Mùi của nhớ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khứu giác con người có điều gì rất bí ẩn và kỳ diệu. Khi nuôi con nhỏ, tôi có đọc trong một cuốn sách rằng khi bé 5-6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm, hãy cho bé làm quen với nhiều thức ăn có mùi vị khác nhau. Tôi đã cho con thử nhiều mùi thức ăn khác nhau mà quên mất cà chua, sau này nó rất khó khăn với cà chua thật.
Mùi của nhớ
Ảnh minh họa

Thì ra mùi vị là một phần rất quan trọng trong cuộc đời con người, đơn giản chỉ là những gì ta đã quen thuộc và chấp nhận từ thuở ấu thơ. Và mùi còn rất gợi nhớ.

Mùi của ớt xanh làm tôi nhớ đến chị tôi. Hồi nhỏ chị tập cho tôi biết ăn cay bằng ớt xanh. Chị nói nó nồng mùi nhưng không cay, em ăn quen rồi sẽ ghiền mùi ớt, lúc đó cay mấy em cũng muốn ăn. Có lẽ sự quyến rũ, thu hút khứu giác và vị giác con người không cưỡng được là một bí ẩn sâu xa của mùi chăng?

Mùi bồ kết là của mẹ và con gái. Mẹ thường nướng bồ kết rồi ngâm với lá sả, lá chanh thành một thứ nước gội làm tóc rất sạch và thơm.

Chỉ vậy mà thời thiếu nữ tôi có một mái tóc dài và đẹp, có khi đạp xe trên cầu Trường Tiền, có người con trai đạp xe theo hoài, chỉ đến khi qua gần hết cây cầu anh mới can đảm tiến lên nói: “Mái tóc đẹp quá”, rồi cuống quýt đi mất, không kịp nhìn thấy mặt. Sau này không còn ở bên mẹ, chẳng ai làm nước bồ kết, bao nhiêu thứ mỹ phẩm cũng không làm mái tóc đẹp như xưa được nữa.

Đôi khi nấu cái gì với gừng, tôi chợt nhớ những đêm giao thừa lạnh lẽo, mẹ tôi pha nước luộc gừng thành một thứ nước tắm thơm nồng và ấm áp khó quên.

Một lần đi qua hàng tạp hóa, tôi chợt đứng lại khi nghe mùi măng khô dậy lên. Tôi bỗng nhớ đến mụ tôi (là cô của ba tôi). Chồng mụ tôi chết trong chiến tranh, một mình nuôi đàn con ăn học bằng nghề buôn chuyến. Hồi bao cấp, sách báo và truyền hình thường mô tả “con buôn” bằng những hình ảnh xấu xa, nhưng tôi chỉ nhớ mụ hiền lành, tần tảo và hóm hỉnh, thường ghé ở lại nhà tôi đêm trước khi bắt chuyến xe đò sáng sớm lên miền ngược.

Thời ngăn sông cấm chợ đó, mụ tôi mua những xà bông, dép, áo quần trẻ em sặc sỡ lên bán cho bà con miền núi, người dân tộc. Chuyến về mụ mang theo nấm mèo, mật ong và những bó măng khô thơm mùi khói bếp người dân tộc. Mùi của những thứ đồ khô làm tôi nhớ đến những đêm đông lạnh, mụ vừa soạn đồ cho những chuyến hàng, vừa kể cho chị em tôi những câu chuyện về người dân tộc, vừa ngộ nghĩnh vừa bí hiểm...

Nói về mùi khói, có lần uống thứ trà “ướp khói” của người Anh (smoky tea) tôi lại chợt nhớ đến căn bếp nấu củi nhà mình xưa có những làn khói vảng vất, thơm thơm, cay cay, và lời bài hát “nhà sàn ai lam khói trong sương mai, ngọt ngào hương tre nứa trong rừng thưa”. Chẳng lẽ người Anh cũng biết bán những khoảnh khắc của ký ức trong tách trà khói đó?

Có lẽ đúng thế, đôi khi người ta không ăn, không uống cái đang có, mà là đang tìm về với nguồn cội và ký ức. Có lần ở nước ngoài lâu, tôi mừng quýnh khi tìm mua được một hộp nước dừa đóng lon về kho thịt. Nhưng kho rồi chẳng ăn được, vì chẳng còn gì là nước dừa mà chỉ có mùi gắt của dầu và mùi chất bảo quản. Một lần khác, khi tìm trong ngôi chợ Việt Nam một mớ rau răm, ngắt một cọng lá đưa lên mũi, tôi bỗng ứa nước mắt vì cái mùi quá thân thuộc và gợi nhớ. Có khi muốn nấu mắm mà ngại cái mùi có thể làm phiền người ở cùng nhà, tôi vừa nấu vừa mở cửa sổ trong giá lạnh dưới 10 độ âm, co ro rét buốt mới thương cho thân phận người xa xứ thèm nhớ những mùi thức ăn thân quen cũ.

Có một quê hương là hạnh phúc lắm. Không hiểu sao tôi thường thích khám phá mùi của đất ở mỗi nơi xa lạ tôi đi qua. Có nơi đất có mùi tanh tanh của kim loại, nơi có mùi nồng nàn của phù sa, nơi có mùi của những loại thảo dược... Nhưng chắc tôi không thể nào nhầm lẫn với mùi đất quê mình. Ở đó là mùi hơi đất nồng lên sau những cơn mưa đầu mùa, mùi của củ cỏ ấu cay cay khi tôi giúp mẹ làm cỏ trong vườn nhà hay cuốc trùn về cho vịt những khi đất ướt mềm, và mùi của những thứ rau cỏ, một mùi rất thiên nhiên.

Ngày còn là cô bé con, tôi thường đội cái nón lá, mang một cái rổ to cắt rau dại trên những đám ruộng để hoang về cho heo, trong rổ luôn có một góc nhỏ cho những thứ rau tập tàng để nấu canh, rau má, rau sam, rau dền dại...

Mẹ thường nói chị em tôi có một tuổi thơ cực nhọc. Mẹ không biết rằng, tuổi thơ đó đối với tôi rất kỳ diệu. Trong những lúc lang thang đó, tôi có dịp nhìn kỹ từng cành cây ngọn cỏ, từng bông hoa dại, những con ốc sên, những con ve sầu lột xác. Tôi đã hít thở không khí của cây cỏ, của bông súng nở trong đầm, của rau tập tàng, của lúa mới trổ đòng, những búp mâm xôi, thứ hương của trời và đất. Bây giờ tôi hạnh phúc và xúc động biết bao, mỗi khi bắt gặp một mùi hương nào đó, và nghe ký ức chợt sống lại một cách rõ rệt và mãnh liệt.

Có thật nhiều những khoảnh khắc mà mùi hương có thể làm ta chợt quay lại những mảnh ký ức tưởng đã trôi xa mãi. Nhưng tôi sẽ không kể nữa (nếu không sẽ kể hết cuộc đời mình mất). Mỗi người đều có những mùi hương và ký ức của riêng mình, sẽ tự mình sống những khoảnh khắc đó, hạnh phúc lắm bạn à.

Ngược với mẹ, bây giờ, tôi lại thấy xót xa cho con mình. Ở trong phòng máy lạnh và khi ra đường giấu mũi vào những lớp khẩu trang, ký ức mùi của con sẽ còn lại gì?

TBKTSG

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật