Sau một năm, Luật Bảo hiểm y tế “vênh” thực tiễn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau một năm, một số điểm trong Luật Bảo hiểm y tế, nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật này, cũng như các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ của BHXH Việt Nam vẫn chưa sát với thực tế, làm phát sinh không ít khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện cần được tháo gỡ kịp thời.
Sau một năm, Luật Bảo hiểm y tế “vênh” thực tiễn
Ảnh minh họa
Số người tham gia BHYT chưa đạt yêu cầu
Theo công bố tại Hội nghị tổng kết một năm Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đi vào thực tiễn diễn ra tại Hà Nội sáng 3-8, tính đến tháng 6-2010, tổng số đối tượng tham gia BHYT là gần 53 triệu người, tăng hơn 5,5 triệu người so với quý IV năm 2009. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), mặc dù đối tượng tham gia tăng lên nhưng chưa đạt yêu cầu ở các nhóm đối tượng. Ở khu vực người lao động, việc mở rộng đối tượng còn gặp không ít khó khăn, do chủ sử dụng lao động không đóng BHYT cho người lao động, một bộ phận người lao động còn thiếu hiểu biết về chính sách này.
Công tác phát triển đối tượng BHYT của đối tượng cận nghèo còn phức tạp vì đa số là người có thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn nên không muốn tham gia BHYT mặc dù được hỗ trợ mức đóng BHYT. Thậm chí có địa phương, người dân chỉ phải đóng 20% (ngân sách nhà nước hỗ trợ 80%), nhưng số đối tượng tham gia vẫn thấp. Những khó khăn tương tự như vậy trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.
Việc phát hành thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm, chỉ đạt 70% so với số liệu của Tổng cục thống kê), chủ yếu là do công tác bàn giao giữa cơ quan lao động thương binh xã hội và cơ quan BHXH còn chậm, bên cạnh đó quy trình cấp thẻ tại các địa phương còn nhiều bất cập, do các quy định hướng dẫn nghiệp vụ chồng chéo, ngân sách của địa phương còn thiếu…
Tồn tại nhiều bất cập
Trên thực tế, các công tác về BHXH còn nhiều bất cập sau một năm thực hiện Luật BHYT. Theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện, công tác giám định BHYT ngoài giám sát chi phí như trước đây, giám định viên còn có trách nhiệm đánh giá tính hợp lý của các chỉ định điều trị.
Trong năm 2009 và đầu năm 2010, BHXH đã phát hiện nhiều cơ sở lạ‌m dụn‌g quỹ BHXH hàng tỷ đồng, công tác giám định chưa được chú trọng quan tâm đúng mức. Toàn ngành mới chỉ có 1.800 người làm công tác này (trên thực tế gần gấp ba lần con số trên), trong đó số bác sĩ, dược sĩ đại học chỉ chiếm 40%, còn lại là cử nhân tài chính kế toán, trung cấp y dược.
Việc cung ứng, quản lý, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc BHYT, nhất là trong việc đấu thầu thuốc BHYT tại các địa phương ở tình trạng thả nổi việc chào giá của các đơn vị cung ứng, do vậy chất lượng công tác đấu thầu chưa cao. Bên cạnh đó, việc xem xét giá thuốc trên thị trường và giá thuốc BHYT chưa được quan tâm đúng mức. Ông Phạm Lương Sơn nhận định: “Bức tranh chi trả thuốc BHYT hiện tại rất đa dạng, đang gây một áp lực rất lớn cho cơ quan BHXH Việt Nam”.
Giá thuốc và thanh toán chi phí thuốc BHYT có sự chệnh lệch lớn giữa các địa phương, thậm chí chênh lệch các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng một địa phương. Nguyên nhân trên là do tình trạng nợ đọng tiền thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh với nhà cung ứng thuốc, dẫn đến giá thuốc BHYT phải cộng thêm chi phí vốn và các khoản chi phí khác giúp nhà cung ứng thuốc duy trì hoạt động. Trong khi ngành BHXH chưa đủ điều kiện tham gia thẩm định giá thuốc, vật tư y tế… 
Cần gỡ vướng
Luật BHXH, BHYT ra đời là cơ sở pháp lý cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan BHXH thực hiện có hiệu quả các chính sách. Tuy nhiên sau một thời gian đi vào hoạt động, một số điểm trong Luật, Nghị định và thông tư hướng dẫn, văn bản chỉ đạo chưa sát với thực tế, làm phát sinh không ít khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. 
Ông Trương Văn Quý, Giám đốc BHXH Hải Phòng phản ánh: Trong lĩnh vực BHXH, thông tư số 33 do Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động ban hành từ ngày 25-6-1987 không còn phù hợp trong việc xác định bệnh để hưởng ốm đau dài ngày. Tương tự, thông tư số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH ngày 22-6-1999 về việc hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận nghỉ việc cho người bệnh tham gia BHXH cũng lạc hậu. Việc giải quyết trợ cấp khu vực 1 lần theo Nghị định số 122/2008/NĐ-CP cho các đối tượng có thời gian công tác trong lực lượng vũ trang không ghi rõ địa điểm đóng quân đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn…
Về công tác thu bảo hiểm thất nghiệp, BHXH nhiều địa phương phản ánh, việc xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất là các trường hợp chủ sử dụng lao động không tực hiện đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa phân biệt đúng đối tượng là công chức, viên chức theo quy định hiện hành để đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Nhiều ý kiến cũng đề cập tới vấn đề khó khăn khi tuyên truyền vận động các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách được ngân sách hỗ trợ một phần… do quy định không cho phép cơ quan BHXH hỗ trợ các đại lý thu BHYT một khoản kinh phí như trước đây.
Trong công tác khám chữa bệnh BHYT, việc quy định các trường hợp được hưởng 70% chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng 3, 4 và cơ sở khám chữa bệnh chưa xếp hạng rộng hơn so với quy định gây khó khăn cho việc quản lý, dễ phát sinh lạ‌m dụn‌g, đặc biệt là đối với đối tượng ở cùng giáp ranh giữa các tỉnh đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân của tỉnh khác.
Một số ý kiến đề nghị trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ khi đi khám chữa bệnh thì phải có hướng dẫn rõ việc xác định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đâù để phân quỹ khám chữa bệnh và thanh toán đa tuyến. Quy định thời hạn cho phép sử dụng giấy tờ thay thế để tránh việc sử dụng tràn lan các loại giấy tờ này, gây khó khăn trong công tác thanh toán…
Một số ý kiến khác đề xuất việc phân tuyến khám chữa bệnh BHYT về tuyến y tế cơ sở cần phải có lộ trình, vì nhiều nơi các cơ sở tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của người dân…
Thái Sơn
Kết quả thực hiện cấp thẻ BHYT đến tháng 6-2010:
- Nhóm người lao động: 9.125.000 người
- Nhóm do Ngân sách nhà nước: 7.153.000 người
- Nhóm người nghèo và cận nghèo 14.965.000 người
- Nhóm trẻ dưới 6 tuổi: 8.125.000 người
- Nhóm học sinh, sinh viên: 9.890.000 người
- Nhóm tự nguyện tham gia: 3.703.000 người
Cả nước có 52.961.000 người có thẻ BHYT, bao phủ 62% dân số.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật