Lên non “săn” đào rừng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy năm nay, phong trào chơi các loại đào, mơ, mận mang đậm phong cách tự nhiên núi rừng đã trở nên “mốt”. Vì thế, một bộ phận những người hành nghề buôn bán, vận chuyển các loài hoa này về xuôi có vẻ làm ăn phát đạt. Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... là những địa phương được thương lái tìm đến nhiều nhất, bởi đây là những vùng còn khá nhiều đào, mơ, mận rừng.
Lên non “săn” đào rừng
Những cành đào rừng vùng cao ngày càng về phố nhiều hơn. Ảnh: Internet

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hiện có khá nhiều người từ dưới xuôi đổ lên các tỉnh miền núi phía Bắc để “săn” hoa đào, mai, mơ, mận. Theo chân một thương lái tên là Nam, quê ở Chương Mỹ (Hà Nội), người đã có 5 năm trong nghề… buôn đào rừng, chúng tôi có mặt tại huyện Phù Yên (Sơn La) vào những ngày đầu năm mới Dương lịch 2010. Mặc dù các vạt đào rừng vẫn khẳng khiu cành do người dân vừa mới tuốt lá, nhưng anh Nam vẫn vào xem và khảo giá. Anh Nam: “Cũng chẳng biết thế nào mà định giá, vì không có một chuẩn mực nào cho giá đào dịp Tết. Tôi cứ ngắm cành nào dáng tự nhiên, đẹp là trả giá. Nếu như giá mua là 50.000 đồng, trung bình một cành tôi đặt cọc trước khoảng 10 đến 20 nghìn đồng”.

Tôi được biết, mấy năm nay năm nào anh cũng “nằm vùng” tại Sơn La từ trước Tết cả tháng để săn đào rừng. Năm ngoái, anh chở gần 500 cành đào về xuôi. Do đào trồng tại các làng hoa ở Hà Nội mất mùa nên số đào rừng anh mang về thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay anh dự kiến sẽ chuyển khoảng 500 cành đào loại to, đẹp mang về xuôi trước ngày 25 tháng Chạp.

Trong những ngày ở Sơn La, tôi còn gặp khá nhiều thương lái đi buôn đào là người các huyện ngoại thành Hà Nội. Anh Trần Văn Đạt, ở huyện Đông Anh, người cũng có “thâm niên” 6 năm chở đào rừng về phố kể: “Tôi săn hoa đào và cả hoa mai, mận. Mặc dù đặt tiền trước nhưng khi nào cây đào, mận, mai ra nụ có hoa đẹp tôi mới trả tiền. Cành nào đạt tiêu chuẩn mới tính tiền. Bà con dân tộc cũng vui vẻ đồng ý như vậy. Không như một số người tham cành to, tôi chỉ chọn những cành nhỏ, dáng thon đẹp mới mua, vì diện tích nhà của các gia đình Hà Nội thường không lớn…”.

Được đến tận nơi “mua tận gốc” và biết giá chỗ “bán tận ngọn”, tôi mới biết lợi nhuận của người đi buôn đào rừng quá lớn. Giá mua một cành đào dáng đẹp, được thoả thuận từ bây giờ  từ 50 đến 100 nghìn đồng, thì vụ hoa năm ngoái ở Hà Nội được bán từ 2 đến 4 triệu đồng. Năm nay, rất có thể giá còn cao hơn. Tất nhiên, chi phí vận chuyển cũng không hề nhỏ, xong nếu may mắn thì chỉ cần “chở” được vài chục cành đào rừng đẹp về xuôi, bán trót lọt thì thương lái cũng thu được bộn tiền…

Mấy năm nay, đào rừng về xuôi quá nhiều nên tôi thấy các vạt đào rừng tự nhiên dường như đã cạn kiệt, không còn nhiều và đẹp như trước nữa. Đào rừng chủ yếu được bà con các dân tộc nhân giống, canh tác trên vườn nhà hoặc trong diện tích đồi núi được chính quyền địa phương giao… Bà con không đợi để đào ra hoa để thu hái quả, mà cứ đến gần Tết là chặt cành bán cho người chơi hoa, chủ yếu dưới xuôi. Chị Lý A Mùa, dân tộc Mông (tỉnh Sơn La) nói với tôi: “Mình trồng gần trăm gốc đào trên núi, Tết nào cũng bán cho người Kinh. Năm ngoái bán được hơn 4 triệu đồng. Năm nay, người dưới xuôi lên cũng đã mua hết và trả trước một triệu đồng…”.

Khác với những thương lái nhanh chân đi “săn” đào rừng trước Tết cả tháng, anh Nguyễn Hà Bắc, một người quê Thường Tín (Hà Nội) cho rằng: “Đi mua đào sớm thế này chỉ là tù mù... Tôi thì cứ đợi sau ngày Ông Táo lên Giời mới khăn gói đi mua. Có thể là tôi lên Lạng Sơn hoặc Cao Bằng. Lên đó, gặp cành nào đẹp thì chọn mua, dù giá có đắt hơn một chút cũng không sao, miễn là mình ưng ý. Năm ngoái, tôi lên có hai ngày mà gom đủ 200 cành loại đẹp, mang về bán hết veo trước ngày 28 Tết. Năm nay tôi cũng sẽ mua về khoảng 200 cành…”.

Vì đường đất xa xôi, các thương lái đào rừng thường chỉ cắt cành gom lên xe ô tô chở về xuôi chứ không mấy ai bứng cả cây để vận chuyển. Tuy nhiên, có một số “đại gia” giàu có, không gian biệt thự rộng, đã đặt hàng hẳn một cây đào rừng nguyên thủy chơi cho sang. Anh Nam (người đồng hành trong chuyến đi Sơn La mà tôi đã nhắc ở phần đầu bài viết) đã “gặp hên” khi có một “đại gia” ở Hà Nội đặt hàng một cây đào tán rộng, cao khoảng 2 đến 4m, nhiều nụ, giá cả không thành vấn đề. Anh Nam đã “ngắm” được một cây theo đơn đặt hàng, chỉ đợi xem nụ, hoa thế nào rồi chờ ngày bứng gốc chở về xuôi…

Năm hết, Tết đến. Cũng như rất nhiều người bươn chải mưu sinh, những thương lái buôn đào rừng cầu mong sau nỗi vất vả sẽ may mắn “trúng quả” buôn đào rừng! Thế nhưng, điều làm tôi ngẫm ngợi mãi, đó là tình trạng “đào rừng về xuôi” ngày càng nhiều trong mỗi dịp Tết sẽ dẫn tới một nguy cơ: Còn đâu những cây đào rừng rung rinh khoe sắc trên những bản làng vùng cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật