Nhật Bản: Dân từ Tokyo đổ về Osaka

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Osaka đã trở thành “đích đến” của hàng ngàn người muốn thoát khỏi Tokyo vì mối lo nhiễm phóng xạ và thiếu điện. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Nhật và chỉ mất chưa đầy 3 giờ đi xe điện. Nhiều hãng hàng không lớn như Lufthansa, Alitalia đã đổi lịch trình các chuyến bay từ sân bay Narita ở Tokyo đến Osaka, biến thành phố này thành trung tâm vận tải chính của Nhật Bản trong những ngày này. Các khách sạn ở Osaka đều đã kín chỗ và nhiều hệ thống khách sạn lớn của Mỹ ở đây, như Ritz Carlton Osaka, cũng đã được “book” hết chỗ ít nhất đến vài tuần tới.
Nhật Bản: Dân từ Tokyo đổ về Osaka
Nỗi lo nhiễm phóng xạ bao trùm các chuyến xe điện ở Tokyo

Inken Trebbin, môt nghiên cứu sinh người Đức đang theo học tại một trường đại học gần Tokyo đã rời bỏ thành phố này để đến Osaka. Cô đang tự hỏi không biết nên về Berlin như lời khuyên của cha mẹ cô hay ở lại Nhật Bản. Trebbin đã sống gần Tokyo được 6 tháng và chỉ còn 1 năm rưỡi nữa là tốt nghiệp. Nếu về Berlin, cô sẽ không thể quay lại Tokyo nữa. Cuối cùng Trebbin quyết định chờ ở Osaka.

Trebbin chỉ là một trong hàng ngàn người đã rời bỏ Tokyo trong những ngày gần đây vì thiếu điện, thiếu thực phẩm, vì dư chấn tiếp tục xảy ra và nhất là phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, cách Tokyo 150 dặm về hướng Bắc. Những tin tức về việc phát hiện lượng phóng xạ trên mức giới hạn cho phép ở rau và sữa tại những khu vực gần các nhà máy hạt nhân đã làm nỗi lo sợ ngày càng dâng cao.

Trong khi nhiều chuyên gia hạt nhân nói rằng mức độ nhiễm phóng xạ ở Tokyo chưa cao để có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người thì nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp và Australia đã thúc giục công nhân của họ nhanh chóng rời khỏi Nhật Bản. Có quốc gia còn thuê hẳn máy bay riêng để đưa công dân của họ về nước. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn bị sẵn máy bay đậu ở các nước châu Á và cam kết với công dân của họ rằng tiền vé có thể được trả sau.

Cũng có một số đại sứ quán nước ngoài đã chuyển hoạt động của họ sang Osaka vào tuần rồi. Văn phòng lãnh sự quán của Áo ở Osaka bình thường rất yên ắng cũng trở nên rộn ràng vào thứ Sáu tuần trước khi hầu hết 30 nhân viên của đại sứ quán ở Tokyo đã được chuyển đến Osaka. Jutta Stefan-Bastl, đại sứ Áo ở Nhật Bản cho biết, họ dự định sẽ ở lại Osaka cho đến cuối tháng 4 tới. Theo Global Post, các hãng hàng không của Áo cũng hủy các chuyến bay đến sân bay Narita vì phi hành đoàn không muốn ở qua đêm tại Tokyo. Đã có 1/3 trong số 600 người Áo ở Nhật đã bay về nước sau khi động đất xảy ra. 1/3 số còn lại tiếp tục rời Tokyo để đến Osaka hoặc một số thành phố miền Nam khác.

Drew Anderson, một nhà thiết kế đồ họa trò chơi điện tử người Mỹ, đã sống ở Tokyo được 3 năm, cũng đã đến Osaka được vài ngày nay. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng đã “tháo chạy” khỏi Tokyo đế về các thành phố miền Nam nước Nhật.

Không chỉ có người nước ngoài mới ồ ạt rời khỏi Tokyo. Nhiều gia đình người Nhật cũng quyết định ra đi cho đến khi tình hình được cải thiện. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người Nhật hiện nay là phóng xạ có thể tác hại lên trẻ con. Vợ chồng chị Yoko Takayama cùng với đứa con 3 tháng tuổi đã đến Kobe, một thị trấn cách Osaka 20 dặm vào cuối tuần trước. Chị và một nhóm bạn gồm các bà mẹ có con nhỏ hoặc sắp có con ở Tokyo đang tìm cách thuê một ngôi nhà ở thị trấn này để có thể ở lâu dài hơn.

Một số các công ty và các tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo cũng đã tạm thời đóng cửa hoặc chuyển hoạt động đến Osaka. Ngoài mối lo bị nhiễm phóng xạ, nếu ở lại Tokyo cũng không có điện để hoạt động. Việc hệ thống xe điện ở Tokyo bị gián đoạn đã khiến cho nhân viên các tổ chức từ thiện không thể đi quyên góp xung quanh thành phố.



Động đất khiến Nhật Bản thiệt hại 300 tỷ USD

Theo Reuters ngày 22-3, Chính phủ Nhật Bản ước tính thiệt hại vật chất sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11-3 lên tới 25 nghìn tỷ yen (hơn 300 tỷ USD) tương đương với 6% GDP, vượt xa con số thiệt hại 100 tỷ USD sau trận động đất ở Kobe vào năm 1995. Con số trên bao gồm các thiệt hại về đường xá,nhà cửa, nhà máy và các cơ sở hạ tầng khác.

Động đất khiến nhiều khu vực của Nhật Bản hoang tàn

Các nhà kinh tế kỳ vọng vào cuối năm nay Nhật Bản sẽ có cuộc tái thiết đất nước “hoành tráng” nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Tuy nhiên họ cảnh báo tình trạng thiếu điện sẽ là nguyên nhân chính cản trở kế hoạch khôi phục lại nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã ước tính động đất và sóng thần khiến Nhật Bản thiệt hại khoảng 235 tỷ USD và Chính phủ nước này phải mất tới 5 năm để xây dựng lại nền kinh tế.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật