Cháy rừng: báo động đỏ!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những thông tin mà PV gửi về từ mọi nơi cho gửi về từ mọi nơi cho hay tình hình khô hạn ở VN đã đến mức báo động: sông Hồng đạt mức cạn kỷ lục mới, miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng bởi khô hạn và đặc biệt trong cả nước, nguy cơ cháy rừng đang ở mức báo động đỏ.
Cháy rừng: báo động đỏ!
Gần 2ha rừng thông 16 năm tuổi tại tiểu khu 392, trên địa bàn xã Chư Hrông (Gia Lai) cháy rụi hôm 13-2 - Ảnh: B.D.

Nguy cơ cháy rừng mỗi ngày một lan rộng

Ông Hà Công Tuấn - Ảnh: Đ.Bình

Ba ngày trước chỉ có 8 tỉnh, thành được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm và 6 tỉnh ở cấp V - cực kỳ nguy hiểm thì đến hôm qua (23-2), con số này tăng lên 12 và 7... Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông HÀ CÔNG TUẤN, cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), cho biết:

- Nguy cơ cháy rừng đang lên cao, đặc biệt ở những địa phương mà nguy cơ đã ở cấp độ V - mức cực kỳ nguy hiểm, rất dễ cháy và nếu để xảy ra cháy thì tất cả các kiểu rừng đều dễ bị bắt lửa, tốc độ lây lan rất nhanh và khả năng chữa cháylà vô cùng khó.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn địa phương, đến ngày 23-2 cả nước có bảy địa phương có nguy cơ cháy rừng rất cao ở mức báo động cấp V. Đó là An Giang (Tri Tôn, Tịnh Biên), Cà Mau (toàn tỉnh), Gia Lai (Chư Păh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang), Kiên Giang (Phú Quốc), Kon Tum (Đắk Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Sa Thầy, TX Kon Tum), Lâm Đồng (Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lâm), Sơn La (Bắc Yên, Phù Yên).

Ngoài bảy địa phương trên còn có 12 tỉnh thành có rừng có nguy cơ cháy ở cấp IV là Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đắk Nông, Gia Lai, Hòa Bình, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An và Tây Ninh.

* Theo ông, lý do nào mà nhiều địa phương khắp Bắc - Trung - Nam đều nằm trong “bản đồ đỏ” có nguy cơ cháy rừng cao?

- Do ảnh hưởng của El Nino nên thời tiết năm nay hanh khô, nhiệt độ trung bình ở tất cả các vùng đều tăng thêm 2-3OC. Thêm nữa, năm 2009 mùa mưa kết thúc khá sớm và lượng mưa trung bình cũng thấp hơn nhiều năm. Đây là lý do chính khiến tất cả khu vực có rừng đều dễ xảy ra cháy. Ngay trong dịp Tết Canh Dần, cả nước đã để xảy ra tám điểm cháy rừng lớn nhỏ, trong đó có vụ cháy lớn trên 1.000ha rừng ở khu vực rừng Hoàng Liên của Lào Cai và Lai Châu.

* Thưa ông, vừa qua xảy ra cháy rừng Hoàng Liên là do đâu? Các địa phương khác đang có rừng mà nguy cơ cháy cao ở cấp độ V cần cảnh giác điều gì?

- Trên 70% các vụ cháy rừng ở VN từ trước đến nay đều do người dân gây ra trong quá trình phát nương làm rẫy. Nương rẫy nằm xen trong rừng nên khi phát nương, đốt rẫy, thậm chí trẻ chăn gia súc trong rừng đốt củi sưởi ấm cũng gây cháy rừng. Khi rừng đã cháy, lây lan nhanh thì khả năng cứu chữa là không thể, ngay như các nước tiên tiến, đầy đủ phương tiện hiện đại như Mỹ, Úc có xảy ra cháy rừng cũng không thể cứu chữa được. Biện pháp tốt nhất là chủ động phòng chống cháy rừng.

* Trước nguy cơ cháy rừng như hiện nay, Cục Kiểm lâm có khuyến cáo gì tới các địa phương, các chủ rừng?

- Năm nay, theo dự báo thời tiết hanh khô còn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao nên Thủ tướng cũng như Cục Kiểm lâm đã có các chỉ thị, yêu cầu các địa phương có rừng được cảnh báo ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm cần có các biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả. Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, đặc biệt là khu vực trong rừng và gần rừng. Trong thời kỳ cao điểm khô hanh cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Các lực lượng kiểm lâm địa phương cần túc trực 24/24 giờ trong thời điểm này để tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả.

Miền Tây phập phồng lo cháy

Chiều 23-2, ông Lê Hoàng Hưởng - giám đốc vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) - cho biết mực nước trong rừng đang xuống rất thấp. Rừng U Minh Thượng đã dự báo cháy rừng từ cấp III lên cấp IV. Trong khi đó, ông Tạ Vũ Linh - phó giám đốc vườn quốc gia U Minh Hạ - cho biết hiện có trên 2.000ha rừng đang ở mức báo động cháy cấp IV. Khoảng một tuần nữa sẽ có khoảng 1.000ha nằm trong mức báo động cháy cấp V.

180 cán bộ phòng chống cháy rừng của đơn vị đã cắm chốt 24/24 giờ ở giữa rừng từ hai tháng nay và không cho bất kỳ ai vào rừng ngoài những người thực hiện công vụ.

Tại vườn quốc gia Phú Quốc, trên 31.000ha rừng bị khô hạn gay gắt. Dù hiện nay chưa phải là đỉnh điểm của hạn hán nhưng toàn bộ diện tích rừng vườn quốc gia Phú Quốc đã nằm trong dự báo cháy cấp V. Ông Phạm Quang Bình - giám đốc vườn quốc gia Phú Quốc - cho biết vườn quốc gia đã nâng dự báo cháy rừng lên cấp V từ trước Tết Canh Dần. Hiện tất cả cán bộ của vườn quốc gia Phú Quốc đã cắm chốt ăn ngủ giữa rừng để phòng cháy.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, toàn tỉnh có hơn 18.000ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trong vùng nguy cơ cao với mức báo động cháy rừng cấp V là cấp đặc biệt nguy hiểm. Trong đó các vùng trọng điểm cháy ở huyện Tịnh Biên là 2.700ha gồm rừng Trà Sư, núi Phú Cường, núi Đất, núi Nhọn, khu vực Latina và Tà Lọt thuộc núi Cấm... Còn tại huyện Tri Tôn với 4.000ha, tập trung ở khu vực núi Giài, núi Cô Tô và rừng tràm ở các xã Tân Tuyến, Tà Đãnh, Vĩnh Gia, Lương An Trà...

Dòng chảy sông Hồng đoạn dưới cầu Vĩnh Tuy chỉ còn rất hẹp phía bờ nam - Ảnh: T.Phùng

Sông Hồng cạn ở mức kỷ lục mới

Lúc 19g ngày 21-2, mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 0,1m. Đây là mực nước thấp nhất trong lịch sử sông Hồng kể từ khi có số liệu quan trắc từ năm 1902 đến nay.

Bà Nguyễn Lan Châu, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết do tình trạng hiếm mưa ở miền Bắc nên nước từ thượng nguồn các sông miền Bắc tiếp tục giảm. Tình trạng này đã khiến sông Hồng ngày càng cạn hơn, xuất hiện liên tiếp các chỉ số cạn lịch sử. Trong vài ngày tới, nếu các hồ thủy điện xả nước phục vụ nông nghiệp thì mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên mức 1,3-1,5m. Theo bà Châu, sau thời gian xả nước này, do miền Bắc vẫn chưa vào mùa mưa nên mực nước sông Hồng lại giảm xuống và có thể xuất hiện các chỉ số mực nước thấp ở mức 0,2m. Tình trạng này sẽ kéo dài đến giữa tháng 3. Do nguồn nước thượng lưu đang ở mức thấp lịch sử trong khi nhu cầu sử dụng nước hằng năm đều tăng 15-16% nên dù được cải thiện, mực nước sông Hồng có tăng thì vẫn duy trì mức tăng ở các chỉ số thấp.

Vĩnh Phúc thiếu nước để cấy lúa

Tại Vĩnh Phúc, ông Đặng Duy Hiển - trưởng phòng quản lý tưới tiêu Cục Thủy lợi - cho biết Vĩnh Phúc là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nhất miền Bắc bởi khô hạn khi có gần 7.000ha ruộng chưa có nước để cấy lúa xuân. Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, kế hoạch vụ xuân 2010 toàn tỉnh sẽ gieo trồng 42.000ha với tổng lượng nước phục vụ tưới cần gần 220 triệu m3 nhưng khả năng cung cấp nước không đủ, có thể thiếu 40 triệu m3 (tương đương 10.000ha). Vĩnh Phúc phải thành lập ban chỉ đạo chống hạn để xây dựng và triển khai phương án chống hạn.

Giếng nhà đã cạn sau nhiều tháng không mưa, cha con anh Tuyl (Gia Lai) dắt díu nhau ra suối để lấy nước - Ảnh: B.D.

Tây nguyên khát nước

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Gia Lai xác nhận đến chiều 22-2, tất cả cánh rừng thuộc 17 huyện thị và TP đều được nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp V.

Tại địa bàn huyện Chư Sê, những cánh rừng khộp nằm dọc tuyến quốc lộ 14C xuyên Tây nguyên đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, chỉ mười ngày trong tết từ 12 đến 21-2 đã ghi nhận tới 61 điểm báo cháy nhỏ xảy ra rải rác ở các huyện.

Để bảo vệ rừng, trong những ngày qua hầu hết cán bộ và lực lượng quản lý bảo vệ rừng cùng các đơn vị hỗ trợ thuộc lực lượng công an phòng cháy chữa cháy và bộ đội đã được tăng cường trực chiến 24/24 giờ. Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cũng lập ba đội kiểm lâm cơ động chuẩn bị nhân lực và phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có đám cháy xảy ra.

Theo dự báo của Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, mùa khô năm nay khu vực Tây nguyên sẽ đối mặt với hạn hán lớn nhất so với nhiều năm trước, báo động cấp V về nguy cơ cháy rừng. Ðặc biệt khoảng tháng 3 và 4, cao điểm mùa khô Tây nguyên, có thể xảy ra đại hạn trên diện rộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật