“Con kiến kiện củ khoai”?

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các vụ doanh nghiệp nói kiện cơ quan hành chính còn được nhìn nhận theo quan niệm dân gian là hành vi “con kiến kiện củ khoai”
“Con kiến kiện củ khoai”?
ảnh minh họa

Những vụ kiện điển hình:

Vụ kiện về một quyết định hành chính của UBND tỉnh xảy ra tại tỉnh Hà Giang, kéo dài hơn 3 năm qua, do Công ty TNHH Sông Lô là bên khởi kiện. Kết thúc vụ kiện là một phán quyết: Ngày 14/9/2007, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên huỷ quyết định thu hồi dự án đã giao cho Công ty TNHH Sông Lô của UBND tỉnh Hà Giang.

Nhưng sau hơn 1 năm, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc chấp hành quyết định Tòa án của UBND tỉnh Hà Giang vẫn chưa nhúc nhích. Ngày 18/7/2008, Văn phòng Chính phủ đã phải yêu cầu thanh tra Chính phủ, một số bộ có liên quan cùng UBND tỉnh Hà Giang giải quyết dứt điểm việc thực thi bản án trên.

Cùng thời gian trên, tại một số địa phương phát sinh một vài vụ kiện khác:

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây khiếu kiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc cấp Giấy Chứng nhận đầu tư sai quy định.

Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Long An nộp đơn kiện, yêu cầu tòa án hủy văn bản số 1600/UBND-KT của UBND tỉnh Long An cho phép Công ty Tân Lợi Lợi chuyển nhượng 24,9 ha đất dự án trong cụm công nghiệp Long Cang - Long Định trong khi chưa hòan thành nghĩa vụ tài chính với các bên có liên quan.

Công ty Sơn Dũng Bảo (TP.HCM) khởi kiện UBND tỉnh Phú Yên vì đã thu hồi dự án Khu du lịch sinh thái, resort Bãi Môn – Mũi Điện và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách đột ngột, không tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục pháp luật…

Đến nay, chưa có thông tin gì thêm kết quả cuối cùng về việc thi hành bản án. Nhưng dẫu sao, việc một công ty đã có ý chí có thể thay đổi hoặc bác bỏ một quyết định sai trái của cơ quan công quyền Nhà nước đã gợi lên hy vọng về một xã hội, trong đó, mọi tổ chức và công dân đều bình đẳng trước pháp luật, doanh nghiệp không phải là "cấp duới", chịu sự "ban ơn" của cơ quan công quyền.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL.

…Và mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết: Doanh nghiệp chuẩn bị khởi kiện văn bản số 6986 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi trái pháp luật toàn bộ diện tích nhà và đất 11 căn biệt thự thuộc giai đoạn II dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng của HAGL.

Ngày 6/9/2010, ông Đức cho biết đã gửi cho Thủ tướng Chính phủ một văn bản tố cáo một số hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Tòa tuyên nhưng khó thi hành, vì sao ?

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/7/1996 và đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và năm 2006 để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Cho đến nay, căn cứ pháp lý để cơ quan tòa án xét xử các vụ tranh chấp, khiếu kiện về hành chính mới chỉ ở mức Pháp lệnh kể trên, Luật tố tụng hành chính vẫn đang được xây dựng chờ Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Mặc dù đã có quyết định của Tòa hành chính, nhưng do khung pháp lý chưa đầy đủ nên hầu như việc thực hiện và chấp hành phán quyết của tòa án vẫn chưa đủ điều kiện thi hành. Đặc biệt đối với những bản án mà trong phần tuyên thi hành có trách nhiệm bồi thường vật chất thì thường cơ quan hành chính không có khả năng thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, việc kiện hoặc khiếu nại chủ yếu do họ bị thiệt hại về tài chính, cơ hội kinh doanh. Hơn thế, đối với những công ty đã niêm yết như Tập đoàn Hoàng Anh Gia lai, việc đưa sự việc ra tòa xét xử còn nhằm “cáo bạch” với cổ đông về nguyên nhân gây nên sự thiệt hại của công ty, khẳng định lỗi không thuộc về năng lực điều hành của Ban giám đốc; Hội đồng quản trị.

Một số vụ kiện, bên thắng kiện cũng phải “bằng lòng” về tinh thần, còn những giá trị vật chất bị thiệt hại hoặc mất đi hầu như không hy vọng có giải pháp nào có thể khắc phục lại được. Có doanh nghiệp sau khi thắng kiện cũng từ bỏ luôn cơ hội kinh doanh, đầu tư do không đủ kiên nhẫn theo đuổi tiến trình thi hành bản án.

Ý kiến của Luật gia:

Xung quanh vấn đề này, luật gia Trần Quang Vũ, Chủ tịch công ty quốc tế An Pha (IAG) nhận định:

“Trong dư luận xã hội nhiều người cho rằng tòa án thiên về bảo vệ cơ quan Nhà nước và quả thật có điều đó. Nguyên nhân do hệ thống luật pháp chưa hòan chỉnh và thiếu ổn định như luật đất đai, luật đầu tư, xây dựng cơ bản.

Ở Nhà nước pháp quyền, chúng ta phải coi các chủ thể trong xã hội khi có xung đột về ý chí, quyền lợi thì đưa nhau ra tòa là cách ứng xử văn minh nhất. Có quốc gia còn có tòa Hiến pháp, căn cứ Hiến pháp để xử các hành vi cơ quan công quyền khi thực hiện vai tổ chức Nhà nước đưa ra quyết định thiếu chuẩn xác.

Hiện nay nhiều hành vi hành chính không chuẩn xác, các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội nên sử dụng quyền khởi kiện hành chính”.

Việc thành lập Tòa hành chính đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách tiến hành chính nhà nước, buộc các cơ quan nhà nước phải tự nâng cao năng lực quản lý và ý thức trách nhiệm, làm cho các cơ quan quản lý hành chính phải thận trọng, cân nhắc hơn khi ban hành một quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính.

(Báo cáo của Bộ T.tư pháp ngày 1/12/2009)


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật