Bộ vật phẩm “Tứ linh hội tụ“: Trần tình của một “tội đồ“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dùng chữ “tội đồ” khi đề cập đến một người chưa hề bị bất kỳ một phiên tòa nào kết tội chắc chắn là hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên, đó lại chính xác là từ mà nhân vật tự nhận khi nói về “góc chết“ mà mình đang bị đẩy vào.
Bộ vật phẩm “Tứ linh hội tụ“: Trần tình của một “tội đồ“
Bộ "Tứ linh" được rước từ Bắc vào Nam với đầy đủ lễ nghi tâm linh...

Chủ  nhân danh tiếng và tai tiếng của bộ “Tứ linh hội tụ” - điểm nhấn của phiên đấu giá trong “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung” diễn ra tối 11/11/2010 Võ  Ngọc Hà đã tìm  đến Chuyên đề ANTG để gửi lời trần tình. Hà đã phải kêu lên: “Cứu với! Chúng tôi đã bị dồn đến chân tường! Phá sản mất!”.

Đo "giá trị văn hoá - nghệ thuật" bằng "định lượng của dạ dày"

"Đại gia", "giang hồ" ở đâu, khi nào thì không biết, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi thì Võ Ngọc Hà, 32 tuổi lại mang dáng vẻ lo lắng, sợ sệt của một thằng bé đã và sẽ tiếp tục bị... ăn đòn. Hà không đi một mình mà được mẹ, bà Đỗ Thị Hoa dắt đến.

Suốt hơn một tháng qua, phiên đấu giá từ thiện "ảo" đã  trở thành tâm điểm săm  soi, chỉ trích  của báo chí và dư luận. Dĩ nhiên, là chủ  nhân của bộ vật phẩm "điểm nhấn" với cái giá trên trời 47,9 tỉ đồng, Võ Ngọc Hà trở thành một trong những cái tên bị mổ xẻ nhiều nhất, lên án nặng nề nhất.

Cái giá hoang tưởng, sau đó bị "xù" của bộ "Tứ linh" đã khiến nhiều tờ báo vào cuộc nhắm đến một mục tiêu ngược chiều: tìm giá trị và giá thật của món đồ danh tiếng - hoặc tai tiếng. Có chuyên gia cho rằng, đích thực đó chỉ là một bộ gỗ lũa - gốc, rễ cây có hình thù lạ, có giá trị... trang trí, giá hợp lý  vào khoảng 30 triệu đồng! Không chỉ võ đoán, người ta đã cất công tìm ra được "xuất xứ thật" của "Tứ linh" để công khai lên báo. Theo đó, chuyện Võ Ngọc Hà tốn công tìm kiếm và nhờ cơ duyên đã sở đắc được bộ "Tứ linh" đủ mặt long, ly, quy, phượng chỉ  là chuyện tô vẽ cho thêm phần huyền bí, không ngoài mục đích biến "mớ củi khô" thành báu vật để "làm giá".

Thực tế, Võ Ngọc Hà đã mua được chúng với những cái giá "cực bèo". Con rồng (long) được xác định là mua của ông Nguyễn Văn Linh, chủ cơ sở đá cảnh Linh Duy ở thôn 8, xã Liên Đầm, huyện Di Linh, Lâm Đồng, giá  chỉ có 3 triệu đồng. Ba vật ly, quy, phượng còn lại được mua của ông Trần Văn Tuấn, một cơ sở thu mua tận thu gốc cây tại xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc, cùng tỉnh. Bộ 3 con vật  này  được Hà mua chung trong đợt hàng 5,6 bộ gốc rễ lũa có hình thù các con vật với giá  tổng cộng 16 triệu đồng. Trong đó, do hình thù gần giống hơn cả, bộ rễ hình rùa có giá cao nhất là 10 triệu đồng. Những thông tin này được anh Vũ, con trai của ông Tuấn cung cấp.

Và theo điều tra của tác giả các bài báo thì sau đó Võ Ngọc Hà đã bỏ thêm 5-10 triệu đồng gì đó  để thuê và trực tiếp gia công, chỉnh sửa cho các bộ gốc rễ gần giống hình thù các linh vật hơn. Tóm lại, giá thành của chúng gần như không đáng gì, còn cụ thể là bao nhiêu bạn  đọc tự  làm phép cộng!

Nhăn nhó và khổ sở, Võ Ngọc Hà cho rằng "người ta đang cố hạ bệ tôi, dìm giá bộ "Tứ linh" xuống đáy". Hà cho rằng, do đam mê chơi gỗ lũa, đá cảnh nghệ thuật, anh ta  đã mua khá nhiều thứ. Riêng bộ "Tứ linh" thì "không mua của ai cả, mất rất nhiều công sức, nhiều năm trời mới tự mình tìm được". Để chứng minh, Hà có trong tay 2 tấm giấy xác nhận của cả hai  ông Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Tuấn "cam đoan trước Pháp Luật" là "không hề bán một vật phẩm nào trong bộ “Tứ linh” cho Võ Ngọc Hà". Gay cấn hơn, giấy xác nhận của ông Trần Văn Tuấn còn mở ngoặc thêm rằng, "cháu  Vũ (tức "anh Vũ" từng trả lời trên báo - NV) tên thật  là Vũ Linh Xinh, 14 tuổi, cháu bị bệnh tâm thần có sổ ngoại trú nên cháu phát ngôn  với các cơ quan báo chí không được chuẩn"(!)

Chuyện người mua - Phan Văn Đạt, đại diện Công ty gốm sứ Bảo Long Bát Tràng là... chân gỗ, Võ Ngọc Hà giãy nảy: "Tôi  đâu  có ngu đến mức bỏ tiền mình ra mua của mình để rồi nghe chửi. nếu ông Đạt "chân gỗ" cho tôi, sau đó tôi lấy tiền đâu để nộp cho Ban tổ chức?".

 

... nhưng chủ nhân của nó vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ của những giấy xác nhận phàm tục để chống búa rìu dư luận.

Quá phức tạp khi cả đôi bên nguyên - bị đều khẳng định là đủ chứng cớ. Không phải quan tòa, chúng tôi sẽ không tự ý phân định, kết luận ai đúng ai sai. Nhưng về khái niệm giá và giá trị của món đồ, rõ ràng cách đánh giá của cả đôi bên đều cực đoan rất đáng phải bàn. "Giá gốc" 1 triệu USD Võ Ngọc Hà đưa ra mang quá nhiều "ao ước" so với giá trị thực tế. Pháp nhân đại diện (Công ty truyền thông ASEAN C&C) tự ý giành thêm phần cho mình 1 triệu USD nữa là quá hão huyền, tự đánh giá quá cao nghề buôn nước bọt. Lại nữa, người mua trả  cái giá 47,9 triệu đồng  rõ ràng là quá tầm phào, sau đó "bỏ của chạy người" lại càng là trò hề đáng lên án.

Đã đành, nhưng việc "ý kiến chuyên gia" căn cứ vào giá "nguyên liệu đầu vào" (nếu giả sử Võ Ngọc Hà mua chứ không tự tìm) để định giá bộ "Tứ linh" chỉ đáng giá vài ba chục triệu  đồng rõ ràng cũng có nhiều điểm khá chối tai. Bởi lẽ chí ít, số gỗ lũa nói trên đã được tạo tác thành tác phẩm nghệ thuật. Nó đã được Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng cử làm đại diện của tỉnh tham dự  một số cuộc thi đã giành 4 giải thưởng của 4 đơn vị tổ chức là TP Hà Nội - Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông, Trung tâm Nghiên cứu kinh dịch Đông Nam Á và Trung ương Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam. Giấy chứng nhận "xuất sắc" cho vật phẩm dựa trên các tiêu chí: tự nhiên, tác phẩm nghệ thuật độc nhất không có phiên bản và ý nghĩa tinh thần, tâm linh của nó.

Tóm lại, vật phẩm thô mộc đã thay lốt thành tác phẩm nghệ thuật. Được khoác thêm bộ cánh tinh thần, giá trị và giá của chúng cố nhiên phải được nâng cao. Bao nhiêu có lẽ là con số phụ thuộc vào ý thích và khả năng của người muốn mua, chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào hai yếu tố... kích thước và cân nặng như đi mua củi. Có được nhờ mua hay tìm không phải là chuyện quan trọng. Quá hăng say chỉ trích, một phần công luận đã mài vuốt nhọn theo hướng cực đoan quá trớn. Yếu tố văn hóa  bị loại bỏ hoàn toàn bởi những tiêu chuẩn  đói  no  của  chiếc dạ dày!

Kỳ  quá! Ai lại thế!

"cáo trạng" của "phiên toà" không chánh án

Là "tội đồ" trước dư luận và công luận, Võ Ngọc Hà cũng như tất cả các pháp nhân có liên quan đến vụ scandal đấu giá ảo đều bị lôi ra "luận tội". Nhưng ngay từ đầu, trách nhiệm của các bên liên quan đến phiên đấu giá đều không hề nằm trong  khoản chế tài Pháp Luật nào cả. "Phiên tòa" xử họ không có ai chủ tọa, chỉ gồm toàn... luật sư cho cả đôi bên nguyên và bị. Sau ào ạt "cáo trạng", rất nhiều "cáo trạng", tất nhiên sẽ là vô số lời bào chữa.

"cáo trạng" dành cho Võ Ngọc Hà, được thể hiện trên nhiều bài báo đã đề cập  đến rất nhiều "tiền án, tiền sự" chưa được kiểm chứng và không có hồ sơ lưu. Hà bị "cáo buộc chủ mưu" cho 3 đệ tử là vệ sĩ của Công ty vệ sĩ Sơn Long  mà anh ta  là Tổng giám đốc giàn cảnh ăn trộm 1 viên đá quý của anh Đoàn Giàu ở khu phố 8, thị trấn Di Linh, Lâm Đồng. Kế đó, anh ta lại bị đề cập  đã ăn chặn tiền lương của nhân viên, sau đó thuê côn đồ chém một nhân viên cũ là ông Nguyễn Văn Hạnh ở P.10, TP Đà Lạt. Do giỏi võ, ông Hạnh đã tước được dao, bắt được thủ phạm. Ghi nhận trên một bài báo, đối tượng  này (tên là Út Hiền) đã "khai" được Hà thuê 5 triệu đồng, với yêu cầu là "phải cho ông Hạnh nằm viện".

Nghiêm trọng hơn, Hà còn bị báo chí mô tả: từng ra lệnh "chúng mày giết chết  nó cho tao", sau đó chỉ huy 6 nhân viên xông vào đánh trọng thương một cựu nhân viên tên là Lý A Mành khi anh này cả gan đến đòi số tiền lương mà "ông chủ Hà" còn nợ. Sau khi nằm viện, anh Mành đã làm đơn tố cáo gửi Công an P.6, TP Đà lạt nhưng "vẫn không được giải quyết".

Vẫn chưa hết, Võ Ngọc Hà còn "bị tố cáo" ăn chặn 5,7 triệu đồng tiền lương của một nhân viên khác là Nguyễn Thanh Quốc Sinh; thêm chuyện lừa tình,  lừa tiền 2 cô gái tên H và P nào đó (bài báo ghi tắt) ở TP HCM  và Bảo Lộc. H mất hàng trăm triệu và P bị Hà lấy 40 triệu đồng. Sau hàng loạt vụ "hành xử tàn nhẫn, vô đạo đức" thì "đến nay Võ Ngọc Hà vẫn nhởn nhơ, sống coi thường pháp luật" (!)

Rõ là quá nghiêm trọng. Chủ nhân bộ “Tứ linh” tai tiếng được mô tả như một tay anh chị "xã hội đen". Dáng dấp  Hà trong những tấm ảnh đi kèm cũng khá "ngầu", càng  khiến tính chất "xã hội đen" tăng nặng!

Võ Ngọc Hà trước sau chỉ biết kêu trời. Chính anh ta cũng thừa nhận, nếu chỉ cần một trong số những lời tố cáo là đúng sự thật, chắc chắn anh ta đã ngồi trong tù chứ không có thời gian để đưa vật phẩm đi  đấu giá, rước về "muôn trùng thị phi".

Theo Hà, đúng là anh ta có đến nhà anh Đoàn Giàu để mua gỗ, đá nhưng hoàn toàn không biết chuyện anh Đoàn Giàu có hay không viên đá quý. Và "nếu thật là đá quý trị giá tiền tỉ, chẳng ai  lại để khơi khơi ở nhà ngang, nơi khách  khứa có thể thoải mái ra vào". Do gỗ, đá Hà mua khá cồng kềnh và nặng, Hà đã gọi một số người làm nghề xe ôm, bốc vác ở ngoài vào, thuê họ bốc dỡ lên xe. Thuê thì trả tiền, xong là xong, anh ta không nhớ họ là ai. Họ cũng không phải vệ sĩ trong công ty của Hà.

Ba ngày sau, anh Giàu có tìm hỏi, có ý nghi Hà lấy mất viên đá. Cơ quan Công an cũng có mời nhưng vì không hề có dấu hiệu liên quan nên vụ việc thôi không được đề cập. Hà khẳng định: "Khó có thể tin thật sự có vụ mất trộm viên đá quý trị giá 1 tỉ đồng. Nếu có vụ trộm tài sản có giá trị lớn như thế, Cơ quan Công an sẽ không dễ dàng xếp vụ việc vào quên lãng, nhất là khi sau 6 năm (vụ việc xảy ra năm 2004), báo chí lại dễ dàng chỉ ra đích danh các thủ phạm. Cáo buộc như vậy coi thường Cơ quan Công an quá!".

Tất cả các vụ việc khác liên quan đến cô P, cô H, tên giang hồ Út Hiền, cựu nhân viên Nguyễn Thanh Quốc Sinh, Hà cho rằng đều chỉ là do  một số đối tượng nào đó phao lên, đồn đãi để đẩy Hà và công ty của anh ta xuống đáy ô danh. Một kiểu "té nước theo mưa" nhân cơ hội Hà đang vướng vụ scandal từ thiện. Bởi lẽ, tất cả những nhân vật được nêu đều không hề tồn tại, bản thân Hà chưa một lần nghe tên. Riêng 2 cựu nhân viên Lý A Mành và Nguyễn Văn Hạnh là có thật, đều bị công ty sa thải nên có thể nói xấu hoặc bị xúi giục, lợi dụng.

Nhân vật Lý A Mành tìm đến công ty gây gổ với bảo vệ, bị một nhân viên khác là Nguyễn Đăng Xuân đánh lại. Vụ việc không hề chìm xuồng. Công an P.6, TP Đà Lạt đã xử lý, phạt hành chính và buộc nhân viên này phải bồi thường tiền thuốc men cho Lý A Mành. Tất  cả hết hơn 3,5 triệu đồng, công ty đã đứng ra chi trả, biên lai nộp phạt, hóa đơn viện phí vẫn còn lưu. Bản thân anh Mành cũng đã cam kết không khiếu kiện.

Riêng vụ thuê côn đồ "mưu sát" ông Nguyễn Văn Hạnh, Võ Ngọc Hà gọi là "sự bịa đặt trắng trợn". Đã tước  được dao, bắt được hung thủ, hẳn bất cứ người bị hại nào cũng sẽ giao ngay  đối tượng cho luật pháp xử lý để lôi kẻ chủ mưu, thuê mướn ra trừng trị. Ông Hạnh hà tất lại thả cho đối tượng đi để rồi gần cả năm trời sau  mới đứng ra tố cáo?

Cho rằng bị một số đối thủ, người có mâu thuẫn tìm cách dựng chuyện, bịa chuyện tố cáo vô căn cứ với báo chí, Võ Ngọc Hà đánh giá là anh ta đang chịu tổn thất rất lớn cả vật chất lẫn tinh thần. Cuối năm, một số hợp đồng bảo vệ đã bị khách hàng hủy bỏ hoặc không tái ký. Hà bảo:  "Không ai muốn thuê một công ty cả chủ lẫn nhân viên toàn "xã hội đen" làm bảo vệ cho mình. Bộ mặt, tư cách  của tôi và công ty đang bị bôi nhọ, thành ra quá xấu. Vực thẳm phá sản, công ty của tôi đã đặt chân bên mép".

Không có sự phán xử của luật pháp, hệ lụy của "trò đùa từ thiện" vẫn còn đeo bám  và trừng phạt những người có dự phần. Với Võ Ngọc Hà, cái giá cho việc muốn nhờ từ thiện để nổi danh, cho bản thân và cho công ty xem chừng quá đắt. Không biết những trò đùa, sự lợi dụng, lạ‌m dụn‌g danh nghĩa từ thiện có rút ra điều gì từ vụ này mà giảm bớt hay không?.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật