’Thần đồng’ 4 tuổi biết đọc tiếng Anh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đọc vanh vách chữ trên TV, cả những chữ viết cách điệu rất khó nhận dạng, bé còn có khả năng nhìn hình vẽ và đọc tên các con vật trong hình bằng tiếng Anh. Tài sản riêng của bé chỉ toàn sách vở, tranh ảnh, không có đồ chơi như của bao đứa bé khác.
’Thần đồng’ 4 tuổi biết đọc tiếng Anh
Cháu Hoàng Anh.

“Thần đồng” mà chúng tôi nhắc đến ấy là bé Vũ Hoàng Anh, sinh ngày 12/10/2003. Anh Khánh, bố cháu Hoàng Anh, hướng dẫn đường đến nhà anh, một cái địa chỉ dài ngoằng.

Khi đến, bé Hoàng Anh đang ở nhà với ông bà nội và người bác gái, chị của bố cậu. Dù có người lạ, nhưng Hoàng Anh không tỏ ra lạ, chào hỏi xong lại quay ra chơi, nghịch và... đọc chữ. Bất ngờ chiếc điện thoại để trên bàn đổ chuông. Chưa kịp cầm máy thì Hoàng Anh đã lao tới, tay cầm máy, mắt nhìn màn hình, bé hô to: “Chí Long”. Nhìn vào màn hình điện thoại, đúng là tên một đồng nghiệp cùng cơ quan đang gọi tôi. Cuộc nói điện thoại vừa kết thúc, Hoàng Anh lại đòi máy và lần này cậu đọc to dòng chữ trên màn hình: “Thứ tư, ngày 14/11/2007”.

Bà Nguyễn Thị Sáu, bà nội của Hoàng Anh, cho biết, anh Khánh, bố Hoàng Anh, đi làm chưa về và mẹ của cháu thì công tác tận Cao Bằng, nửa tháng mới về với con mấy ngày cuối tuần. Hoàng Anh đang là học sinh lớp B4, trường mầm non Tuổi Hoa (Giảng Võ). Hai tuần nay, cháu phải nghỉ học ở nhà vì bị viêm họng.

Từ khi mới được 20 ngày tuổi, mẹ Hoàng Anh đã phải đi công tác xa. Từ đó đến nay, rất ít khi bé được ở với mẹ trong thời gian dài. Mẹ Hoàng Anh là chị Hoàng Thị Mơ, 29 tuổi, làm ở Công an tỉnh Cao Bằng, vì công việc, chị phải xa gia đình để con cho ông bà và chồng chăm sóc.

Không cần bất kỳ sự hướng dẫn nào, Hoàng Anh cầm quyển sách lớp 1 lên đọc. Rõ mồn một, kể cả những đoạn khó như lời giới thiệu sách, cậu cũng đọc vanh vách mà không cần đánh vần một chữ nào. Bà nội cậu vừa tự hào, vừa lo lắng cho biết, Hoàng Anh vốn rất chậm nói. Hơn 2 tuổi, cậu vẫn chưa biết nói. Thế mà khi vừa nói được, cậu nhìn chữ nào cũng đọc rõ ràng chữ đó. Điều đáng nói là cả nhà chưa ai từng dạy Hoàng Anh chữ nào. Tất cả đều là tự nhiên.

Không chỉ vậy, Hoàng Anh còn tự đọc được nhiều từ tiếng Anh khá khó. Trong các vật dụng của cháu có một bảng in hình các con vật và tên của chúng được viết bằng hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Việt.

Trước mặt chúng tôi, Hoàng Anh cầm bảng này đọc tên từng con vật bằng tiếng Anh một cách khá rõ ràng. Giọng con trẻ ngây thơ, nhưng phát âm rất rành rọt các từ tiếng Anh tên của con hươu cao cổ (zebra), gấu (bear), hổ (tiger), voi (elephant) và thậm chí cả con cá sấu (crocodile)...

Quả thực, đến tận lúc này, tôi vẫn hoài nghi khả năng của Hoàng Anh. Biết đâu đó chỉ là trí nhớ của bé trên những tài liệu, sách vở đã có. Phải có cái gì đó ngẫu nhiên thì mới so sánh được. Đúng lúc cháu đang đọc tiếng Anh, tiếng Việt, bất ngờ trên màn hình TV đến phần giới thiệu chương trình sắp phát sóng. “Vinh quang nhà giáo Việt Nam” giọng Hoàng Anh vang lên một cách đầy thản nhiên, khi cậu bé nhìn thấy dòng chữ ấy trên TV.

Ngay sau đó, VTV3 phát đi bài hát “Chiều Matxcơva” thì bé cũng đọc được nguyên dòng chữ khó này, dù chữ được viết rất cách điệu. Đưa cho Hoàng Anh cầm tờ giấy khai sinh của chính cậu, Hoàng Anh đọc được hết, kể cả dòng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bà Sáu cho biết thêm, Hoàng Anh đặc biệt thích nghe bản tin tiếng nước ngoài trên vô tuyến. Không biết cháu có hiểu gì không nhưng khi nghe thì rất chăm chú, tưởng như không bỏ sót chữ nào.

Anh Khánh, bố Hoàng Anh, cho biết, đến tận 2 tuổi rưỡi, con anh mới biết nói câu đầu tiên, nhưng đó lại là câu “không giẫm lên cỏ” được ghi ở công viên, nơi hai vợ chồng anh đưa cháu đi chơi. Ngày bé, nhìn thấy các tấm bảng này, Hoàng Anh cứ chỉ trỏ như muốn đọc chữ nhưng không phát âm được, nếu người nhà mở đĩa thì Hoàng Anh phải nhìn chữ trên vỏ đĩa rồi mới đồng ý mở đúng chiếc đĩa mà cậu thích.

“Cháu xa mẹ từ bé, nên ở với tôi và ông bà nội. Bây giờ “lớn” rồi thì ăn uống như mọi người. Có gì ăn nấy, vả lại nhà tôi cũng chẳng giàu có gì nên cháu cũng chỉ ăn uống những thứ bình thường. Cháu bú sữa mẹ đến 17 tháng tuổi. Trong 17 tháng ấy, Hoàng Anh chỉ bú mẹ, ăn vặt linh tinh, dứt khoát không ăn dặm. Nhà ông bà ngoại ở Cao Bằng, nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt (ông bà là người dân tộc Nùng). Nhiều người bảo con tôi đặc biệt vì dùng thuốc của người dân tộc là không đúng bởi khi còn nhỏ, cháu có về chơi bên ngoại vài tháng. Ông bà ngoại cũng chỉ tắm cho cháu bằng lá rừng cho mát da, mát thịt chứ có cái gì đặc biệt cho ăn đâu. Bây giờ, sáng cháu ăn cháo, hoặc mì tôm rồi đến lớp ăn khẩu phần bán trú ở trường. Tối về ăn cơm cùng cả nhà”, Anh Khánh kể.

Xét về góc độ học vấn, bố mẹ Hoàng Anh cũng hoàn toàn bình thường như nhiều người khác. Anh Khánh từng tham gia quân ngũ, học nghề hệ trung cấp. Còn chị Mơ thì “công an nòi” bởi bố chị cũng là công an. Bản thân chị mới tốt nghiệp chuyên tu Học viện An ninh được 2 năm, sau khi đã tốt nghiệp hệ đào tạo trung cấp an ninh.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu, chủ nhiệm lớp B4, trường Mầm non Tuổi Hoa, Giảng Võ nơi bé Vũ Hoàng Anh đang học, cho biết: “Tôi làm cô giáo mầm non đã 11 năm nhưng trường hợp của em Hoàng Anh đúng là thần đồng.

Năm trước, khi còn ở lớp 3 tuổi tôi đã phụ trách nuôi dạy cháu. Nhìn chung sinh hoạt biểu hiện của cháu đều bình thường, nhưng Hoàng Anh không sợ cô giáo như các bạn khác. Ví như, đang nghịch nước, các bạn khác bị cô nhắc liền thôi chơi nhưng Hoàng Anh thì không, cháu tiếp tục vặn nước cho to hơn.

Cuối năm lớp 3 tuổi, một lần bố cháu đến hỏi tôi xem ở lớp có dạy chữ cho cháu không, tôi trả lời ngay rằng vì ở cấp học mầm non nên các cháu chỉ được hướng dẫn chơi, học thuộc lòng một số bài hát trẻ con... chứ chưa được dạy chữ. Thật ngạc nhiên bởi vì trên lớp, khả năng ngôn ngữ của cháu không phải là tốt, thậm chí cháu ít nói, có nói cũng không rõ ràng cả câu".

(Theo giadinh.net)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật