Kế hoạch thống nhất Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thống nhất bán đảo Triều Tiên là vấn đề được chính quyền TT Lee Myung bak nhiều lần đề cập. Nhưng rõ ràng giải pháp cho vấn đề này chỉ phụ thuộc vào một phía.
Kế hoạch thống nhất Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc
TT Lee Myung bak phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm độc lập của bán đảo Triều Tiên

Ngày 15/8, khi đưa ra một kế hoạch dài hạn cho việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự và dũng cảm tạo ra một sự thay đổi. Ông Lee nói: "Đã đến lúc Bình Nhưỡng phải nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm tạo ra một sự thay đổi và đưa ra một quyết định mạnh mẽ".

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách đô hộ của phát xít Nhật (15/8/1945-15/8/2010), Tổng thống Lee Myung bak nhận định, hai miền Triều Tiên "cần vượt qua những bất đồng hiện tại và cùng nhau hướng tới mục tiêu tái thống nhất trong hòa bình".

Tuy nhiên, ông Lee cũng cảnh báo Hàn Quốc sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ phía Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Triều Tiên không nên mạo hiểm thực hiện thêm các hành động khiêu khích. Chúng tôi sẽ không khoan dung nếu họ làm như vậy một lần nữa".

TT Lee Myung bak và phu nhân

Trong bài phát biểu này, Tổng thống Lee Myung bak đã trình bày chi tiết kế hoạch tái thống nhất theo nhiều giai đoạn, bắt đầu là việc thành lập một "cộng đồng hòa bình" sau khi bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân. Bước tiếp theo là đẩy mạnh nền kinh tế của Triều Tiên và thành lập một "cộng đồng kinh tế, theo đó hai miền sẽ hợp tác để hội nhập kinh tế". Cuối cùng, hai miền Triều Tiên có thể "dỡ bỏ bức tường ngăn cách hai chế độ khác biệt" và thành lập một cộng đồng đảm bảo các "giá trị, tự do và quyền cơ bản của con người".

Ông Lee nói thêm: "Thông qua tiến trình này, cuối cùng chúng ta cũng có thể mang lại sự thống nhất, hòa bình cho Triều Tiên".

Quan hệ liên Triều đang được đánh giá là rất tồi tệ

Mặc dù nhấn mạnh rằng "tái thống nhất nhất định sẽ diễn ra, chính vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc và có các biện pháp rõ ràng để chuẩn bị cho tiến trình này", song ông Lee Myung bak lại không nêu ra một kế hoạch cụ thể xem Hàn Quốc sẽ làm thế nào để bình thường hóa quan hệ đang khá căng thẳng với Triều Tiên.

Điều này khiến báo Joongang Ilbo cho rằng chính quyền bảo thủ của ông Lee sẽ tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn với Bình Nhưỡng. Theo các chuyên gia phân tích Hàn Quốc, quan điểm của Tổng thống Lee Myung bak trong bài phát biểu ngày 15/8 không khác so với những gì ông đã đưa ra trong dự án "Phi hạt nhân, mở cửa và thu nhập 3.000 USD" trước đây để thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, mở cửa thị trường.

Chủ tịch Kim Jong il và các tướng lĩnh quân đội

Trong bài phát biểu này, ông Lee cũng đề xuất thu "thuế thống nhất" để trang trải cho các chi phí tốn kém của việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đề xuất này của ông Lee không những không có tác dụng hâm nóng quan hệ đang đóng băng giữa hai miền Triều Tiên, mà có thể còn gây thêm bất đồng vì đây là thời điểm rất nhạ‌y cả‌m đối với Bình Nhưỡng.
 
Chuyên gia Kim Yong-hyun của trường Đại học Dongguk cho biết đề xuất trên của Tổng thống Lee đã ngay lập tức gây ra những tranh cãi trong giới chuyên môn và chính trị gia. Vấn đề này sẽ tiếp tục nóng trong những ngày tới. Theo chuyên gia Kim, đề xuất này khó có thể đem lại sự chuyển biến cho quan hệ liên Triều, có khi còn khiến Triều Tiên hiểu nhầm do quan hệ giữa hai miền hiện rất tồi tệ. Rất có thể Triều Tiên sẽ nghĩ rằng Hàn Quốc đang cân nhắc kịch bản về sự thay đổi đột ngột và khiến Bình Nhưỡng thêm quan ngại về các động thái của Seoul.

Người dân Hàn Quốc phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên "Người bảo vệ Ulchi". Các cuộc biểu tình rầm rộ được tổ chức tại Seoul và nhiều địa phương suốt từ ngày 15/8 cho đến hôm nay.

Giáo sư Yang Moo-jing, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên thuộc trường Đại học Seoul, cũng cho rằng "cần hết sức thận trọng khi đề cập đến vấn đề ’thuế tái thống nhất’ trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang đối đầu nhau. Việc thảo luận về vấn đề này là cần thiết, song cần chú ý đến thời điểm".
 
Giải đáp những quan ngại của giới phân tích, trong một thông cáo báo chí ngày 15/8, Phủ Tổng thống Hàn Quốc nói rằng việc đưa ra đề xuất "thuế tái thống nhất" không dựa trên một sự xem xét đặc biệt nào đối với các diễn biến tại Triều Tiên và đây hoàn toàn chỉ là một mục tiêu lâu dài chuẩn bị cho việc tái thống nhất hai miền. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật