BS Khánh Duy: Cái nghiệp tôi dính đến cai nghiện m‌a tú‌y

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỷ lệ tái nghiện ma túy sau cai luôn ở mức rất cao. Vấn đề chỉ là sau bao lâu thì tái nghiện? Để lý giải về việc này cũng như cách nhìn nhận của xã hội đối với người nghiện ma túy, pv đã có buổi trò chuyện đầy bất ngờ và thú vị với BS Nguyễn Hữu Khánh Duy – một người chuyên về công tác cai nghiện.
BS Khánh Duy: Cái nghiệp tôi dính đến cai nghiện m‌a tú‌y
Ảnh minh họa

Từng “hoạt động ngầm”

Ông đến với công việc này như thế nào?

Có lẽ cái nghiệp tôi dính đến cai nghiện ma túy. Từ trước những năm 1975, tôi là bác sĩ hoạt động ngầm trong lực lượng thủy quân lục chiến của địch. Ở đây có nhiều người nghiện ma túy và tôi đã phải tiếp xúc với họ. Tôi hiểu được sự đau khổ của họ. Cho đến cả sau ngày giải phóng, tôi thấy rất bức xúc khi nhìn thấy thảm trạng của người nghiện.

Tôi thắc mắc rất nhiều về việc vì sao người nghiện sau khi cai, đa phần tái nghiện trở lại?

Ma túy làm tổn thương não bộ của con người. Muốn chữa nó phải kết hợp với điều dưỡng và phải chữa trị lâu dài. Do vậy mà khi chữa trị cho người nghiện, tôi rất coi trọng khâu điều dưỡng sau cắt cơn.

Ông có nói rằng đã đến với công việc này vì cái nghiệp. Nhưng nếu là cái nghiệp của tôi thì tôi cũng vẫn sợ. Tôi sợ khi thấy người nghiện họ lên cơn, sợ những hành động bột phát thiếu suy nghĩ của họ?

Anh sợ cũng phải. Tôi ý thức rất rõ rằng đầu tư cho cai nghiện ma túy rủi ro rất cao. Cũng vì vậy mà rất ít người dám đầu tư. Nhưng tôi có cái “máu” của anh bộ đội cụ Hồ. Đã làm là quyết làm bằng được. Đã quyết mà thất bại thì cũng phải cố mà chịu. Cái nghiệp tôi đang theo đầy rẫy những rủi ro. Chỉ cần không may học viên lên cơn nghiện điên khùng đốt phá cháy trụi cả trung tâm thì cũng phải chịu.

Nói như ông, phải chăng ông không quan tâm đến lợi nhuận, đến tiền. Thiết nghĩ, dù có là cái nghiệp thì ông vẫn phải sống, vẫn phải kiếm tiền để nuôi vợ nuôi con chứ?

Ngày xưa mang cái mạng của mình đi hoạt động cách mạng, có chết cũng không suy nghĩ. Nhưng cái gì đã bỏ đồng tiền ra phải tính toán. Do vậy mà ngoài việc quan tâm đến công tác xã hội, đến hiệu quả của việc điều trị thì chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động có lãi. Quan trọng là có lãi nhưng giúp cai nghiện thành công.

Một chuyên gia về cai nghiện ma túy có nói rằng, tỷ lệ tái nghiện sau cai lên tới 95%. Đó là thực trạng trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Nếu tỷ lệ tái nghiện cao như vậy thì việc cai nghiện của những trung tâm như ông đang làm phải chăng là vô nghĩa?

Việc giúp con nghiện cai nghiện được ma túy dù chỉ một ngày cũng đã là thành công. Tôi nói vậy bởi một người sử dụng ma túy trung bình phải bỏ ra 200.000đ/ngày. Trung tâm tôi hiện nay đang có gần 400 học viên nhân với 360 ngày.

Nếu chỉ cần cai cho họ một năm thì đã bớt cho Nhà nước khoảng 40 tỷ đồng. Nếu họ vẫn nghiện thì số tiền này sẽ biến thành những đồng tiền đôla để tuồn ra nước ngoài mua ma túy. Mỗi ngày, những người nghiện ma túy sẽ gây ra cho gia đình, xã hội bao nhiêu nỗi đau. Nếu mình không chỉ giúp họ cai nghiện mà còn giúp họ có công ăn việc làm, đóng góp cho phúc lợi xã hội thì không thể nói việc làm của những trung tâm như chúng tôi là vô nghĩa được.

Không dám gả con gái cho họ

Chúng ta đã nói nhiều về bệnh lý. Còn về nhân cách, ông thấy những người cai nghiện ma túy có đáng được xã hội quan tâm cứu chữa?

Cần phải hiểu vì sao họ nghiện ma túy? Nếu hiểu theo nghĩa nào đó thì họ chính là nạn nhân. Đa phần những người nghiện sinh ra trong gia đình cãi lộn, thiếu sự giáo dục, mặc cảm nghèo đói... 

Lỗi do ai? Tôi nghĩ rằng ông đang bao biện cho hành động sai trái của họ?

Tôi không bao biện. Hãy nhìn vấn đề thật khách quan. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ cãi lộn nhau tối ngày, cho tiền tiêu xài thoải mái... Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy trí óc non nớt, rất dễ sa ngã tổn thương.

 

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì mình phải tự chịu trách nhiệm với hành động và việc làm của mình. Những người đổ lỗi cho hoàn cảnh xô đẩy là những người không đủ bản lĩnh?

Đó là do bạn sinh ra trong một gia đình có giáo dục. Bạn được ăn học đầy đủ và được dạy dỗ về việc phải biết chịu trách nhiệm với bản thân. Do vậy, nếu xã hội và gia đình chuẩn mực thì sẽ không có người nghiện ma túy.

Phải chăng ông đang đổ lỗi cho xã hội?

Tôi không đổi lỗi cho xã hội. Nhưng xã hội phải có trách nhiệm. Gia đình phải có trách nhiệm.

Tôi vẫn cho rằng ông đang đổ lỗi cho xã hội và như vậy là không thỏa đáng. Tôi xin được lật lại vấn đề. Nếu ông nói do xã hội và gia đình xô đẩy, vậy hoàn cảnh xã hội và gia đình nào sẽ xô đẩy ông vào con đường nghiện ma túy?

Với bản lĩnh của tôi hiện hay thì không hoàn cảnh nào xô đẩy được. Tôi là một ông già có bản lĩnh. Tôi khác với đứa trẻ con. Nếu một người như tôi mà nghiện ma túy thì tôi đồng ý đó hoàn toàn do lỗi của tôi. Tôi không bảo vệ những người trẻ nghiện ma túy nhưng rõ ràng họ là nạn nhân của sự giáo dục, của hoàn cảnh nào đó. Dù vậy thì ít nhiều họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Nếu dòng đời xô đẩy họ, vậy sau  khi cai nghiện thành công họ có đáng được tôn trọng, có đáng được đối xử công bằng như những người bình thường?

Việc đồng ý đi cai nghiện và nỗ lực để cai nghiện của những người nghiện là những hành động rất đáng hoan nghênh. Do vậy mà họ rất đáng được tôn trọng, nhất là sau khi đã cai thành công.

Tôi hỏi điều này hơi tế nhị. Như ông nói thì họ đáng trân trọng. Vậy, nếu ông có con gái thì ông có gả cho họ không?

Dù đáng trân trọng thì tôi cũng phải nói thật là tôi cũng không dám gả con gái cho họ. Họ đã từng nghiện ngập và dễ quay lại con đường đó...

Không cho tôi làm việc - Tôi sẽ chết!

Ông nghiện gì nhất?

Tôi nghiện làm việc. Tôi sẽ rất đau khổ nếu không được làm việc.

Thế con gái đối với con trai, đàn ông đối với đàn bà có phải chất gây nghiện, một thứ “ma túy”?

Đó đúng là ma túy. Nhưng đó là loại ma túy đáng yêu.

Ông có nghiện thứ  ma túy đáng yêu đó không?

(Cười) Tôi cũng nghiện sơ sơ thôi.

 

Nếu có trung tâm cai nghiện cho người nghiện làm việc, ông có vào cai không?

Không. Tôi không vào. Tôi sẽ cứ làm việc thế này đến khi nào không thể làm thì thôi. Vì niềm vui lớn nhất của tôi là được làm việc, được góp cái gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Nhiều lúc vợ con khuyên bảo tôi nghỉ ngơi không được, họ cũng bực lắm. Nhưng nếu không được làm việc chắc tôi sẽ đau khổ mà chết mất.

Tôi thì thấy rằng có lẽ vợ con ông cũng có lý đấy chứ. Nhìn ông cũng đã già, râu tóc đã bạc cả.
Nhìn tôi thế này thôi chứ còn trẻ chán. Hơn nữa, có thể hình thức tôi già nhưng trái tim không già.

Xin cảm ơn bác sĩ!

BS Nguyễn Hữu Khánh Duy là Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Ông từng là bác sĩ hoạt động bí mật trong ngụy quyền Sài Gòn.

Năm 1999 về nghỉ hưu, ông bán nhà cửa và vay mượn bạn bè để thành lập Trung tâm. Dù thành lập từ năm 1999 nhưng phải đến năm 2008, Trung tâm mới được chính thức cấp giấy phép hoạt động. Dù vậy thì Trung tâm đã nhiều năm liện tục được nhận bằng khen của UBND TP.HCM, Bộ GD&ĐT, bằng khen của Bộ Y tế…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật