Cồng chiêng đã nghiêng về vui hội?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù có lý giải sân khấu trình diễn ấy là những công viên của vùng Tây Nguyên, vẫn có mái nhà rông và không khí nắng - gió “đặc trưng“ thì cũng chưa thuyết phục được ai.
Cồng chiêng đã nghiêng về vui hội?
Dàn cồng chiêng Châu ro (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Gióng chiêng Tây Bắc giữa đại ngàn Tây Nguyên

Trước khi Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai diễn ra, đã có nhiều ý kiến qua lại quanh chuyện có nên tập trung các đoàn cồng chiêng của rất nhiều tỉnh, thành đến Pleiku trình diễn tại các "sân khấu" hay không? Có nên tách cồng chiêng ra khỏi không gian sống, không gian văn hóa của mỗi tộc người hay không? 

Dù có lý giải sân khấu trình diễn ấy là những công viên của vùng Tây Nguyên, vẫn có mái nhà rông và không khí nắng - gió "đặc trưng"  thì cũng chưa thuyết phục được ai: nhà rông được dựng theo mô hình của người Jrai, chỉ có thể gần gũi phần nào với các dân tộc Tây Nguyên chứ không thể tương đồng với không gian văn hóa miền núi phía Bắc, dải đất miền Trung hay Nam Bộ được.

Gióng cồng chiêng của dân tộc Thái ở Điện Biên, Sơn La (những tỉnh núi cao rừng thẳm) giữa không gian Tây Nguyên thật khó để người nghe cảm được cái hay, cái đẹp của cồng chiêng người Thái.

Dàn cồng chiêng của người Khơ me Nam bộ.

Đó là chưa kể, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nhà rông, rượu cần. Với mỗi cộng đồng, cồng chiêng "gióng" lên trong những dịp khác nhau sẽ hoàn toàn khác nhau, nên khi mang ra biểu diễn trước đông đảo quần chúng, ngoài những đoàn có chương trình biểu diễn "chuyên nghiệp", rất nhiều đoàn chọn chơi những bài đơn giản như Đón khách, Mời khách, nên người nghe sẽ chỉ thấy "loáng thoáng" sự khác biệt giữa các đội cồng chiêng trong trang phục, chiêng to hay nhỏ, nhiều hay ít, đội chiêng chuyên nghiệp hay dàn chiêng thực sự của cộng đồng làng..., nhưng sẽ rất khó cảm nhận được chiều sâu và sự phong phú của cồng chiêng Việt Nam có độ phủ sóng ở trên hai mươi dân tộc khác nhau.

Sáng 13/11, các đoàn cồng chiêng đến từ 25 tỉnh thành trong cả nước bắt đầu dịp giao lưu, cùng xem và nghe nhau tại 3 địa điểm của thành phố Pleiku: công viên văn hóa Đồng Xanh, công viên Diên Hồng và Khu du lịch sinh thái Về Nguồn. Chương trình biểu diễn được sắp xếp luân phiên trong 3 ngày để tất cả các đoàn đều có dịp biểu diễn ở cả 3 địa điểm.

Được lên sân khấu khoe tài là thích rồi!

Dàn chiêng chuyên nghiệp đến từ Myanmar (chơi chiêng có bản nhạc tổng phổ)

Hỏi qua một số đoàn cồng chiêng tham gia biểu diễn sáng 13/11, kể cả khi trời đã chuyển sang trưa nắng, thấy các đoàn thật sự hào hứng được "khoe tài". Anh Đào Văn Mượt, đoàn Châu ro (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bảo: cả 22 thành viên của đoàn đều vui khi lần đầu tiên có mặt ở Tây Nguyên lại được trình diễn cho nhiều cộng đồng khác nhau biết về cồng chiêng của dân tộc mình. Đã trình diễn rất "bốc" trong lễ khai mạc tại quảng trường 17/3, anh Mượt bảo nếu đoàn có dịp được lên sân khấu chính trình diễn thì còn "thích" nữa.

10 nghệ nhân của đoàn Myanmar trình diễn rất "say" trước vài chục ống kính phóng viên. Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Myanmar, cồng chiêng có vài trăm năm chuyên nghiệp, đã được "cung đình hóa". GS Tô Ngọc Thanh đã so sánh  cồng chiêng Myanmar với Nhã nhạc Việt Nam. 

Dễ hiểu khi đây là phần biểu diễn hấp dẫn nhất, có khán giả liên tưởng giống dàn nhạc "giao hưởng", và rất "hưởng ứng" khi dàn cồng chiêng trình diễn một bài hát quá quen thuộc với người Việt Nam là "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

Các đoàn cồng chiêng thì hào hứng trình diễn, còn các nhà nghiên cứu thì sao?

Đến festival cồng chiêng để ngó nghiêng, quan sát

Dàn chiêng đến từ Cần Thơ.

Có mặt tại công viên Diên Hồng sáng 13/11 là rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước và các học giả nước ngoài đã có "thâm niên" nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Tây Nguyên nói riêng. Họ đến với festival này chủ yếu để tham dự hội thảo "Sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực" vào ngày 14/11.

Là những người tuy với độ nông sâu khác nhau, nhưng đã nhiều năm tìm hiểu văn hóa các vùng miền Việt Nam, đã có nhiều dịp nghe các cộng đồng dân tộc khác nhau chơi cồng chiêng trong chính không gian sống của họ, nên họ đến Pleiku lần này KHÔNG PHẢI để xem trình diễn cồng chiêng, mà chủ yếu để "quan sát". 

Có người muốn biết cồng chiêng giờ đã "sân khấu hóa" đến đâu, người quan tâm các cộng đồng "trân trọng" văn hóa đến mức nào. Cũng có người đến để biết thêm "chút ít" về cồng chiêng của các dân tộc mà họ chưa có dịp tiếp cận thực tế, thậm chí có người đến xem khán giả quan tâm đến cồng chiêng nhiều không?...

Chọn ngẫu nhiên một số học giả để hỏi ý kiến. GS Yosihiko Tokumaru đến từ Nhật Bản thì cho rằng đây là dịp để các cộng đồng có dịp biết về văn hóa của nhau, và người Kinh - cộng đồng đa số của Việt Nam hiểu về văn hóa của các tộc người cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. GS Oscar Salemink (University of Amsterdam, Hà Lan) cũng ủng hộ việc đưa cồng chiêng ra trình diễn để giao lưu văn hóa. 

Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1987, từ đó liên tục đi về Việt Nam, lần này đến Tây Nguyên sau 6 năm "xa cách" GS Salemink không ngờ Tây Nguyên thay đổi nhiều đến thế, "thành phố Pleiku giờ giống một thành phố lớn nhiều hơn", ông chia sẻ. 

Theo cảm nhận của riêng ông, trước đây độc đáo nhất là văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Jrai và Êđê, nhưng sau một quá trình dài biến đổi, nay ông lại thích văn hóa của Churu, Xê đăng, C’ho là những cộng đồng "xa xôi" nên chưa bị biến đổi nhiều.

Không thể giữ văn hóa mà không giữ cái gốc

Dàn chiêng Myanmar

Ngược lại với sự ủng hộ của các học giả nước ngoài, học giả Việt Nam lại trăn trở nhiều về việc đưa cồng chiêng ra sân khấu. GS Tô Ngọc Thanh thỉnh thoảng lại bày tỏ thái độ "nuối tiếc" khi nhìn thấy những thay đổi xa rời khỏi truyền thống trong các màn trình diễn. Điều ông sợ nhất là tính nghi lễ trong cồng chiêng sẽ mất đi, chỉ còn là chuyện vui chơi trong lễ hội.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đang có mặt ở Gia Lai, nhưng không xuất hiện trong các hoạt động của Festival cồng chiêng (trừ lễ khai trương triển lãm ảnh Anh hùng Núp vào sáng 11/11, vốn không thuộc 15 hoạt động chính thức của festival). 

Với ông, việc không có mặt tại festival chính là thái độ của ông. Một lần nữa, ông nhấn mạnh việc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải là làng và rừng, mất rừng thì không còn không gian văn hóa. Mà rừng thì mất gần hết rồi, người Tây Nguyên xưa coi rừng là thần linh, là sự sống, là "mẹ", giờ thì ta phá rừng vì coi nó chỉ là tài nguyên.

Nhà văn Nguyên Ngọc xót xa vì không ai nhắc đến RỪNG trong festival cả. "Tôi không phản đối việc giữ cồng chiêng trong "bảo tàng", nhưng không thể giữ văn hóa mà không giữ cái gốc", nhà văn khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật