Vợ chồng Ngâu tuổi xế chiều

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuối tuần, ông An ở Chương Mỹ, Hà Tây, sốt ruột đi ra đi vào, đợi vợ về. Tuy đã hơn 50 tuổi nhưng ông bà vẫn phải sống cảnh "vợ chồng Ngâu" vì con dâu mới sinh và bà Hậu phải đi chăm cháu.
Vợ chồng Ngâu tuổi xế chiều
Các bà ra thành phố, các ông chia sẻ với nhau bằng ván cờ, chén trà. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông An, bà Hậu có ba người con thì cô cả và cô út đều lấy chồng xa. Anh con trai ông bà làm việc ở Hà Nội nhưng vợ lại công tác ở Hòa Bình. Vì vậy, sau 4 tháng nghỉ đẻ, con dâu đi làm lại thì bà Hậu cũng khăn gói theo giúp chăm cháu. Cứ đến cuối tuần, khi con trai được nghỉ, về Hòa Bình thăm vợ con thì bà Hậu cũng xách túi ra bến xe để về với ông.

"Tôi say xe lắm, tuổi mình đi lại nhiều cũng mệt nhưng cứ nghĩ đến cảnh ông ấy thui thủi một mình mà không đành lòng", bà Hậu tâm sự.

Lúc mới xa nhà, bà cả ngày cứ thui thủi và thấy trống vắng lắm vì hàng xóm thì chưa quen, con dâu đi cả ngày, trưa, tối mới về. Không những thế, bà còn lo không biết ông ở nhà có biết tự chăm sóc mình rồi đêm hôm dậy nhỡ ngã hay đau ốm thì biết kêu ai.

Ở nhà, ông An sáng vẫn đi dạy học, trưa về có khi chẳng buồn thổi cơm, lại ăn tạm gói mì. Trong thôn, cũng có mấy ông bạn già có vợ lên thành phố chăm con, cháu như ông, thỉnh thoảng hay qua lại chơi với nhau nên cũng đỡ buồn. Hồi còn trẻ, ông đã phải đi công tác xa nhà. Mấy năm nay được về làm việc ở huyện, ông bà mới có nhiều thời gian trò chuyện, chăm sóc nhau. Vậy mà bây giờ lại mỗi người mỗi ngả, ai không chạnh lòng.

Tuy vậy, ông bà chẳng bao giờ than thở với con cái một câu. "Giờ để chúng nó thuê người thì vừa tốn, vừa không an tâm, thôi thì mình cố gắng một tí, còn giúp được con cháu nghĩa là còn có ích”, ông bà đều nghĩ vậy.

Còn bà Châu, ông Thạch hơn 60 tuổi ở Thái Bình cũng đã xa nhau gần 10 năm nay. Chả là, muốn con thành đạt, thoát khỏi cái nghèo ở quê nên họ đầu tư cho cả ba cậu con trai lên Hà Nội, người đi học, người đi làm. Lo các con ăn ở không đảm bảo, tuổi trẻ dễ nhiễm tệ nạn xã hội, bà Châu bàn với chồng để mình lên thành phố vừa chăm con vừa buôn bán thêm gánh rau, cân quả. Ông Thạch ở nhà còn vướng vườn tược, nhà cửa rồi lo cúng giỗ, công việc trong họ, ngoài thôn.

Từ đó, bà Châu hết lo cho con đi học, đi làm rồi anh cả, anh hai lần lượt lấy vợ, sinh con, bà lại quay sang chăm cháu nên thi thoảng mới về với ông.

"Bình thường thì không sao, bởi ở quê, tình làng xóm thân thiết, con gái, con rể vẫn thường qua thăm nom nhưng những lúc ốm đau thì nghĩ cũng cực, nhờ các con thì ngại mà chẳng dám gọi điện, sợ bà ấy lại lo", ông Thạch bày tỏ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa tâm lý, Đại học sư phạm Hà Nội, hiện nay, nhiều thanh niên, cặp vợ chồng trẻ người ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp muốn sống tự lập nhưng lại chưa thể tự lo mọi việc nên rất cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Và vì thế, hiện tượng những đôi vợ chồng già phải xa nhau, người ở quê, người lên phố không hề hiếm gặp. Họ coi đó là một giải pháp tình thế khi con cái chưa có điều kiện thuê người giúp việc cũng như đón cả bố và mẹ ở cùng.

Tuy nhiên, người già xa nhau cũng lắm nỗi niềm. Ở tuổi xế chiều, tình cảm vợ chồng tuy không thắm thiết, đam mê như tuổi trẻ nhưng lại sâu sắc, mang nặng nghĩa tình sau bao năm gắn bó, chia sẻ và thấu hiểu nhau. Thế nên mới có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Người già cũng thường dễ cảm thấy cô đơn, tủi thân, nhu cầu được gần gũi, chuyện trò của họ rất lớn. Chính vì vậy, cảnh sống một mình với người ở lại thường không tốt cho sức khoẻ của họ.

Dù vậy, đa số các ông bố bà mẹ đều sẵn sàng hy sinh những nhu cầu cá nhân để lo cho con cháu.

Nhưng không phải người con nào cũng thấm thía được công ơn đó. Nhiều người coi sự giúp đỡ này như trách nhiệm của đấng sinh thành và thậm chí có người dù không muốn sống chung nhưng lại tận dụng tối đa sự giúp đỡ của bố mẹ, mà thiếu quan tâm đến tâm tư của các cụ.

Như chuyện của anh Đăng, chị Lê ở Trường Chinh, Hà Nội chẳng hạn. Từ khi sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng họ đã đón bà Liên, mẹ anh Đăng lên. Sau đó, bà ở lại chăm sóc cháu, lo cơm nước cho các con đến tận khi con dâu sinh bé thứ hai. Trong khi ấy, ông ở quê, đã về hưu, cũng chỉ biết quanh quẩn ở xóm và chỉ mong đến cuối tháng bà và con, cháu về.

Giờ, vợ chồng anh Đăng đã khấm khá nhưng vẫn quen dồn hết mọi việc cho mẹ, từ cho con ăn, đưa đón chúng đi học đến cơm nước trong nhà. viện có bà, anh túi bụi với công việc rồi nhậu nhẹt bạn bè. Chị Lê cũng đi sớm, về tối, chẳng phải vì công việc, lại ít hỏi han đến mẹ chồng. Bà Liên buồn nhưng không than thở hay đòi hỏi gì vì nghĩ con cái mưu sinh nơi đô thị chắc cũng đủ nhọc nhằn rồi. Nhiều khi nhớ ông, bà chỉ biết gọi điện chuyện trò, rồi lâu lâu "xin phép" con cho về quê mấy hôm.

Theo tiến sĩ Mùi, trước cảnh bố mẹ già phải sống xa cách, con cái nên coi đó là một sự hy sinh lớn để tự cố gắng vì tương lai, biết trân trọng gia đình và ứng xử phải đạo với các cụ. Bên cạnh khao khát con cái được thành công, cha mẹ nào cũng muốn nhận được sự quan tâm, kính trọng của thế hệ sau. Vì vậy, bạn đừng vô tâm với cảm xúc của bố mẹ, nên thường xuyên chăm sóc sức khoẻ, trò chuyện với họ, thể hiện tôn kính và yêu thương. Nếu có thể, hãy tạo điều kiện tốt nhất cho các cụ được ở gần, thường xuyên gặp nhau.

Minh Thùy

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật