Phận viết thuê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đúng hẹn cô Thảo đến nhà lão. Cô cho biết, ông chủ đồng ý với giá nhà văn đề ra là năm trăm triệu và tiền ứng trước là năm mươi triệu. Lão rút ngăn kéo, đưa ra một tập đề cương tiểu thuyết, đầy đủ tóm tắt cốt truyện, các nhân vật được phát triển ra sao, khắc họa tính cách nhân vật thế nào, bảo cô Thảo đưa về cho ông chủ.
Phận viết thuê
Minh họa: Phạm Minh Hải

Cách đây hai tuần, Thảo đến nhà lão, tự giới thiệu là thư ký của Tổng giám đốc và vào chuyện ngay: Tổng giám đốc của em cần một tiểu thuyết kí tên ông ấy, dĩ nhiên là nhờ nhà văn viết hộ. Nội dung và chủ đề tư tưởng do nhà văn chọn, tốt nhất là vấn đề xã hội nhiễu nhương hiện nay, mô tả được thân phận con người sau chiến tranh. Tổng giám đốc sẽ trả cho nhà văn hai trăm triệu đồng, nhà văn có ưng thuận không?

Lão ngớ ra trước cái đề nghị mà lão cho là kỳ lạ rồi đường đột hỏi, ông ấy cần tiểu thuyết để làm gì? Thảo cười, ông ấy muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn. Nhanh như chớp, Thảo mở giỏ xách lôi ra một tập truyện ngắn dúi vào tay lão: "Sếp của em là tác giả tập truyện ngắn này".

Lão hỏi:

- Cũng là sản phẩm thuê người khác, cô có thể cho tôi biết người viết thuê này là ai không?

- Nhà văn không nên tò mò làm gì, em sẽ để lại cuốn sách biếu nhà văn. Ông đọc và tự phán đoán lấy. Đây cũng là một điều bí mật thuộc tính nguyên tắc mà sếp em đã dặn đi dặn lại nhiều lần.

- Vậy cô có thể cho tôi biết một chút lý lịch trích ngang của sếp cô - Lão cười nhạt - Biết để viết cho thích hợp với suy nghĩ của người đứng tên, chứ không phải suy diễn của một lão già gần bảy mươi như tôi.

- Cuối tập sách này có lời bạt của một nhà văn nổi tiếng, ông đọc sẽ hiểu hết "thân thế sự nghiệp" của sếp em. Em chỉ xin nói thêm thế này, sếp em sinh năm 1950, mười ba tuổi đi bộ đội khi vừa học xong lớp ba trường làng. Nếu nhà văn đồng ý, cứ thế mà làm, chúng em sẽ ứng trước cho nhà văn ba mươi triệu đồng...

Lão thấy mệt với những gì vừa đối thoại. Tất cả làm lão bất ngờ, lão xuống giọng:

- Thỏa thuận hay không để tôi tính lại, hai ngày nữa, chúng ta gặp nhau bàn tiếp.

Thảo bảo:

- Cái gì làm ông lấn cấn, nội dung cuốn sách hay giá cả chúng em đề ra.

- Cả hai. Tốt nhất là cô để cho tôi đọc tập truyện ngắn này đã. Vài ngày nữa cô quay lại, tôi sẽ trả lời dứt khoát, viết hay không?

- Vậy nhà văn cho một cái hẹn ngày em quay lại?

- Ba ngày sau cũng vào giờ này và cũng tại nhà tôi.

*

Lão nằm thừ ra giường nghĩ ngợi. Việc các nhà văn viết mướn không có gì là mới. Ngày ở ngoài Bắc, lúc lão mới tập tọng vào nghề viết lách, lão đã biết có vài người tác phẩm của mình viết ra, vì cuộc sống hay lý do nào đó mà để người khác đứng tên. Tuy chưa một lần gặp ông Tổng giám đốc của cô Thảo, nhưng lão tin ông này đã nghiên cứu rất kỹ những tác phẩm và hoàn cảnh ngặt nghèo của lão hiện nay. Bạn bè lão đều biết, bốn miệng ăn trong gia đình lão chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi và dăm ba đồng tiền nhuận bút viết văn, viết báo, lúc có lúc không.

Hơn hai năm nay vợ lão - theo cách nói đùa của bác sĩ - có "hộ khẩu thường trú" ở bệnh viện. Với căn bệnh ung thư máu của vợ, mỗi lần xạ trị mất đứt nửa tháng lương hưu của lão, mỗi tháng bốn lần như vậy; thằng con trai là sinh viên năm thứ 3, đứa con gái là sinh viên năm thứ nhất, mọi việc ăn uống, sách vở, tiền học phí chỉ trông vào một mình lão xoay xở. Viết mướn, theo lão là tột cùng của tủi nhục. Nếu lão đồng ý viết là hoàn cảnh đã đẩy đưa lão vào bước đường cùng. Lão tự an ủi mình để cho lòng thanh thản.

Đêm ấy, lão thức trắng nằm đọc tập truyện ngắn Thảo đưa. Ban đầu lão nghĩ đọc như là một nghĩa vụ, dần dần từng truyện trong tập lôi cuốn lão thực sự. Tập truyện đã khắc họa tài tình thân phận của mọi tầng lớp xã hội thời hậu chiến, từ anh cán bộ về hưu đến số phận cô gái điếm đứng đường; số phận bà buôn lậu đường dài, tình yêu của ông mì gõ với cô hàng vịt lộn bằng một văn phong không giống ai, rất có cá tính nên lão không tài nào đoán được tác giả thực sự là người nào, cho dù các nhà văn đương đại lão đều đọc hết, và quen biết hầu như khắp mặt.

Tài thật, tài thật cái gã viết mướn này. Lão có làm được như gã không, giấu được cách dựng chuyện và văn phong của mình là điều cực khó. Tên tác giả ở bìa sách, với bạn đọc quá xa lạ, nhưng "văn phong của ông ta" đã có trong tập truyện ngắn, mình phải viết đúng văn phong này mới giấu mặt mình được. Nghĩ rồi, lão tặc lưỡi không có gì khó, mình sẽ làm được như tác giả tập truyện ngắn mình vừa đọc. Đây là dịp trời cho để mình có tiền cứu vợ và nuôi con. Phải nắm lấy thời cơ và hành động, hành động như thế nào ngày mai mình tính tiếp.

*

Lão bỏ ra mấy ngày, lang thang gặp người này người nọ, bạn văn bạn đời, tìm hiểu "thân thế sự nghiệp" ông chủ sẽ ký tên vào cuốn tiểu thuyết lão viết mướn. Lão thấy lý lịch ông này… đẹp lắm. Mười ba tuổi đi bộ đội, làm giao liên rồi làm y tá, mấy năm sau cấp trên cho đi học y sĩ, ông lắc đầu không chịu đi, xin cầm súng ra trận. Chiều ông, người ta cho về đơn vị chiến đấu làm Trung đội trưởng, theo năm tháng trận mạc, ông thăng tiến dần, làm Đại đội trưởng, chỉ huy giỏi, đánh đấm có nét riêng, sau giải phóng, chuyển ngành sang dân sự, lúc đó ông đã là Chính trị viên Tiểu đoàn.

Ban đầu ông làm Trưởng phòng tổ chức một xí nghiệp quốc doanh, cứ thế lên dần, làm Giám đốc, Phó Tổng giám đốc và ông giữ chức Tổng giám đốc đã gần mười năm nay. Vài năm nữa về hưu, ngoài cái bằng tiến sĩ (chắc là bằng mua hoặc người khác học giùm), ông còn cần gắn lên ngực cái mác nhà văn.

Nhà văn tất nhiên oách hơn Tổng giám đốc. Tổng giám đốc lúc chết có vài dòng chia buồn lên báo, thế là hết. Nhà văn nhắm mắt xuôi tay, có khi người đời còn đặt tên đường phố, ngày ngày người qua lại chiêm ngưỡng.

Cho đến bây giờ trong tay ông đã có một tập bút ký mô tả các trận đánh ông tham gia, văn chương khá lưu loát (không biết ông tự viết hay là mướn người khác) và một tập hồi ký về đời mình. Về tập hồi ký, dễ hiểu thôi, bây giờ có hẳn một công ty văn hóa chuyên làm thuê việc này. Thế là trong tay ông đã có các thể loại văn học, bút ký, hồi ký, tập truyện ngắn và sắp tới là tiểu thuyết..., cộng thêm tài chạy chọt, ông sẽ vào Hội Nhà văn là việc ở trong tầm tay.

Theo như cô Thảo cho biết, ông có ba cái nhà đều nằm ở mặt tiền các con đường lớn ở thành phố, có một công ty trách nhiệm hữu hạn vợ ông làm Giám đốc cùng ngành nghề với Tổng công ty của ông. Là người từng trải, lão đoán chắc ông đã chuyển hợp đồng béo bở của Tổng công ty về cho vợ, cái này là cách làm giàu không xa lạ gì của các ông lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh ngày nay, chưa kể những bổng lộc khác như đối tác chi hoa hồng sau các hợp đồng, ông ta giàu lên không loại trừ tham ô. Lão đoán vậy và tin những điều tiên đoán của mình.

Cũng vẫn theo cô Thảo và những người quen biết ông nói lại với lão: Ông ta có hai đứa con, một trai, một gái đều du học ở Mỹ, tốt nghiệp đại học mấy năm nay ở lại bên ấy làm việc. Người ta cho lão biết, hai đứa đều lấy chồng và vợ người Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ.

Từ ngày hai đứa có gia đình riêng, vợ chồng ông chỉ mong chúng bế cháu nội ngoại về thăm ông bà. Hai đứa con qua thư từ và điện thoại chỉ hứa đưa các cháu về Việt Nam một ngày gần đây. Ngày gần đây là ngày nào, chỉ có trời biết. Ba ngôi nhà ở Việt Nam hóa ra thừa thãi. Lão nhầm, tài sản ông Tổng giám đốc không có cái gì thừa cả. Con không ở thì ông cho thuê, tiền bạc là thứ không bao giờ đủ.

Đúng hẹn cô Thảo đến nhà lão. Cô cho biết, ông chủ đồng ý với giá nhà văn đề ra là năm trăm triệu và tiền ứng trước là năm mươi triệu. Lão rút ngăn kéo, đưa ra một tập đề cương tiểu thuyết, đầy đủ tóm tắt cốt truyện, các nhân vật được phát triển ra sao, khắc họa tính cách nhân vật thế nào, bảo cô Thảo đưa về cho ông chủ.

Ngồi bên cạnh lão, Thảo chăm chú đọc đề cương, rồi hạ giọng: "Em thấy thế này là tốt rồi, cứ thế nhà văn viết, không cần để ông chủ thông qua đề cương. Sếp đã giao toàn quyền cho em, nhà văn có thể viết trong một tháng không?". Lão hơi giật mình vì thời gian quá ngắn, nhưng nghĩ đến vợ đang ốm nặng, cần tiền hóa trị hằng tuần và tiền học phí của hai đứa con nhà trường đã giục nộp mấy hôm nay, lão gật đầu chấp nhận và lại nghĩ phi vụ viết mướn này là lộc trời cho. Đau đớn cho ý nghĩ vớ vẩn của lão!

*

Lão đến nhà hàng, liếc qua biết đây là một nhà hàng sang trọng. Đang ngơ ngác đưa mắt nhìn xung quanh, Thảo ào ra đón. Thảo dắt lão vào góc khuất có hai người đàn ông đang ngồi đợi sẵn. Cô giới thiệu lão với mấy người khách, rồi giới thiệu từng người đầy đủ tên họ. Lão gật đầu chỉ nhớ một câu "hai người bạn trai cùng làm việc tại công ty".

Trên bàn la liệt đồ ăn. Thảo hỏi lão uống bia hay rượu? Rồi, không để lão kịp trả lời, cô nói ngay: "Trời nóng quá, chúng ta uống bia cho mát. OK?". Lão gật đầu. Thảo lí nhí nói cái gì đó, anh bồi bàn nhanh nhẹn mang ra một thùng Heineken. Bia mở ra, sủi bọt, Thảo thay bồi bàn rót đầy vào ly lão. Hai người thanh niên nhanh nhẹn tự rót vào cốc mình. Anh thanh niên gầy, cao, ngồi cạnh Thảo nhanh nhẩu gắp thức ăn cho cả bốn người. Chưa ai kịp uống, Thảo vào đề ngay:

- Em xin giao ngay cho nhà văn tiền tạm ứng năm mươi triệu như đã thỏa thuận - Thảo cúi xuống giỏ xách lôi ra mười gói bọc sẵn trong giấy báo - Mỗi gói là năm triệu đồng, chúng em đã đếm kỹ, nhà văn cần đếm lại không?

- Khỏi! Cô có cần giấy biên nhận không?

Thảo lắc đầu. Lão cầm một gói đẩy về phía Thảo: "Đây là phần của cô, đúng luật chơi, cô hưởng mười phần trăm".

Không khách khí xã giao, Thảo nhỏ nhẹ: "Cám ơn nhà văn", rồi cầm tiền cho vào xách tay của mình. Mọi việc giữa khách hàng và người làm thuê diễn ra nhanh chóng, không kịp cho lão ngượng như mọi tính toán trước lúc đến đây, càng không giống hôm đầu tiên và nhiều lần tiếp theo, khi hắn tiếp xúc với Thảo.

*

Tiền ứng trước lão đã đưa cho mấy đứa con để lo việc học hành, vậy là yên tâm. Hôm nay từ bệnh viện về, lão buồn bã vì bệnh tình của vợ chẳng những không thuyên giảm, mà lại nặng thêm. Gạt mọi suy nghĩ và phiền muộn sang một bên, lão lôi giấy bút ra và bắt đầu viết tiểu thuyết có cái tên rất gợi cảm "Ngõ nhỏ tình người".

Lão ngồi cắn bút, nghĩ ngợi mông lung, có dễ đến nửa tiếng đồng hồ mà không biết bắt đầu như thế nào.

Trong đêm khuya thanh vắng bỗng có tiếng vọng vô hình, giọng nữ: "Nó là thằng trọc phú, từng là đồng đội chúng ta và anh là nhà văn nghèo khổ, bất hạnh. Em thương anh lắm, chúng em thương anh lắm. Nghèo thì nghèo, anh đừng bán rẻ lương tâm cho quỷ, chúng em sẽ phù hộ anh".

Lão nhận ra tiếng nói từ một cõi xa xăm, không phải của chỉ một người mà nhiều người. Lão toát mồ hôi, quẳng giấy bút vào góc nhà rồi nằm vật ra giường, trân trân nhìn lên trần nhà, thở dài ngao ngán. Lại có tiếng vọng: "Chắc anh băn khoăn là bọn em phù hộ anh bằng cách nào? Anh hãy đi ngay ra đường mua vài vé xổ số, chọn số đuôi là phiên hiệu của đơn vị chúng ta".

Lão giật mình, nửa tin nửa ngờ, song vẫn đi ra đường theo lời chỉ bảo. Gặp những người bán vé số dạo, lão đều cầm xem, mấy người liền đều không có số đuôi là phiên hiệu đơn vị lão. Đến một đứa bé gái khoảng tám tuổi, thật may mắn có đến năm tờ vé số trùng khớp số đuôi phiên hiệu đơn vị. Lão mua ngay, còn ưu ái dặn cháu bé, nếu trúng con nhớ tìm bác, bác chia phần cho con.

Lão lấy giấy ghi số nhà đưa cho cháu bé. Con bé cười phô hàm răng sún: "Con không biết chữ bác ơi, bác cứ nói số nhà là con nhớ, bác tin con đi…". Lòng lão rối bời, thực sự có thế giới đang tồn tại cùng với thế giới của chúng ta không nhỉ? Lão tin là có, ngay ở Trung ương cũng có Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, tức là nghiên cứu linh hồn và họ đã giúp nhiều gia đình tìm được mộ của nhiều người quá cố lâu năm. Lão nhớ lại, lão đã từng mở kênh truyền hình quốc tế Discovery chiếu nhiều chương trình tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm ở Việt Nam. Vậy tiếng vọng của đồng đội có thể là có thật. Lão hy vọng và ngồi vuốt lại mấy tấm vé số, tiện tay nhét vào quyển nhật ký ghi từ thời chiến tranh.

Ngày mai lão sẽ dò số…

Tin như vậy, vừa hy vọng, lão vừa nghi ngại. Có lẽ lão nghĩ quá nhiều về đồng đội, tiếng vọng đồng đội chính là những suy nghĩ vẫn lẩn quẩn trong đầu lão. Đêm nay là đêm cuối cùng lão kết thúc tiểu thuyết viết mướn. Ngày mai đưa bản thảo cho cô Thảo, sau năm ngày là lão có thể nhận toàn bộ số tiền, cô Thảo đã hứa như vậy.

Vừa viết đến dòng cuối cùng, đẩy bản thảo vào ngăn bàn, quẳng bút ra giường thì có tiếng điện thoại reo. Đầu dây bên kia là tiếng đứa con gá‌ּi gọ‌ּi từ bệnh viện: "Ba ơi, má đang thở dồn dập, chắc không qua khỏi ngày hôm nay"… rồi là tiếng khóc bật lên! Tiếng khóc của đứa con như tiếng gào tuyệt vọng.

Lão vội ra đường bắt xe ôm đến bệnh viện. Không kịp nữa rồi, vợ lão đã tắt thở. Làm thủ tục với bệnh viện xong, lão và các con trở về nhà lo thủ tục ma chay. Sau đám ma, cô Thảo đến xin bản thảo nhưng lão không đưa. Bây giờ, vợ đã qua đời, lão không còn cần tiền làm gì nữa, lão lại sực nhớ đến tiếng vọng của đồng đội… Vợ lão chết là ý trời hay cũng là ý của những người đã khuất: Không để cho vợ lão phải đau đớn kéo dài thêm nữa, để cho lão và các con đỡ khổ, đó cũng là ý nguyện nhân đạo.

*

Không đưa bản thảo để nhận nốt tiền, thế nào thằng "nhà văn" cũng sai cô Thảo đến đòi lại tiền ứng trước. Năm mươi triệu chứ đâu có ít! Lão bàn với các con là bán ngôi nhà. Nhà của lão là ngôi nhà xập xệ trong hẻm cất trên một mảnh đất khá rộng. Người ta mua nhà lão chính là mua miếng đất để cất lên nhà lầu. Lão đã thăm dò giới kinh doanh bất động sản, ngôi nhà lão ít nhất cũng bán được một tỉ tám trăm triệu đến hai tỷ đồng. Lão sẽ trích ra hai phần ba gửi vào tiết kiệm ngân hàng, hàng tháng lấy lãi đủ để lấy tiền thuê nhà và lo tiền học phí cho các con. Số tiền một phần ba còn lại lão sẽ ngồi viết văn mà không còn vất vả lo miếng ăn hàng ngày.

Trời đã phù hộ lão hay chính linh hồn đồng đội đã phù hộ lão mà chỉ sau chưa đầy nửa tháng, lão đã bán được nhà và thuê được nhà của một thằng bạn thời ở lính với giá rẻ. Chính thằng bạn này đã nói với lão một câu gan ruột: "Tao cho mày thuê rẻ để cứu lấy mày thoát khỏi kiếp viết mướn; để Hội Nhà văn không có thêm một thằng trọc phú không biết văn chương là gì mà chỉ thích danh hão"!

Đêm đó, bước lại bàn thờ, lão thắp nhang khấn vái gia tiên và đồng đội phù hộ cho lương tâm yên ổn, sống trọn đời với nghề viết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật