Làng tỷ phú trên đỉnh Trường Sơn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai bên đường Hồ Chí Minh dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ nhiều vùng đất hoang vu trở thành nơi giao thương thuận tiện, buôn bán tấp nập, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng đất đai, khoáng sản, thuỷ điện...
Làng tỷ phú trên đỉnh Trường Sơn
Tượng đài Khe Sanh

Người dân sống ven đường Hồ Chí Minh có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngày xuân, mời quý vị và các bạn cùng đến thăm một bản làng no ấm ở xã biên giới Hướng Lập, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Từ thị trấn Khe Sanh, xe chúng tôi ngược theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ra Bắc chừng 50 km, vượt đèo Sa Mù, qua cầu Sê Băng Hiêng, rẽ trái chừng 15 cây số, đến sát biên giới Việt - Lào là tới địa phận thôn Cù Bai.

Thôn Cù Bai hiện có gần 50 hộ, đều là dân tộc Vân Kiều. Trước đây không có đường ô tô, nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu nhờ vào nương rẫy, săn bắt thú rừng, cá suối..., cảnh nghèo đói triền miên. Từ năm 2002, đường Hồ Chí Minh nhánh tây mở đến đâu, người dân ở đó có điều kiện phát triển kinh tế. Hai người tiên phong trong khai hoang đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng là ông Hồ Xừng và ông Hồ Thế. Hai cựu chiến binh, đảng viên lão thành lên đồi chặt cây, đào hố trồng rừng, rồi vận động bà con cùng làm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng rừng xong thì trồng xen sắn, khoai, gieo lúa rẫy, nuôi thả trâu bò, ông Hồ Xừng kể: “Ngày xưa cực lắm, bà con chỉ biết lên rừng bẫy con thú, xuống suối kiếm con cá, vào rừng lấy măng, lấy củ mài. Gạo không đủ ăn đâu. Kể từ ngày nghe theo lời cán bộ để trồng rừng, chủ yếu chúng tôi trồng bời lời, quế, trầm... Bây giờ thì cả bản đều trồng rừng. Nhà tôi có hơn 15 ha, trong đó có 3 ha thu hoạch năm, thu nhập cũng khá. Tôi còn 5 ha ruộng nước với hơn 30 con trâu, bò thả trên rừng, mỗi con giá khoảng 5 triệu đồng”.

Nhẩm tính, mỗi ha bời lời nếu bán ngang cũng được 70 triệu đồng, vị chi 15 ha thu hơn 1 tỷ đồng, 30 con trâu, bò nếu bán cũng khoảng 150 triệu đồng, chưa kể 5 ha ruộng lúa, thêm 3 ao cá, vườn cây ăn quả, tính ít nhất ông Xừng cũng có trong tay hơn 1,5 tỷ đồng.

Không riêng gì ông Hồ Xừng, mà ở bản Cù Bai, người dân nào cũng có rừng, nhiều thì hàng chục, ít cũng 3 đến 4 ha. Anh Hồ tả Coi, 22 tuổi, say sưa kể với chúng tôi chuyện làm ăn: “Tôi mới trồng rừng  được 3 năm và chỉ có mấy héc ta thôi. Cũng mong là trồng rừng rồi sau này tăng thu nhập, đời sống khá hơn”.

Cả bản Cù Bai có gần 50 hộ dân, cách trung tâm xã Hướng Lập hơn 15 cây số, đến nay không còn hộ đói nghèo. Nhà nào cũng có rừng, có ruộng nước, ao cá. Nhiều nhà có của ăn của để. Kể từ khi lưới điện quốc gia về đến bản, nhà nào cũng mua sắm tivi, xe máy, hơn một nửa số hộ làm được nhà khang trang kiên cố, trị giá cả trăm triệu đồng. Năm 2009 vừa qua, cả thôn có hơn 200 nhân khẩu mà làm ra 40 tấn lúa, dư ăn quanh năm. Bà Hồ Thị Bảo, 65 tuổi người dân thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khoe rằng: Bữa nay, chúng tôi  đủ ăn rồi, giàu rồi. Nhà tôi mới làm nhà năm ngoái, hơn 150 triệu thôi. Năm ngoái, nhà tôi trồng được 6 ha rừng. Giờ thì vui rồi, sướng rồi, không có ai còn khổ nữa”.

Ngày cận tết, bà con Vân Kiều thôn Cù Bai vẫn bận rộn với việc phát dọn, chăm sóc rừng, chuẩn bị ra Giêng là bắt tay vào mùa trồng rừng mới. Ông Lê Hữu Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, ở thôn Cù Bai, 16 hộ hiện có tài sản trị giá cả tỷ đồng trở lên. Ông Tuấn vui ra mặt khi nói đến những đảng viên lão thành gương mẫu như ông Hồ Xừng, Hồ Thử. Họ không chỉ giúp bà con giống cây trồng, đất đai mà còn hỗ trợ đám thanh niên khai hoang đất rừng, ruộng nước, bán rẻ trâu, bò cho bà con cày bừa.

Đến Cù Bai hôm nay, ít ai còn nhận ra đó là "cửa tử" ngày xưa. Bây giờ, vùng "đất chết" nham nhở vết bom đạn chiến tranh đã là những cánh rừng xanh tốt bạt ngàn; những vườn cây, ao cá; những mái nhà san sát nhau. Và ở nơi đây, quanh năm cơi bếp lửa hồng với bát cơm, con cá thơm mùi đồng ruộng, rộn vang tiếng cười đùa.

Khắp nẻo rừng bềnh bồng sắc hoa trắng- màu trắng của hoa trẩu, hoa sưa nở rộ giữa màu xanh muôn thuở Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh hôm nay rộng dài, thênh thang băng qua đỉnh đèo Sa Mù, từ trên cao nhìn xuống, dòng Sê Băng Hiêng vào xuân đẹp như tranh. Bên này sông, những xóm thôn trù phú như A Xóc, Cha Lỳ, Sê Pu, Tà Păng. Phía bên kia sông là làng tỷ phú Cù Bai yên bình soi bóng, nếp nhà sàn mới tinh tươm đượm khói, mùi bánh chưng, bánh tét, rượu ngô thơm nức chiều xanh thẳm Trường Sơn./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật