25 nữ đại sứ các nước tại Washington

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Washington DC có lẽ là thủ đô tiếp nhận nhiều nhà hoạt động ngoại giao nhất thế giới. Con số chính thức là 182 đại sứ, chưa kể các đại diện ngoại giao khác. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong lực lượng ngoại giao này chính là sự có mặt các nữ đại sứ của 25 quốc gia.
25 nữ đại sứ các nước tại Washington
Nữ đại sứ Colombia Carolina Barco.

Bên trong cánh cổng tòa Đại sứ Oman nằm trên Đại lộ Massachusetts, bà Hunaina Sultan Al-Mughairy, nữ đại sứ đầu tiên của Oman nói riêng và thế giới Arập nói chung tại Washington, đang tất bật chuẩn bị cho các cuộc họp trong đó bà sẽ phải thực hiện vai trò đại sứ của mình để tôn vinh hình ảnh quốc gia, thay mặt cho Nhà nước mình củng cố quan hệ nhiều mặt với nước chủ nhà.

Ở cách bà Sultan Al-Mughairy vài con phố, bên trong khu phức hợp Dupont Circle, bà Meera Shankar, vị nữ Đại sứ đầu tiên của Ấn Độ trong 50 năm qua, cũng bận rộn không kém với hàng núi công việc phải thực hiện sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Manmohan Singh.

Ở ngay bên cạnh, nữ Đại sứ Colombia Carolina Barco trú ngụ trong một ngôi biệt thự cổ kính (trên 100 năm) có hồ bơi riêng. Bà Barco cũng tất bật, vừa kết thúc một cuộc thảo luận ở Đồi Capitol về tự do thương mại...

Ngoài Oman, Bahrain cũng có nữ Đại sứ đầu tiên tại Washington là bà Houda Ezra Ebrahim Nonoo. Độc đáo ở chỗ, bà Nonoo không chỉ là nữ đại sứ mà còn là một phụ nữ Do Thái làm "sứ giả hòa bình và hữu nghị" cho một quốc gia Arập theo đạo Hồi! Tuy nhiên, để được bổ nhiệm vào chức vụ này, bà Nonoo đã phải trải qua bao khó khăn và cũng phải cậy nhờ "nhất thân nhì thế" chứ không dễ dàng chút nào.

Theo thống kê của các tổ chức quan sát quốc tế, trong vòng 20 năm trở lại đây, số lượng phụ nữ nắm chức vụ cao trong ngành ngoại giao các nước đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là các nữ Bộ trưởng Ngoại giao và nữ đại sứ. Riêng trong năm 2009, thế giới có 13 nữ Bộ trưởng Ngoại giao mới được bổ nhiệm và hàng chục nữ đại sứ tại LHQ và tất cả các nước.

Mặc dù so với tổng số đại sứ nước ngoài tại Mỹ, con số 25 nữ đại sứ vẫn còn khá khiêm tốn, song chỉ bấy nhiêu cũng đủ để nói lên nhiều điều. Trước hết, 25 vị nữ đại sứ đó đã xác lập một kỷ lục mọi thời đại: chưa bao giờ người ta thấy có nhiều phụ nữ làm ngoại giao đến vậy, và cũng chưa nơi nào có được sự tập trung nhiều nữ đại sứ như ở Washington.

Tại sao Washington năm 2009 lại quy tụ nhiều nữ đại sứ nước ngoài hơn bất cứ thời nào và nơi nào trên thế giới, kể cả LHQ? Một cách giải thích cho rằng đó là thành quả đáng khích lệ của phong trào nữ quyền.

Phụ nữ làm lãnh đạo cấp cao ở các nước ngày nay không còn là chuyện hiếm nữa. Thế giới đã có khá nhiều phụ nữ làm Tổng thống, Thủ tướng và Thống đốc Toàn quyền (khối Thịnh vượng chung của Anh). Đó là chưa kể các bộ trưởng nội các. Và bây giờ đã đến thời của các nữ đại sứ! Đại sứ Singapore Chan Heng Chee, nữ đại sứ lâu năm nhất tại Washington, kể rằng trong suốt những năm công tác tại Washington từ năm 1996, bà đã chứng kiến một sự tăng đáng kể của phụ nữ trong ngành ngoại giao, từ chỗ không thừa nhận nay người ta đã mặc nhiên thừa nhận.

Theo Washington Post, một điều rất đáng ngạc nhiên là trong số 25 nữ đại sứ nước ngoài tại Washington thì các quốc gia châu Phi chiếm đa số, tới 11 đại sứ. Lý giải cho hiện tượng này, một số nhà ngoại giao cho rằng, đó là do "hiệu ứng Hillary". Nước Mỹ từng có một Madeleine Albright làm Đại sứ Mỹ đầu tiên ở LHQ và nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước Mỹ (1997-2000).

Sau bà Albright, là bà Condoleezza Rice (2005-2008) rồi bà Hillary Clinton (từ đầu năm 2009) đã nối gót trên cương vị Ngoại trưởng, còn trên cương vị đại sứ tại LHQ thì hiện đang là bà Susan Rice. Danh sách tuyển dụng năm 2009 của ngành Ngoại giao Mỹ có đến hơn một nửa nhân viên mới và khoảng 30% đại sứ hoặc trưởng phái Bộ Ngoại giao là nữ.

Nữ đại sứ Ấn Độ Meera Shankar.

Đương nhiên, do vai trò của nước Mỹ trên thế giới, người đứng đầu ngành ngoại giao, cũng như các đại sứ Mỹ ở nước ngoài được nhìn nhận bằng con mắt khác hẳn so với các nhà ngoại giao của các quốc gia còn lại. Claudia Fritsche, Đại sứ Liechtenstein thì cho rằng, chuỗi 3 nữ Ngoại trưởng Albright - Rice - Hillary đã khơi nguồn hứng khởi cho phong trào nữ giới nhiều nước, đặc biệt là sự khuyến khích việc giao cho phụ nữ nắm trọng trách ngoại giao.

Các nhà chuyên môn cho rằng, một trong những cái lợi của nữ lãnh đạo cao cấp là giúp đa dạng hóa tư duy, giúp tránh các sai sót đáng tiếc trong hoạch định chính sách. Mặt khác, việc phụ nữ làm ngoại giao còn góp thêm một nhãn quan mới, có tác dụng nhất định đối với kết quả đối ngoại, đàm phán...

Nhưng, chuyện gì cũng có mặt trái của nó, đối với một nữ đại sứ, mặt trái chính là gia đình. Cho dù đã đạt được nhiều tiến bộ so với thế kỷ trước (khi đó phụ nữ có chồng là không được làm ngoại giao!?), nhưng rất nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thực vẫn còn đeo đẳng các nhà ngoại giao nữ.

Nhìn chung, vai trò phụ nữ trong xã hội vẫn còn "đảm đang nội trợ, chăm sóc chồng con" là chính. Một khi lỡ sắm vai một nhà ngoại giao, các bà, các chị hay chịu cảnh "phòng không" đơn chiếc. Chưa hết, một điều hết sức bất công nữa là, trong khi các ông đại sứ, ngoại trưởng khi nhận nhiệm sở hoặc đi xã giao thường có vợ đi theo, thì nhiều vị nữ đại sứ lại phải chịu cảnh "xã giao một mình".

Đây có lẽ là những nguyên nhân chính khiến cho các nữ ngoại trưởng, nữ đại sứ thường độc thân hoặc không có chồng bên cạnh. Nhiều nữ đại sứ đến Washington làm việc một mình vì chồng không thể bỏ công việc ở nhà để đi theo vợ. Angele Niyuhire, 47 tuổi, Đại sứ Burundi, là một trường hợp điển hình; do chồng không chịu bỏ công việc ở trong nước, bà Niyuhire đành dắt 2 con gái đi theo mình đến Washington

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật