Có nên đưa bài vị Lý Chiêu Hoàng thờ cùng 8 vị vua Lý ở Đền Đô?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TS Nguyễn Đức Nhuệ (viện Sử học Việt Nam), nêu ý kiến: Lý Chiêu Hoàng đã là một vị vua của triều Lý, được triều đình công nhận và chính sử còn dành hẳn một kỷ để viết về bà, do đó, việc đưa bài vị bà để thờ cùng các bậc tiên vương là việc hậu thế nên làm. Nếu lấy lý do bà là nguyên nhân thay đổi vương triều Lý để không thờ bà ở đền Đô, là không sòng phẳng.
Có nên đưa bài vị Lý Chiêu Hoàng thờ cùng 8 vị vua Lý ở Đền Đô?
Đền Đô.

Chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt hoạt động liên quan đến sự kiện Vua Lý Thái Tổ dời đô được tổ chức. Ở Bãi Sập, Đông Anh, Hà Nội vừa diễn ra lễ cầu siêu cho các tôn thất nhà Lý vào mồng 3 tháng 3 âm lịch. Cũng ngày này, ở Đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, lễ giỗ Lý Thái Tổ được làm to hơn mọi năm. Vào ngày Rằm tháng 3, cũng là một đại lễ hội lớn nhất từ trước đến nay ở đền Đô, kéo dài tới một tuần, để kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15-3 năm Canh Tuất - 1009).

Cũng trong dịp này, khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ còn tính bằng ngày, thì nhiều nhà nghiên cứu lại lên tiếng đòi sự công bằng cho vị vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng, bằng cách đề nghị đưa bài vị của bà về thờ chung với 8 vị vua Lý ở đền Đô.

Nữ vương bất hạnh

Ý kiến này được nêu ra, là bởi, năm nay, tròn 1.000 năm công trạng dời đô của triều Lý, nên rất được quan tâm. Trong khi đó, nhà Lý có 9 vị vua, nhưng suốt mấy trăm năm qua, đền Đô lại chỉ thờ có 8 vị, riêng Hoàng đế Lý Chiêu Thánh lại thờ riêng ở đền Rồng, cách đó chừng hơn 1km, dù mộ bà được táng cùng khu lăng mộ các vua nhà Lý ở Đình Bảng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này là không công bằng với lịch sử.

Trước khi đi sâu vào các quan điểm đã và đang được bàn luận, thiết nghĩ, trước hết, cần biết về cuộc đời người phụ nữ có nhiều thăng trầm trong lịch sử này, khi từ ngôi chí tôn, bà trở thành hoàng hậu, rồi lại bị giáng làm công chúa, với hàng chục năm vò võ, cô đơn. Vì thế, số phận bà đã trở thành đề tài của biết bao tác phẩm suốt hàng trăm năm qua.

 Phật Kim tước hiệu Chiêu Thánh công chúa, là con thứ của Vua Lý Huệ Tông với bà Trần Thị Dung. Vua Lý Huệ Tông nhu nhược, đã bị Trần Thủ Độ lộng quyền, ép phải đi tu. Vì không có con trai, Lý Huệ Tông phải truyền ngôi cho Chiêu Thánh, gọi là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới 7 tuổi. Một năm sau, 1225, cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh (cháu họ Trần Thủ Độ) đã được dựng lên dưới bàn tay đạo diễn của Thái sư Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung. Rất chóng vánh, cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần đã diễn ra vài tháng sau đó, bằng việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Từ vị vua, Chiêu Thánh trở thành hoàng hậu.

Được Trần Cảnh yêu thương, nhưng sau 12 năm Chiêu Thánh vẫn không có con, nên Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã ép Trần Cảnh phải lấy công chúa Thuận Thiên, chị gái Chiêu Thánh và là vợ Trần Liễu, anh trai Trần Cảnh, lúc đó đang có mang 3 tháng. Chiêu Thánh lại bị giáng xuống làm công chúa. Trần Cảnh phản đối bằng cách bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên, nhưng dưới sức ép của Trần Thủ Độ, cuối cùng đã phải nghe lời.

Mãi đến năm 1258, Trần Cảnh gả Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần, một vị tướng tài. 20 năm sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con: con trai là Thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Trong lần về thăm quê hương Cổ Pháp (Bắc Ninh), bà đã qua đời ở tuổi 61 và được thờ ở đền Rồng.

Vì sao Lý Chiêu Hoàng không được thờ trong tôn miếu nhà Lý?

Câu hỏi này đã tồn tại khá lâu và trong những ngày gần đây, lại dấy lên sôi động. Tuy vậy, chưa có câu trả lời chính thức, vì đơn giản là, không có tài liệu chính thức nào đề cập vấn đề này. Do vậy, mọi điều được đưa ra, chỉ là giả thiết. Lý giải về việc Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô cùng các vua nhà Lý, hiện có nhiều ý kiến.

Một số người cho rằng, vì bà đã để mất ngôi nhà Lý, nên bị coi là mang tội với dòng họ, nên không được thừa nhận và phải thờ riêng. Với quan điểm này, nhà thơ Tản Đà từng có bài thơ vịnh Lý Chiêu Hoàng: "Quả núi Tiên Sơn có nhớ công/ Mà em đem nước để theo chồng.../ Một gốc mận già thôi cũng phải/ Hai trăm năm lẻ thế là xong".

Một lý do khác được GS Sử học Vũ Văn Ninh lý giải: có thể vì bà làm vua trong 2 năm, nhưng do còn nhỏ, nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng, "xuất giá tòng phu" và không còn là người trong cung thất nhà Lý.

Khá nhiều ý kiến nghiêng về cách lý giải: Là vua, nhưng chỉ vì là phụ nữ, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với các bậc tiên vương, do quan niệm trọng nam khinh nữ tồn tại trong xã hội phong kiến. Mới đây, Tiến sĩ Phật học Thích Đức Thiện cũng có cách lý giải trùng với quan điểm này: "Ngôi đền được xây dựng từ thời phong kiến mang đậm ảnh hưởng của đạo Khổng, đạo Nho, vì thế, phụ nữ cũng ít được coi trọng và phải chịu nhiều thiệt thòi...".

Lại có thông tin  truyền miệng về việc Lý Chiêu Hoàng không được thờ cùng các vị tiên đế là do, khi ở tuổi 61, Lý Chiêu Hoàng trẫm mình t‌ּự vẫ‌ּn ở Thanh Hóa, rồi thi hài bà được chuyển về quê hương. Trên đường đi, qua một bãi đất thì kiệu không thể khiêng đi được nữa, nên mọi người cho rằng, đó là ý muốn của Lý Chiêu Hoàng, nên đã dựng Long Miếu thờ bà tại đó, nay gọi là đền Rồng. Tuy nhiên, câu chuyện này không thuyết phục vì không có tài liệu nào ghi chép. Hơn nữa, bà đã có những năm cuối đời hạnh phúc và bình an bên tướng Lê Phụ Trần và 2 người con thành đạt, nên chẳng có lý do gì để bà phải t‌ּự vẫ‌ּn.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, Trưởng ban Tuyên truyền của đền Đô, người đã viết một số cuốn sách về các triều vua nhà Lý, đưa ra các giả thiết: Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở đền Đô, có thể vì bà chỉ làm vua 2 năm, mà trong thời gian đó, do bà mới 7-8 tuổi, nên không nắm thực quyền. Ngoài ra, còn có một sự trùng hợp kỳ lạ để giải thích cho việc này là "Chiếu dời Đô" của Lý Công Uẩn có đúng 214 chữ, trùng với 214 năm trị vì của nhà Lý, nếu không tính thời gian Lý Chiêu Hoàng làm vua.

Còn một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Đức Thìn đưa ra là: khu đất Lý Thái Tổ chọn để xây dựng đền Đô được Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng là nơi hội tụ của thiên khí, đất gối đầu của 8 con rồng, cũng là mảnh đất ở thế "Liên hoa bát diệp", tức là bông sen có 8 cánh, nên đền Đô chỉ có thể thờ có 8 vua, chứ không phải là 9 vị.

Đền thờ 8 vị vua đặt ở Đông làng Cổ Pháp (cũ), để ngày ngày đón ánh bình minh, còn đền Rồng nằm ở phía tây là để hoàng hôn rọi vào. Việc chọn lựa thế đất để đặt miếu thờ như thế, phải chăng, còn mang dụng ý sâu xa của người xưa: Lý Thái Tổ là người khai sinh ra triều Lý với những năm tháng hưng thịnh của đất nước, còn đời Lý Chiêu Hoàng là dấu chấm hết của triều đình nhà Lý, giống như ánh mặt trời cuối ngày.

Nên hay không nên thờ vua Lý Chiêu Thánh ở đền Đô?

Vấn đề này không phải đến lúc này mới được đặt ra. Chỉ có điều, giờ đây, khi đất nước tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, điều này lại được dư luận quan tâm. Bởi bà là một trong các vị vua chính thức của vương triều đã chọn Thăng Long làm nơi định đô 1000 năm trước, nhưng dường như lại không được thừa nhận một cách công bằng. Việc không thờ bà ở tôn miếu như các vị vua khác của nhà Lý, khác nào phủ nhận vị trí của bà trong vương triều Lý, dù việc trị vì đã được Nhà nước đương quyền chính thức thừa nhận, cũng như chính sử ghi chép?

Với những lý do về lịch sử và tâm linh, Ban Quản lý đền Đô cho rằng, người xưa đã không thờ Chiêu Thánh là hợp lẽ. Cả ngàn năm, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa, mở rộng, nhưng các triều đại đều chấp nhận việc không thờ bà Lý Chiêu Hoàng ở đền Đô.

Theo Ban Quản lý đền Đô thì, trong tấm bia mang tên "Cổ pháp điện tạo bi" do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn và được xây dựng ở đền Đô năm Giáp Thìn, mùa xuân 1604, cũng chỉ đề cập đến 8 vị vua của nhà Lý, chứ không nhắc đến vua bà Lý Chiêu Hoàng. Vào năm 1620, đời vua Lê Kính Tông, đền Đô lại được trùng tu rất lớn và các văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý cũng được khắc lại, nhưng người xưa cũng không đề cập đến Lý Chiêu Hoàng, cũng như việc đưa bài vị bà về thờ ở đền Đô, hẳn là phải có dụng ý. Vả lại, việc chọn đền Rồng để thờ bà, là còn mang cả ý nghĩa văn hóa lẫn tâm linh, do đó, phải tôn trọng lịch sử.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu vì quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến dẫn đến việc không thờ Lý Chiêu Hoàng ở đền Đô, thì giờ đây, xã hội cũ đã bị xóa bỏ, quan niệm đó cần được thay đổi hoàn toàn. Chúng ta đang sống trong thời đại bình quyền với cách nhìn lịch sử khách quan, độ lượng, mới mẻ và đúng đắn, thì lẽ nào, vẫn tiếp tục duy trì quan điểm xưa cũ, để vị vua cuối cùng của nhà Lý mãi phải chịu sự bất công?

Lễ hội Đền Đô.

PGS Sử học Lê Văn Lan cho rằng, thực ra, việc đưa một nhân vật lịch sử vào thờ phụng ở một nơi nào là việc của những người chủ quản nơi đó, dựa trên một số yếu tố: những điều đã được ghi vào chính sử, giai thoại, dã sử hay là các luật lệ, thủ tục của triều đình đương thời; thái độ và dư luận của xã hội  từ khi sự việc bắt đầu diễn ra cho đến bây giờ.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là, quyết định của người chịu trách nhiệm, hoặc người chủ quản hiện thời và cả dư luận của xã hội đương thời, về việc nên hay không nên đưa nhân vật lịch sử nào đó vào để thờ phụng. Vì vậy, quyết định có đưa bài vị vua Lý Chiêu Hoàng thờ ở đền Đô hay không, Ban Quản lý Khu di tích đền Đô cần lưu ý đến các yếu tố trên.

Theo PGS Lê Văn Lan thì việc Chiêu Thánh lên ngôi hoàng đế, rồi lấy chồng và nhường ngôi cho chồng, đều diễn ra bằng các nghi thức Nhà nước hết sức long trọng và được chính sử ghi chép. Rõ ràng, việc bà giữ ngôi vua đã được nhà nước đương quyền thừa nhận, theo đúng các thủ tục của Nhà nước Đại Việt, được xã hội công nhận và được chính sử lưu truyền. Vì vậy, cần có cách nhìn nhận đúng đắn về việc Lý Chiêu Hoàng đã là vua của triều Lý, để đưa bà về đền Đô thờ phụng.

Là người có bề dày nghiên cứu văn học, lịch sử nước nhà, nhà thơ Ngô Văn Phú cũng ủng hộ quan điểm đưa bài vị Lý Chiêu Hoàng về thờ ở đền Đô cùng 8 vị vua triều Lý. Ông cho rằng, bà đã là 1 trong 9 vị vua chính thức của vương triều Lý. Trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Festival Bắc Ninh tối 17/4 vừa qua, cũng khẳng định sự tồn tại có thực này.

Hơn nữa, Lý Chiêu Hoàng còn là một trong những phụ nữ đầu tiên của lịch sử nước nhà được phong vương, nên không thể thờ bà ở một nơi không tương xứng với vị thế của bà, như hiện nay. Mộ bà được táng cùng khu lăng mộ các vua nhà Lý ở Đình Bảng, thì bài vị của bà cũng cần được thờ chung mới hợp lẽ. Thờ bà chung với các bậc tiên vương, là trả bà về đúng vị trí trong lịch sử.

Làm sao có thể trách Lý Chiêu Hoàng về tội làm mất ngôi vua, bởi lúc đó, bà chỉ mới có 7 tuổi, còn "ăn chưa no, lo chưa tới", nhất là khi mà cha bà còn phải khuất phục trước sự chuyên quyền của Trần Thủ Độ? Hơn nữa, việc chuyển giao quyền lực cho nhà Trần, trong bối cảnh nhà Lý đã suy vi, là quy luật tất yếu, để đất nước phát triển. Chính nhờ sự hưng thịnh, đoàn kết nhân dân của nhà Trần, mà dân tộc ta đã 3 lần đánh tan quân Nguyên trong vòng mấy chục năm trời.

TS Nguyễn Đức Nhuệ, Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương - chuyên ngành (viện Sử học Việt Nam), cũng nêu ý kiến: Lý Chiêu Hoàng đã là một vị vua của triều Lý, được triều đình công nhận và chính sử còn dành hẳn một kỷ để viết về bà, do đó, việc đưa bài vị bà để thờ cùng các bậc tiên vương là việc hậu thế nên làm. Nếu lấy lý do bà là nguyên nhân thay đổi vương triều Lý để không thờ bà ở đền Đô, là không sòng phẳng. Vì lịch sử đã không đề cập đến vấn đề này, hơn nữa, sự thay đổi vương triều là điều bình thường trong dòng chảy lịch sử, giống như sự chuyển giao từ nhà Đinh sang nhà Lê, nhà Lê sang nhà Lý, nhà Lê sang nhà Mạc v.v... vì không phải dòng họ nào cũng trị vì mãi mãi.

Hiện ở Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) còn đưa bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ về thờ, dù đây là nhân vật còn có nhiều tranh cãi, thì cớ gì lại không đưa một vị vua của nhà Lý về thờ chung với dòng tộc, để trả lại vị trí đích thực cho Lý Chiêu Hoàng?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật