Ăn uống, tắm giặt... bằng nước mặn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách biển hàng trăm km nhưng nhiều hộ dân tại hai xã Thanh Hà, Thanh Phong, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã và đang hàng ngày phải dùng nguồn nước… mặn hơn nước biển!
Ăn uống, tắm giặt... bằng nước mặn
Vòi nước mới thay nhưng đã đen quạch vì gỉ trong nhà tắm ông Thu. Ảnh: TG
Có mặt ở đây vào ngày 11/7, PV  đã chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân tê tái vì nước nhiễm mặn.
Tránh nước ao, gặp nước... biển!
2 xã Thanh Hà, Thanh Phong của huyện Thanh Liêm nằm ngay mé quốc lộ 1A, cách TP Phủ Lý chừng 5km về phía Nam. Vốn được mệnh danh là chốn đồng chiêm trũng nhưng từ bao đời nay, hàng nghìn nhân khẩu các huyện phía nam Hà Nam lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người già ở đây kể rằng, không phải bây giờ mà từ bao đời nay, ao hồ, sông không chỉ cấp nước cho nông nghiệp mà còn là nguồn nước sinh hoạt duy nhất cho hàng nghìn nhân khẩu các huyện phía nam tỉnh Hà Nam. 2 xã Thanh Hà, Thanh Phong cũng nằm trong cảnh tương tự. Nước ao, nước sông đào được dùng để sinh hoạt.
Cuộc sống từ bao đời nay của người dân nơi đây vẫn thế. Vậy nhưng, mươi năm trở lại đây, nghề thêu ren, dệt nhuộm truyền thống trong các làng quê phát triển mạnh lại khiến nguồn nước càng bẩn hơn. Kinh tế phát triển cũng là lúc nguồn nước mặt từ ao hồ, sông, ruộng dần thay màu, đổi chất. Từng dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối từ các lò nhuộm đã quyện vào nguồn nước đồng chiêm. Nước ao hồ ô nhiễm, dân đổ xô đào giếng khoan nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Nước giếng khoan múc lên vàng khè màu đồng, tanh hôi, để lâu kết tủa từng mảng đỏ quạch.
Khi hàng nghìn nhân khẩu phát ngán vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm thì công nghệ làm giếng khoan dần được chuyển giao. Từ đó, người dân các huyện phía nam Hà Nam trong đó có các xã của huyện Thanh Liêm ào ạt khoan giếng hòng tìm được nguồn nước ngọt cho thoả cơn khát có từ đời cha ông. Ông Nguyễn Đình Thu, Trưởng thôn Quang Trung, xã Thanh Hà – Thanh Liêm nhớ lại: “Khoan sâu xuống chừng 17-18m, nước bớt đục nhưng vẫn tanh hôi. Khoan sâu thêm vài chục mét nữa, nước trong vắt. Bà con chứng kiến cảnh dòng nước trắng xoá vọt lên mà như muốn oà khóc. Ấy vậy mà, khi nếm nguồn nước đó, có người đã phát nôn ngay tại trận vì chát và mặn như nước biển”.
 
Sự tàn phá của... nước!
Chỉ tay vào chiếc vòi nước inox trong nhà tắm, ông Nguyễn Đình Thu, thôn Quang Trung (Thanh Hà) lắc đầu ngán ngẩm: “Các chú xem, vòi nước inox tôi lắp chưa được nửa tháng đã đen quạch vì hoen gỉ. Nước mặn đã tàn phá tất thảy đồ sắt thép”. Kề cái vòi nước là cái bản lề cửa cũng bọc một lớp gỉ dày cộm, những tưởng nếu cạy ra thì cả cái cảnh cửa sẽ đổ sập bất kể lúc nào. Đối lập với cảnh “thương tâm” của các thiết bị sắt thép ở tầm thấp, những bản lề phía trên vẫn bóng loáng màu mạ thép. Như để minh chứng thêm về sự tàn khốc của nguồn nước mặn, bà Phạm Thị Mùi, hàng xóm nhà ông Thu chạy về nhà khuân sang cơ man nào là nồi, niêu, xoong, chảo... thủng. Chỉ tay vào đám đồng nát, bà Mùi phân bua: “Từ ngày phải dùng nước mặn, cứ nửa năm nhà tôi lại phải “lên đời” toàn bộ vật dụng nồi, niêu, xoong, chảo... một lần. Cái mặn đã khoét thủng bất kỳ đồ kim khí nào mà chúng dây phải. Không riêng nhà tôi mà hàng trăm nhà của cả vùng này đều như thế”.

Qua khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại nhiều hộ dân 2 xã Thanh Hà, Thanh Phong, chuyện đồ đạc sinh hoạt của người dân, nhất là đồ sắt thép đều bị nước mặn tàn phá nghiêm trọng. Bà Phạm Thị Mùi (Thanh Hà) chỉ tay vào cái máy giặt xập xệ, tã tời vì nước mặn mà theo lời bà, nhà mới sắm được vài năm. Tất thảy guồng quay, giá đỡ bằng sắt, nhôm đều đổi màu xám xịt, thủng lỗ rỗ, còn đồ nhựa thì mục như... xốp. Dùng vật cứng cạo lên ngay lập tức bong cả mảng. Cùng đó, những mố bê tông cốt thép nếu bị ngâm nước cũng bục ra từng khối. Không ít nhà phải “thanh lý” nhà tắm kiên cố để thay bằng mên liếp cho đỡ nguy hiểm.
Ngán ngẩm chuyện “vay”... nước

Câu chuyện khốn khó vì nước mặn của người dân các xã Thanh Hà, Thanh Phong như chưa có hồi kết. Không chỉ phá đồ, phá nhà mà nước mặn còn khuấy đảo cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đến cùng cực. Nước mặn nhưng dân vẫn phải dùng để tắm giặt. Người tắm xong thì “tráng” lại bằng nước mưa cho hết... muối, đồ giặt xong cũng phải tráng nước mưa cho khỏi bục khuy. Đây là cách mà hàng chục năm nay, người dân huyện Thanh Liêm cực chẳng đã phải làm để sống và tồn tại. Ông Dương Xuân Thành (Thanh Hà) than thở: “Ngày thường thiếu nước ăn còn xách xô sang nhà hàng xóm “vay”... nước. Vào mùa khô, không có nước mưa, nhà nào cưới hỏi, ma chay thì mới “chết”. Thậm chí đến những ngày Tết nhiều nhà còn phải vác can đi xin nước và lời chúc đầu năm cũng là câu “mong sang năm có nước đủ dùng”. Con cái không dám mời bạn đến nhà vì thiếu nước. Ông bà không dám giữ con cháu ở lâu vì cháu chê bẩn, không có nước để đánh răng, rửa mặt. Nước với bà con chúng tôi còn quý hơn vàng. Vàng có tiền còn mua được, còn nước thì chẳng ai bán mà mua”.
“Già cả ốm yếu, nhà nghèo không đủ tiền mua máy bơm điện nên hàng ngày vẫn phải còng lưng bơm nước bằng tay. Khổ thay, trời không thương người “khó”, những tưởng dùng bơm tay cho tiết kiệm nào ngờ đồ sắt vướng phải nước mặn nên bục gỉ đành phải thay sửa liên tục”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật