Cháy rừng: S.O.S!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nắng nóng và khô hạn kéo dài đang đẩy nhiều cánh rừng, vườn chim ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang vào mức báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Cháy rừng: S.O.S!
Chòi gác rừng của lực lượng kiểm lâm An Giang. Ảnh: N.V.H

Các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống cháy rừng và nhiều người dân ở các địa phương này đang ngày đêm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với “giặc lửa”.

Rừng khô

Hiện nay, ở các khu rừng trên núi Cấm (huyện Tịnh Biên), núi Dài, núi Tượng, núi Lớn (huyện Tri Tôn) thuộc tỉnh An Giang màu xanh đã biến mất, thay vào đó là toàn màu vàng xám của lá cây khô. Chỉ riêng huyện Tri Tôn hiện có trên 7.600 ha rừng, với trên 100 chốt đóng ở các cửa rừng, nơi có nguy cơ cháy cao. Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, do mùa khô 2010 về sớm, nắng nóng kéo dài, nhiều chủ rừng đốt rừng để chuyển đổi diện tích sang trồng rau màu, cây ăn quả, dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao.

Trong khi đó, tại Cà Mau, ông Nguyễn Quang Của, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh này, cho biết: hiện có hơn 32.000 ha rừng tràm ở rừng đặc dụng Vồ Dơi; các lâm ngư trường U Minh I, U Minh II, U Minh III, Sông Trẹm, Trần Văn Thời (chiếm trên 90% tổng diện tích rừng tràm toàn tỉnh) đang ở mức báo động cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Hầu hết kênh rạch trong những khu rừng này đã kiệt nước, càng làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Tổng diện tích rừng đặc dụng ở Kiên Giang khoảng 87.000 ha. Thời tiết khô hanh và hạn hán cũng đang làm tăng khả năng cháy rừng, nhất là hai vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc. Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, cho biết: Các xã phía Bắc đảo Phú Quốc có những cụm dân cư, đường giao thông xuyên qua rừng, nhiều đối tượng di cư tự do sống bằng phá rừng, đốt rừng làm rẫy, đốt than… làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Gian nan phòng, chống cháy

Hiện, các hạt kiểm lâm ở An Giang huy động 500 người luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động. Ông Hứa Minh Khoa, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), thông báo: “Những người đi bắt ong rừng, khách hành hương đốt nhang cúng chùa, đốt rừng làm rẫy đã bị cấm”. Tỉnh Cà Mau cũng đã điều động hơn 4.000 người túc trực tại những "điểm nóng" cùng nhiều phương tiện chữa cháy để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng. Chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa rừng, không ai được phép vào rừng nếu không có giấy phép của ngành kiểm lâm.

Tại tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hoàng Hưởng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, cho biết: 21.107 ha rừng, trong đó vùng lõi có diện tích 8.038 ha, của vườn quốc gia này đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Trên 1.000 người gồm kiểm lâm, chủ rừng và người dân ven rừng luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu.

Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống cháy rừng hiện nay ở vùng Bảy Núi - An Giang là phương tiện chữa cháy còn thô sơ, địa hình vùng núi hiểm trở, khiến việc chữa cháy càng gian nan. Ngoài ra, các giếng nước đều bị cạn kiệt, trong khi các kênh trữ nước lại ở xa, không đảm bảo đủ cho việc phòng cháy, chữa cháy. Trong tình hình đó, biện pháp tình thế được triển khai là cho nước vào những chiếc can nhựa loại 10 lít để ở mỗi chốt từ 200 - 300 can. Khi có báo cháy thì những can nước này được mang ra để... cứu chữa.

Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Vườn Chim Bạc Liêu, cho biết vườn chim này cũng đang có nguy cơ cháy rất cao. Ban Giám đốc đã phân công lực lượng trực thường xuyên, chuẩn bị sẵn sàng ba máy chữa cháy chuyên dụng. Vườn chim đã đóng cửa, không đón du khách vào tham quan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật