Xung quanh việc bồi thường GPMB Quốc lộ 10 qua Kim Sơn: Bất nhất trong cách giải quyết

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đều là diện tích đất có nguồn gốc lâu đời, người dân đang sinh sống ổn định, không có tranh chấp, nhưng khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án thì có hộ được đền bù, có hộ không. Sự khập khiễng trong cách giải quyết của chính quyền huyện Kim Sơn (Ninh Bình) xung quanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) Quốc lộ 10 đã khiến dư luận bức xúc.
Xung quanh việc bồi thường GPMB Quốc lộ 10 qua Kim Sơn: Bất nhất trong cách giải quyết
Nhiều hộ dân bức xúc đâm đơn kiện.

Thu hồi đất sao không đền bù?

Ngày 10/10/2008, Cục Đường bộ Việt Nam có QĐ 2277/QĐ-CĐBVN về phê duyệt đầu tư các tiểu dự án GPMB chuyển cho địa phương thực hiện dự án: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ. Theo đó, ngày 31/12/2009, UBND huyện Kim Sơn có QĐ 5247/QĐ-UBND thu hồi 296.222, 12m2 đất của 764 hộ dân thuộc 11 xọ, trong đó Ân Hoà là 275 hộ với tổng diện tích 38.153m2.

Chủ trương lấy đất phục vụ dự án là đúng, tuy nhiên dân lại không được đền bù dẫn tới khiếu kiện kéo dài. Ông Vũ Văn Thế ở xóm 4 (xã Ân Hòa) cho biết: “Năm 1995, khi cấp GCN QSDĐ, ngành chức năng đã cắt phần hành lang không cấp bìa đỏ cho chúng tôi. Khi chúng tôi hỏi thì được trả lời để làm hành lang, khi nào Nhà nước làm đường sẽ thu hồi và đền bù. Nhưng nay có dự án QL10 thì lại nói với dân là đất hành lang không được đền bù”.

Bà Trần Thị Bích cho rằng, đất gia đình bà nằm sát QL10, đã sử dụng lâu dài, có giấy uỷ quyền thừa kế của ông cha, được công nhận trong bản đồ mục kê 299/1987, không có tranh chấp. Nhưng khi Nhà nước lấy đất làm dự án cũng chẳng đả động gì đến chuyện đền bù.

Hơn thế, theo bà Phạm Thị Nguyệt, việc ký nộp tiền lấy sổ đỏ năm 1995, nhiều người không ký mà do chính quyền tự ký vào văn bản của từng hộ để cấp giấy CNQSDĐ mà không họp dân. “Gần 20 năm qua chúng tôi không hề biết GCNQSDĐ của mình không được tính phần đất trên. Khi có dự án, nhiều người mới đi đòi làm lại sổ đỏ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thực thi QĐ 449 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) về cắm mốc lộ giới hành lang an toàn QL10 và thông báo về GPMB hành lang khu vực QL10 của UBND huyện Kim Sơn, các hộ dân phải chấp hành theo đúng chủ trương tính từ tim đường ra 2 bên là 9m và phần đất hành lang trên không được đền bù do không tính vào GCNQSDĐ năm 1995.

Mỗi cấp một ý kiến

Theo ông Đào Trọng Hoè, Chủ tịch UBND xã ân Hoà, tháng 10/1993, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Kim Sơn, xã tiến hành giao đất ổn định lâu dài cho dân. Số ruộng giao bình quân một khẩu tại thời điểm cân đối là 600m2. Ngoài đất thổ cư theo quy định, đất vườn quy đổi 2 vườn một ruộng, 3 ao một ruộng. Việc giao đất căn cứ diện tích trên bản đồ 299. Việc đền bù cho dân là hợp lý, xã chỉ làm theo chủ trương.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh, huyện lại cho rằng, xã ân Hoà đưa đất lưu không vào cân đối chia ruộng là sai và phải lấy đất 5% ra mà chi trả. Nhưng là cơ sở gần dân nhất, xã đòi tỉnh ra văn bản để trả lời dân, tránh khiếu kiện kéo dài thì tỉnh lại nhất quyết không ra (!?).

Nói tiếp vấn đề, ông Hoè cho hay: “Xã đã đi tham khảo rất nhiều địa phương và tin vào cách làm đó. Lấy ví dụ ở Yên Khánh, trường hợp người dân mua lại mảnh đất 200m2 giống ân Hoà, khi huyện lấy làm dự án thì thu hồi 50m2 còn 150m2 thì họ vẫn được đền bù, vậy sao dân chúng tôi chấp hành theo chủ trương mà không được bồi thường”.

Việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ là do sự chỉ đạo của huyện, tỉnh và được Sở Tài nguyên và Môi trường về đo đạc. Trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất mỗi gia đình, khi đo là đo hết hiện trạng nhưng khi cấp thì huyện lại yêu cầu làm theo NĐ 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Điều lệ bảo vệ đường bộ và Thông báo 49 là cấp từ tim đường vào 9m, còn lại mới cấp GCNQSDĐ cho dân. Những thắc mắc, khiếu kiện trong một bộ phận dân cư tại xã là do các văn bản của huyện ra quá chậm nên công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chưa kịp thời.

Ông Vũ Văn Chiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Sơn lại cho rằng: “Lỗi phải bắt đầu từ cơ sở, xã sai thì phải xin lỗi dân. Là cơ quan gần dân nhất, khi đo đạc cấp GCNQSDĐ, cơ sở thành lập ban chỉ đạo xét duyệt, tham mưu cho huyện, giờ sai lại đổ lỗi cho huyện”.

Sự việc đang gây bức xúc dư luận, khiến người dân khiếu kiện kéo dài. Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình sớm vào cuộc làm rõ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật