Làng Bát Tràng từng suýt biến mất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về làng Liêu Xá, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên, chúng tôi được nghe câu chuyện xây nhà thờ tả Thị Lang Lê Hữu Mưu, cha ruột Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Câu chuyện có liên quan đến sự “sống còn“ của làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội).
Làng Bát Tràng từng suýt biến mất
Ảnh minh họa

Tấm lòng

Theo gia phả họ Lê Hữu, Lê Hữu Dụ (1772 - 1827) là đời thứ 12 của dòng họ.  Do sinh ra cuối đời Lê, chứng kiến cảnh triều đình mục nát, người dân sống trong cảnh lầm than, ông đã "xếp nghề nghiên bút theo việc kiếm cung".

Sau khi kéo quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, lên ngôi hoàng đế, Quang Trung đã mời ông ra giúp việc nước. Ông được cử làm quan Tham luận đạo trung quân Bắc Thành, tước dụ  Nghĩa Hầu.

Lúc này, vua chủ trương cải tạo lại sông ngòi để tiện cho việc dùng binh khi cần thiết và trị thủy phục vụ việc canh nông. Viên Đốc Trấn được triều đình giao cho phụ trách việc này đã đệ trình lên nhà vua phương án và bản đồ cải tạo. Theo đó, sông sẽ đào qua một nửa làng Bát Tràng. Vua giao cho Lê Hữu Dụ đi thị sát tình hình trước khi tiến hành công việc.

Khi đến nơi, thấy tình cảnh dân làng rất đỗi khó khăn vì sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc, nhân dân ly tán nên nhà cửa hoang tàn xơ xác, Lê Hữu Dụ đã không khỏi  đau lòng. Ông thầm nghĩ, đất nước dù đã được thanh bình nhưng vẫn còn những khó khăn chồng chất, nghề gốm sứ cũng bắt đầu được nhen nhóm lại.

Dấu tích gạch Bát Tràng chỉ  còn lại phía bên ngoài.

Nay nếu vì đào sông mà dân làng phải lìa bỏ cơ nghiệp để rời đi nơi khác thì thật cực khổ biết chừng nào. Vốn lòng thương dân, tin tưởng vào sự sáng suốt và lòng nhân đức của nhà vua, Lê Hữu Dụ về tâu với vua đề nghị cho đào sông lui ra chỗ khác để dân được an cư lập nghiệp mà việc trị thủy vẫn đảm bảo. Nghe ông nói có lý, nhà vua liền ưng thuận.

Tri ân

Khi hay tin làng sẽ không bị biến thành sông, người dân Bát Tràng vui mừng khôn xiết. Họ thầm biết ơn Lê Hữu Dụ - người đã có công "giữ làng".

Ít năm sau, khi Lê Hữu Dụ chuẩn bị xây nhà thờ tổ, các bô lão ở Bát Tràng đã cho con cháu gánh gạch ngói đến cúng để tỏ lòng tri ân. Do đó, ngôi nhà thờ tả Thị Lang Lê Hữu Mưu, cha đẻ đại danh y Lê Hữu Trác đã được xây hoàn toàn bằng gạch ngói Bát Tràng. Nhà thờ được xây tháng 11 năm Đinh Mão 1807.

Nhà thờ Lê Hữu Mưu.

Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà  thờ này vẫn được con cháu dòng họ Lê  Hữu ở Liêu Xá trông coi chu đáo. Anh Lê Hữu Quang, hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ - người đang trông coi khu di tích Hải Thượng Lãn Ông cho biết, đầu những năm 80, khi ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp, ngành văn hóa tỉnh Hải Hưng (cũ) đã cho trát lại bức tường bằng vôi vữa.

"Vì thế mà bây giờ nhìn phía trong, ngôi nhà thờ không còn rõ nét của gạch Bát Tràng. Chỉ khi đứng ở hai bên mái nhà mới phát hiện ra". Điều này đã làm những người trong dòng họ như anh không khỏi tiếc nuối.

"Chúng tôi mong ngành văn hóa sẽ cùng với dòng họ chúng tôi quan tâm tu tạo khu nhà thờ. Bởi đây cũng sẽ là một điểm đến thu hút khách du lịch khi đến vi di tích Hải Thượng Lãn Ông", anh Quang mong muốn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật