Hải quan để lọt 1.800 tấn dầu ăn nhập lậu (!?)

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dầu thực vật nhập khẩu không đủ giấy tờ về chất lượng sản phẩm và chưa làm thủ tục hải quan đã được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hải quan để lọt 1.800 tấn dầu ăn nhập lậu (!?)
Trụ sở Công ty CMT (hiệu Bong Milk World).

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) đang điều tra làm rõ hành vi buôn lậu, tiêu thụ dầu thực vật số lượng lớn của Công ty CMT (14 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh) và vai trò tiếp tay của cán bộ Hải quan Cảng Sài Gòn-khu vực 2. Đến nay đã có 700/1.800 tấn dầu lậu được tiêu thụ.

Con đường dầu lậu

Từ thông tin trinh sát, ngày 10-5, Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an xác minh, phát hiện tại số 05 Hồ Ngọc Lãm, phường 16, quận 8 (TP.HCM) do ông Nguyễn Văn Thành (còn gọi là Thành dầu dừa) đang mua bán dầu thực vật. Tại cơ sở này có rất nhiều chai dầu hiệu Thịnh Phát cooking oil, tuy nhiên cơ sở không bảng hiệu cũng không giấy phép đăng ký kinh doanh.

Sau một tháng theo dõi, các trinh sát Phòng 6 phát hiện hằng ngày tại cơ sở trên có rất nhiều khách tới mua dầu, trong đó có xe tải lớn mua dầu chở từ cơ sở ông Thành đi về một căn nhà không số gần tiệm sửa xe số 2/6 Lê Lợi, thị trấn Hóc Môn. Đồng thời một xe bồn khác (số hiệu 54Z-2469) chở dầu nhập kho ông Thành. Ngày 9-6, xe bồn trên chở dầu như thường lệ chạy vào Cảng Nhà Rồng Khánh Hội lấy dầu từ xà lan ở đây và chở về căn nhà khác cũng không bảng số tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.

Qua xác minh được biết số dầu trên là của Công ty CMT do bà Phạm Thị Phương Thúy làm giám đốc, được nhập vào Cảng Nhà Rồng Khánh Hội. Bà Thúy khai báo là nhập khẩu dầu để gia công sản xuất rồi xuất khẩu sang Campuchia.

Hải quan tiếp tay

Ngày 10-6, Cục C49B đã làm việc với Cục Hải quan TP, đại diện là ông Huỳnh Trung Kiên - Phó Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn-khu vực 2 và ông Trần Ngọc Anh - Phó Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công. Kết quả cho thấy số dầu trên bà Thúy mua của Công ty Wilmar Tradinh PTE-LTD Malaysia với số lượng 1.800 tấn, thuê tàu DANAI 5 của Thái Lan chở về Cảng K10 Nhà Rồng Khánh Hội. Sau đó tiếp tục thuê hai tàu nhỏ hơn chở số dầu trên cập cảng Khánh Hội. Tuy nhiên, số dầu trên được nhập vào Việt Nam mà chưa đăng ký tờ khai hải quan. Hàng hóa là thực phẩm nhưng chưa có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bản công bố chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng.

Đáng chú ý là có dấu hiệu chủ hàng đã móc nối với công chức hải quan để đưa xe bồn vào tận cảng vận chuyển hàng hóa ra thị trường. Tổng cộng đã có 29 xe bồn, ước tính số lượng khoảng 700 tấn dầu đã được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đại diện Cục Hải quan TP đã thừa nhận có thiếu sót trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục C49B, cán bộ Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn-khu vực 2 và Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công chưa làm thủ tục hàng hóa nhập khẩu của chủ hàng đã cho thông quan xuất hàng hóa ra khỏi cảng là vi phạm quy định. Hiện Cục C49B sẽ tiếp tục điều tra.

Khi hàng hóa nhập khẩu, chủ hàng phải làm hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu; bản kê chi tiết hàng hóa (nếu hàng nhập khẩu có nhiều chủng loại); giấy phép nhập khẩu; hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, hóa đơn thương mại, vận đơn hàng hóa; giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra tờ khai hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa rồi mới cho thông quan. đối với mặt hàng nhập khẩu là thực phẩm phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bản công bố chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật