“Dư chấn tâm lý” có thể gây hại hơn động đất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khói xám lại bốc lên từ hai nhà máy điện hạt nhân số 2 và 3 tại Fukushima bất chấp nỗ lực dội hàng nghìn tấn nước biển vào các nhà máy này trong chiến dịch khẩn cấp ứng phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân của người Nhật. Khói xuất hiện trở lại cho thấy nguy cơ tan chảy các thanh nhiên liệu tại các nhà máy điện hạt nhân nói trên vẫn chưa được dập tắt, đồng nghĩa với rủi ro phát tán phóng xạ còn ở phía trước. Điều tồi tệ nhất chưa xảy ra nhưng những người vốn hay lo xa có lẽ đã thấy lo lắng nhiều hơn.
“Dư chấn tâm lý” có thể gây hại hơn động đất
Người Trung Quốc đổ xô đi mua muối iốt

Người Nhật đang nhận được sự thán phục của cả thế giới về sự bình tĩnh trước thảm họa. Chưa có một cảnh báo nào từ Chính phủ Nhật đối với các công dân của mình về việc phải rời xa Fukushima, điều mà Mỹ, Pháp, Úc và nhiều nước khác đang làm. Nhưng đáng chú ý hơn, hàng triệu người cách xa nước Nhật hàng nghìn km, nằm ở bờ đối diện với “tâm chấn” qua biển Hoa Đông, gồm người Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại đang tự đưa mình trở thành người trong cuộc. Họ đang đổ xô đi mua các thực phẩm có chứa I-ốt nhằm đối phó với bụi hạt nhân (nghe đâu có thể phá hủy tuyến giáp).

Sự hoảng hốt này có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều hơn động đất Nhật Bản. Quy mô thảm kịch nhân đạo do sự tàn phá của động đất và sóng thần là không thể xác định được. Còn về mặt kinh tế, thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và thế giới là có thể đo lường. Cái khó hơn là ước lượng được những thiệt hại dôi ra ngoài các con số tính toán đó dưới tác động của những nỗi sợ không đáng có.

Những con số ước tính thiệt hại tài chính đã được đưa ra. Con số của Goldman Sachs là khoảng 16.000 tỷ yên hay 193 tỷ USD, tương đương 3% GDP của Nhật Bản, của Ngân hàng Thế giới là khoảng 235 tỷ USD. Trong những tháng tới, sự thiếu hụt điện năng cùng những gián đoạn về chuỗi cung sẽ cắt bớt sản lượng của nước này đối với xe hơi, đồ điện tử, máy móc thiết bị và các hàng hóa khác. Tác động đối với du lịch thậm chí còn lâu hơn.

Tuy vậy, nhìn chung, ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế Nhật (sự sụt giảm GDP), có thể sẽ nhanh chóng được bù đắp bằng các chi tiêu cho công cuộc khôi phục lại cơ sở hạ tầng, nhà máy xí nghiệp, công trình dân dụng… từ đống đổ nát. Đó là kinh nghiệm từ các thảm họa trong quá khứ, như trận động đất xảy ra tại Kobe năm 1995.

“Chúng tôi hi vọng, tới quý IV, Nhật Bản sẽ cho thấy dấu hiệu phục hồi kinh tế rõ ràng”, Tomo Kinoshita, Phó kinh tế trưởng khu vực châu Á của Nomura nói. Ngân hàng Nhật Bản này đã giảm mức dự đoán tăng trưởng GDP năm 2011 của Nhật 0,4 điểm phần trăm xuống còn 0,9%.

Đối với phần còn lại của thế giới, con số thiệt hại như nói trên chỉ là số lẻ. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch tính toán, thậm chí kinh tế Nhật không có sự tăng trưởng trong cả năm nay cũng chỉ khiến kinh tế thế giới giảm đi 10 điểm phần trăm, xuống còn 4,2%. Ngoài ra, sự suy giảm trong sản xuất và du lịch của Nhật có thể làm lợi cho các nước láng giềng. Giá cổ phiếu của các khách sạn Đài Loan đã tăng lên hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy kỳ vọng dòng người (khách du lịch và người lao động nước ngoài) di cư khỏi Nhật sẽ làm đầy các căn phòng trống tại đây. Tương tự, sự sụt giảm doanh số của Honda sẽ thúc đẩy mọi người mua các sản phẩm của Hyundai (Hàn Quốc).

Vấn đề là, điều gì đáng xảy ra không luôn luôn sẽ xảy ra, sẽ vẫn có quá nhiều tình huống không lường trước được. Sự thiếu hụt điện năng kéo dài có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất và giáng một đòn nặng nề vào hoạt động xuất khẩu của Nhật. Những sự gián đoạn trong chuỗi cung có thể gây to chuyện hơn kỳ vọng có thể giải quyết, làm tổn thương không chỉ các công ty Nhật mà cả các nhà nhập khẩu máy móc và hàng công nghệ cao tại Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Dĩ nhiên, thậm chí điều tồi tệ hơn có thể xảy ra, đó là những nỗ lực cứu chữa các nhà máy điện hạt nhân thất bại, rò rỉ phóng xạ sẽ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.

Nhưng vẫn còn một mối nguy khác, không thể bỏ qua, là sự hoảng hốt. Đó chính là cảnh tượng đang lan rộng tại Trung Quốc. Tuần trước, nhiều người đã đổ xô đến các siêu thị, mua vét sạch muối I-ốt với niềm tin nhầm lẫn rằng, nó có thể giúp bảo vệ họ khỏi tác động của bụi phóng xạ, hay là để dự trữ cho tương lai, khi phóng xạ đã nhiễm vào nước biển, nguyên liệu để sản xuất muối. Những dấu hiệu về việc các sản phẩm được làm ra từ xung quanh khu vực thảm họa hạt nhân có chứa một lượng nhỏ chất phóng xạ có thể khuấy động sự hoảng hốt mua tích trữ thực phẩm và dẫn tới tình trạng khan hiếm không mong muốn.

Thật khó hình dung sự hoảng hốt sẽ có thể lan rộng thế nào trong thị trường tài chính. Trong một báo cáo cuối tuần trước, Wells Fargo Securities đã cảnh báo về “hiểm họa tâm lý” rằng, nó có thể dẫn đến một làn sóng bán tháo trên các thị trường cổ phiếu.

Lúc các thị trường trở nên đông cứng, sẽ đến lượt nền kinh tế thực, khi người tiêu dùng dành dụm tiết kiệm nhiều hơn và các công ty suy nghĩ lại về các kế hoạch đầu tư. Đây là những gì “cần có” để tạo nên sự suy thoái. Nếu chúng ta không cẩn thận, sợ hãi và mụ mẫm, những lo ngại nói trên sẽ trở thành hiện thực. Và khi đó, cơ hội sẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư hiểu biết, những người sẽ nhanh tay “chộp” lấy các tài sản giá rẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật