với người chồng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc già yếu, tàn tật, dị dạng, thậm chí mất năng lực hành vi dân sự. Nhiều trường hợp cô dâu Việt đã rơi vào hoàn cảnh bi đát, rất bất hạnh ở nước ngoài nhưng không nhận được sự giúp đỡ, bảo vệ.

Thời gian qua đã có không ít các hoạt động xem mặt cô dâu, chọn vợ tập thể, dịch vụ môi giới trái phép phụ nữ Việt Nam với nguời nước ngoài thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục đã xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, gây bức xúc trong xã hội.

Ông Trần Trọng Toàn, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng xu hướng các chú rể Hàn Quốc thích lấy vợ Việt Nam có lý do chính bởi văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc có sự tương đồng rất lớn. Bên cạnh đó phụ nữ Việt Nam được đánh giá là cần cù, đảm đang và chung thủy. Đặc điểm dân số Hàn Quốc đang bị già hóa và mất cân đối về giới (thừa nam, thiếu nữ), vì vậy làn sóng đàn ông Hàn Quốc đến Việt Nam chọn vợ ngày một cao và nhiều hơn trước.

“Cô dâu người Việt Nam được đánh giá rất cao tại xã hội Hàn Quốc bởi sự hòa nhập xã hội nhanh và những đức tính nổi bật của người phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20% tình trạng cô dâu Việt bị B.H, bị lợi dụng tìn‌ּh dụ‌ּc và phải quay về nước trong nỗi thất vọng” Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khái quát hiện trạng của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài được nhận dạng theo mô hình “4 không” và “1 vì” là không biết văn hóa, luật pháp ngôn ngữ; không biết hoàn cảnh chồng tương lai; không biết mặt chồng tương lai và không có tình yêu. “Một vì” mục tiêu nhanh chóng thay đổi cuộc sống và tích lũy kinh tế.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chính là một phần của quá trình lịch sử, không thể ngăn cấm và cưỡng bức bằng mệnh lệnh hành chính. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phải chăm lo và bảo hộ tốt hơn đối với hơn 200.000 cô dâu Việt.

Phó Thủ tướng nêu yêu cầu phải chuyển từ “4 không” sang “5 biết” đối với các cô dâu Việt, đó là:  biết văn hóa lịch sử, luật pháp của nước sở tại mà mình sẽ đến làm dâu; biết Pháp Luật của Việt Nam và nghĩa vụ của bản thân với đất nước; biết những điển hình những người thành công nhất và thất bại nhất của những người cùng địa phương đã lấy chồng nước ngoài; biết rõ người chồng tương lai của mình; biết rõ hoàn cảnh gia đình của nhà chồng trước khi chính thức ra nước ngoài. “Từ đó sẽ có hạnh phúc”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị ngay sau hội nghị này, Bộ Tư pháp cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là  nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung sửa Nghị định 68 và 69 về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Phó Thủ tướng giao các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp và Công an xây dựng quy chế cung cấp thông tin của người Việt Nam có hôn nhân với người nước ngoài. Trên cơ sở đó, các bộ khẩn trương tham mưu với Chính phủ để xây dựng và ban hành văn bản kiến nghị với các nước có đông cô dâu Việt Nam, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn.

Có hướng dẫn chính thức đối với các trung tâm tư vấn hôn nhân với người nước ngoài. Trong tháng 7/2011, các tỉnh, thành phố báo cáo con số chính thức về tình hình thực tế của việc kết hôn với người nước ngoài, từ đó làm rõ yếu tố mất cân bằng giới tính tại địa phương mình.

Tháng 8/2011, sẽ tổ chức giao ban trực tuyến để rà soát lại toàn bộ những công việc đã thực hiện liên quan đến vấn đề kết hôn với người nước ngoài.

Quý 3/2011, Bộ Công an tổ chức tổng kết tình hình buôn bán người ra nước ngoài và kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật