Chuyện cổ tích ở miền đất Phật

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người thường cho rằng phải trải đời, hiểu người mới có thể tỏ tường lời dạy của nhà Phật. Hóa ra không phải vậy, đấng từ bi vẫn có cách để giáo hóa những tâm hồn non nớt.
Chuyện cổ tích ở miền đất Phật
3 cuốn trong bộ Cổ tích tiền thân của nhà văn Nguyên Hương.

Người ta biết đến nhà văn Nguyên Hương nhiều hơn kể từ sau khi chị đoạt giải Nhất của cuộc thi "Văn học tuổi 20" lần I. Thế nhưng giải thưởng không phải là cái đích cuối cùng của một người say viết và yêu văn. Hơn 20 năm qua, Nguyên Hương vẫn miệt mài bên trang giấy. Chị đã cho người đọc thấy được những bản thể khác nhau của sự sáng tạo.

Trong vài năm trở lại đây, nhà văn Nguyên Hương đã đổ nhiều tâm sức vào sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi. Văn học thiếu nhi dường như là chân trời mới để chị thỏa sức vẫy vùng. Các sáng tác của chị thường gắn liền với chất liệu truyền thống trong văn học dân gian từ: Cổ tích mới, Cậu bé trần gian và những chuyến rong chơi và mới đây là bộ Cổ tích tiền thân. Đặc biệt những câu chuyện kể trong bộ sách này còn được lấy cảm hứng từ các tích truyện Phật giáo. “Đứa con tinh thần” mới nhất của Nguyên Hương có gì độc đáo?

Những bài học muôn màu của Đức Phật

Bộ Cổ tích tiền thân gồm 3 tập với nhan đề gần gũi như: Voi chúa và hoàng tử nhỏ, Đứng một chân và há mỏ ra, Nắng Vàng, Sáng TTprăng và Mặt Trời; tập hợp 44 câu chuyện nhỏ, được tác giả Nguyên Hương viết lại từ các tích truyện Phật giáo. Những bài học bổ ích trong bộ sách này không chỉ giúp con trẻ nhận ra điều hay, lẽ phải mà còn khiến người lớn phải suy ngẫm.

Bài học lớn nhất mà Đức Phật muốn chúng sinh giác ngộ chính là lòng yêu thương. Tình cảm hữu ái giữa con người với con người, giữa con người với loài vật là cách tốt nhất để xua tan tất thảy những điều xấu xa. Vậy yêu thương nên bắt đầu từ đâu? Muốn thương được người dưng, trước hết hãy yêu thương gia đình mình. Câu chuyện về ba hoàng tử Nắng Vàng, Sáng Trăng và Mặt Trời đã minh chứng cho điều đó.

Ở vương quốc nọ, hoàng hậu sinh cho nhà vua được hai vị hoàng tử khôi ngô. Người anh, cất tiếng khóc chào đời vào ban ngày, khi ánh mặt trời rực rỡ nên vua cha đặt tên là Nắng Vàng. Còn hoàng tử thứ hai, sinh ra ở buổi đêm thanh mát, có ánh trăng dìu dịu nên được ban tên là Sáng Trăng. Không may, hoàng hậu mắc bệnh qua đời. Nhà vua cần người chăm sóc và lo liệu việc hậu cung nên đã lập một hoàng hậu kế.

Không lâu sau, vị hoàng hậu mới hạ sinh một hoàng tử. Bà ta đặt tên cho con trai của mình là Mặt Trời và yêu cầu nhà vua ban cho một lời hứa, nhưng không nói rõ là hứa điều gì. Vì quá vui mừng nên đức vua liền đồng ý ngay. Không ngờ, khi hoàng tử út lớn lên, hoàng hậu muốn con trai mình kế vị ngai vàng và đó cũng là điều bà ta muốn ám chỉ ở lời hứa năm xưa.

Ngôi báu phải được trao cho người xứng đáng, đó là tâm nguyện của nhà vua. Sợ các con rơi vào cảnh “huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt” nên đấng quân vương lệnh cho hoàng tử Nắng Vàng dẫn em trai là Trăng Sáng tạm lánh đi. Ai ngờ hoàng tử út Mặt Trời cũng muốn đi theo hai anh.

Vượt qua bao hiểm nguy cùng cạm bẫy của Phù Thủy gian ác, ba chàng hoàng tử đã nhận ra giá trị đích thực của tình thân. Nó quý giá hơn ngai vàng và quyền lực gấp ngàn lần.

Lẽ công bằng là thứ mà ở trên đời ai cũng mong muốn có được. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhận được sự công tâm. Muốn có được công bằng và lẽ phải, cách tốt nhất là dựa vào chính mình. Đó là những điều mà tác giả muốn nhắn nhủ trong truyện Con chó tài trí.

Một lần, bầy chó trong cung vua cố tình ăn sạch mấy cái yên ngựa ngấm nước mưa. Nhà vua giận dữ vô cùng, nhưng ngài lại nghĩ đó là hành động xấu xa của mấy con chó ở ngoài cung nên đã ra lệnh giết hết lũ chó trong kinh thành. Lũ chó phải trốn chui, trốn lủi rất khổ sở bèn đến nghĩa địa cầu xin một con chó khôn ngoan tên là Tài Trí.

Bằng sự dũng cảm của mình, Tài Trí đã lẻn vào cung, nói rõ cho nhà vua biết chân tướng sự việc, đồng thời hiến kế vạch trần những kẻ phạm tội. Đức vua nhận ra lỗi lầm, nên từ đó không sát sinh bừa bãi nữa. Những con chó ngoài cung điện cũng vì thế mới có cuộc sống yên bình.

Khi lời Phật dạy hòa cùng câu chuyện cổ

Các câu chuyện trong bộ Cổ tích tiền thân đều được kể lại từ các tích truyện Phật giáo trong Tiểu bộ kinh, hay còn được biết đến dưới cái tên khuddaka-nikāya. Tiểu bộ kinh là bộ thứ 5 trong tổng số 5 Bộ kinh của Kinh tạng. Nhằm răn dạy chúng sinh về tình yêu thương, lẽ khoan hòa và vị tha.

Tác giả Nguyên Hương tâm sự: khi đọc kinh sách và các trang mạng Phật Pháp, cô gặp được nhiều truyện cổ tích hay. Khi tìm hiểu về từ ngữ khó hiểu trong truyện này, lại dẫn dắt tác giả đến câu chuyện khác. Cứ thế, Nguyên Hương đã tìm thấy miền cổ tích Phật giáo tuyệt vời.

Đã có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi lấy cảm hứng từ những lời răn của Phật.

Những câu chuyện tuy giản đơn của nhà Phật dạy trẻ nhỏ nhiều điều hay về đạo làm người, cách xử thế và quan trọng nhất vẫn là phải sống biết yêu thương và ban phát tình yêu đó cho cuộc đời. Trước hết, hãy yêu kính cha mẹ, nhường nhịn anh em và đối xử hòa nhã với mọi người xung quanh. Làm người phải chính trực, công bằng, biết giúp kẻ yếu và dũng cảm đối mặt với cường quyền.

Nhà văn Nguyên Hương đã mang lại sự sống động, chân thực và mới mẻ cho những câu chuyện cổ tích Phật giáo. Lời răn của Đức Phật trở nên gần gũi với con trẻ qua những “ngày xửa ngày xưa” hay “khu rừng nọ”. Đọc bộ Cổ tích tiền thân của nhà văn Nguyên Hương, chúng ta thấy được mối lên hệ của nó với truyện cổ tích dân gian hay truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi.

Thế nhưng, không khí Phật giáo vẫn không mất đi bởi sự xuất hiện của những cái tên quen thuộc như: vương quốc Kim Cương, vương quốc Pháp Hoa. Chỉ vài cái tên đó thôi, cũng đủ thấy được sự sáng tạo tài tình cũng như tâm huyết mà tác giả dồn vào ngòi bút. Chị đã mang những lời dạy của nhà Phật đến gần hơn với con trẻ một cách thật tài tình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật