Hạn chế tình trạng xuống cấp của các di tích: Lực bất tòng tâm?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện TP.HCM có 124 công trình, địa điểm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xếp hạng di tích, trong đó có 68 di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra, vẫn còn 130 công trình, địa điểm có điều kiện xem xét để lập hồ sơ xếp hạng, nhưng tình trạng di tích bị xâm hại, xuống cấp vẫn diễn ra hàng ngày khiến dư luận bức xúc.

Đầu tháng 11/2009, tìm đến nhà của cố học giả Vương Hồng Sển, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy ngôi nhà này vẫn trong tình trạng xập xệ, trước nhà mọc lên các điểm bán báo, cơm bình dân, quán nước nhỏ... Sau nhiều năm, ngôi nhà này vẫn chưa thể trở thành bảo tàng như ý nguyện của người đã khuất vì vướng vào việc kiện tụng chia di sản thừa kế.

Không chỉ căn nhà của cụ Vương mà tại nhiều di tích khác tình trạng  xâm phạm di tích cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Thực tế, nhiều di tích đã được xếp hạng vẫn còn nhiều hộ dân lấn chiếm như chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên (Q.11)... Một số di  tích lại khai thác chưa đúng chức năng hoặc để rơi vào cảnh lãng phí. Lăng Võ Di Nguy thường xuyên cửa đóng then cài. Khu di tích Láng Le - Bàu Cò chủ yếu chỉ phục vụ cho sinh hoạt Đoàn - Đội... tổ chức các lễ kỷ niệm. Một trong những cái khó của những người được giao quản lý di tích còn là vấn đề kinh phí hoạt động. Trong 51 di tích lịch sử thì chỉ có sáu di tích được UBND TP.HCM cấp hỗ trợ 650.000đ/tháng. Đến nay, chưa có quy định nào về hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý di tích, kể cả đối với di tích lịch sử...

Trong tình hình chỉnh trang đô thị và đô thị hóa đang diễn ra sôi động hiện nay, vấn đề bảo vệ những công trình, địa điểm đủ điều kiện xếp hạng di tích là rất cấp thiết. Nhiều dự án đầu tư khi thực hiện đã ảnh hưởng đến các kiến trúc đô thị, nhà cổ hoặc kiến trúc mộ táng tiêu biểu trên địa bàn TP. Điển hình là nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời, nhà cổ của ông Nguyễn Minh Triết tại khu phố 3, P.Tăng Nhơn Phú A nằm cạnh khu công nghệ cao; nhà cổ của ông Huỳnh Kim Phú tại 107A/4 ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; các công trình tiếp giáp với di tích miếu Thiên Hậu (Q.3), lăng Trương Tấn Bửu (Q.Phú Nhuận), Trường CĐ Sư phạm Mầm Non  (Q.1)...

Hiện Sở VH-TT-DL TP.HCM đã kiến nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để áp dụng trong thực tế, về: trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án và ban hành định mức, đơn giá áp dụng riêng đối với các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy định phân cấp về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với các cấp di tích... Việc này sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại TP.HCM.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật