“Khóc một chút thôi, cô dâu!“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mới ngày nào, giờ đã đến lúc bị thúc giục ghê gớm về chuyện lên xe hoa. Phong tục này bị mai một, vì hình thức cưới khách sạn đã lược bỏ nhiều “giai đoạn lãng mạn”… Chợt nhớ da diết những “đám cưới đẹp” đã từng được chứng kiến.
“Khóc một chút thôi, cô dâu!“
Đám cưới tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh Tư liệu.

1. Xuân 1987, học lớp 3, tôi được chú chở đến đám cưới cô Hoàng Hạnh Đào học cùng lớp đại học, nhà trên gác ngõ Nội Miếu phố Hàng Giày. Mon men đến gần buồng cô dâu, nhưng không được vào. Ở ngoài, sốt ruột bồn chồn lắm, hết áp tai nghe lại nhìn qua khe cửa, cuối cùng mới được nhìn thấy cô Đào ngó đầu ra, chỉ một lần thôi, hỏi: “Thỏi son đâu ấy nhỉ?”

Cô Đào là hoa khôi của lớp chú tôi. Đoàn nhà trai rất đông, chú rể tên Tuấn là hoạ sĩ, kém cô dâu 2 tuổi, cao gầy, đặc biệt đôi mắt to rất sáng, dìu cô dâu mắt đỏ hoe. Sau này tôi mới biết, chú rể là hoạ sĩ Việt Tuấn (báo Tiền Phong), con út nhà văn Kim Lân. Dạy vẽ ở Cung thiếu nhi rồi lại học tiếp đại học, cô Đào là người con dâu được “lão Hạc” Kim Lân thương quý nhất.

2. Cho đến nay, trong giới nghệ sĩ, theo tôi thì họa sĩ Trần Nhật Thăng (1972) và Hoàng Lê Thuỳ Chi (1980) có bộ ảnh cưới độc đáo nhất. Đám cưới ngày 1/10/ 2004 tại Vạn Hoa club bên hồ Trúc Bạch theo dịch vụ chuyên nghiệp, không có gì lạ, nhưng khách thì sang. Bố chú rể là ĐD NSND Trần Văn Thuỷ, bố cô dâu là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Luật (báo Lao động), nên cơ man tên tuổi cự phách lẫy lừng của làng điện ảnh, báo chí đều tề tựu.

Thăng vốn mê xe “quái”. Khi trai trẻ, Thăng khét tiếng dân chơi, toàn đi ba bánh Ural, xe Nga. Lũ chúng tôi có lần ngồi chật xe này về Xuân Mai, nhà đồi tuyệt đẹp của gia đình nhạc sĩ Phó Đức Vạn - Trịnh Thị An hay đi đêm khuya tĩnh lặng để cảm nhận Hà Nội nên thơ lãng mạn.

Trước đám cưới ba ngày, Thăng chở Chi bằng xe ba bánh, ra vườn hoa con cóc chụp ảnh. Chú rể complet đen, cô dâu váy trắng (Vũ Thái Hà thiết kế), Phạm Bá Hùng chụp, cả ảnh màu và đen trắng. Thời “hoàng kim” ấy, còn có Jeep. Sau, Thăng cho hàng xóm mượn, tay cờ bạc này “cắm xe” ở Thanh Hoá, Thăng đành chịu mất vì không thể đòi, 6 năm rồi, không biết nó còn chạy hay thành “đồng nát”?

Anh Quân, tay trống ban nhạc Gạt tàn đầy (con rể HS Trịnh Tú) lái Ford mui trần hiệu Mustang đưa chú rể Thăng đến Kim Mã đón dâu, vòng quanh mấy cái hồ rồi mới đưa về đám cưới.

Nay họ đã có 2 con gái: Nhật Nhi (Bông) 4 tuổi rưỡi và Nhật Anh (Sâu) 1 tuổi rưỡi. Chiếc ba bánh đầy kỉ niệm, Thăng đành bán vì con nhỏ, chơi xe cổ rất mất công. Ngậm ngùi tháo xe làm hai, đóng thùng gửi tàu, Thăng bay vào SG lắp xe cho Đình Dũ (con bà Xính ảnh viện). Từ tiền bán tranh, Thăng mua Fiat “chuồng gà” để chở vợ con và chuẩn bị đổi sang xe 20.000 USD.

Biết tôi nhớ tiếc thời Jeep, ba bánh, Thăng trấn an: “Cậu cứ yên tâm, tớ mua ô tô chạy tốt một tý để còn chở con, ổn rồi mới mua xe chơi. Biết sửa xe đôi chút, nhưng chơi là tốn công rồi. Tớ hứa, nếu cậu muốn, đám cưới cậu không chỉ có Jeep của tớ, mà thêm một đội ba bánh hộ tống nữa, được chưa?”. Được quá đi chứ!


Vợ chồng hoạ sĩ Trần Nhật Thăng ngày cưới (1/10/2004). Ảnh: Phạm Bá Hùng.

3. Nhắc lại những ký ức, để diễn tả thời gian qua quá nhanh, bố tôi thường nói: “Mới ngày nào...”.

Quả vậy, mới ngày nào mà đến nay mấy đứa làm nghệ thuật chúng tôi chơi thân với nhau 12 năm, hầu hết đã xong vai cô dâu chú rể. Không phải trò chơi “đám cưới” như hồi bé với khăn bông bay choàng lên đầu làm voan, bôi trộm son của mẹ choe choét môi, đi guốc cao lại còn kiễng chân cho ra vẻ người lớn nữa. Tôi thích nhất chơi trò đám cưới, hồi lớp 1, “chú rể” của tôi là Lưu Minh Vũ, biệt danh “Dế trũi” (thực ra ba Vũ đen chứ Vũ trắng, mà lại bị đặt là “Trũi”).

Mỗi lần theo bố lên xưởng phim tài liệu, tôi hay xem phim, thú nhất là được “hoá trang cô dâu” bởi bà đạo diễn Bùi Thị Hiền, mẹ chú Hùng (chồng đầu của ca sĩ Thanh Lam). Bà luôn có đồ trang điểm trong túi và chiều tôi lắm, hễ thấy tôi lon ton đến, bà lại dắt vào phòng ngay: “Vào đây bà hoá trang cô dâu nào!”

Mới ngày nào, giờ đã đến lúc bị thúc giục ghê gớm về chuyện lên xe hoa. Phong tục này bị mai một, vì hình thức cưới khách sạn đã lược bỏ nhiều giai đoạn lãng mạn. Tôi rất ngán mô-típ bỏ phong bì vào hộp trái tim, ăn tiệc rồi về. Đám cưới ở khách sạn 5 sao Meliá vui hơn, vì có sân khấu và ban nhạc, càng vui nếu cô dâu chú rể là nghệ sĩ hay thân quen giới này. Đó sẽ là Festival để mọi người tưng bừng gặp nhau, hát, pha trò, vui như đám cưới Đức Hải (4/ 2003) tại tháp Hà Nội, từ chập tối đến nửa đêm, cô dâu - bà bầu Ngọc Mai ngồi thở, kệ chú rể lên sân khấu quậy tưng bừng cùng Hồng Nhung, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long.

Lịch sử đám cưới VN có nhiều phương tiện đón dâu: xe tay, xe ngựa, ô tô, xe máy, xe đạp, thuyền. Tôi rất thích cảnh cô dâu chú rể ngồi xe mui trần, bạn bè nam thanh nữ tú lẫn các đôi đã có con, hộ tống xe máy, ô tô một đoàn dài. Ngày hạnh phúc trăm năm vẫn cần coi trọng thiêng liêng, dù chuyện trăm năm đã có nhiều biến thái, đám cưới không được xem trọng khi thực trạng ly hôn gia tăng, lấy chồng/vợ vài lần (“phim nhiều tập”) thì cưới đâu còn là chuyện cả đời chỉ một lần. Cô dâu sinh con vài ba tháng sau đám cưới, thậm chí có chuyện hài hước là có cô dâu vừa được chú rể đón, xe đưa vào BV đẻ luôn, thì đêm tân hôn, lễ lại mặt còn nghĩa lý gì.

4. Cô Hoàng Hạnh Đào - cô dâu xinh đẹp của 22 năm trước - giờ tuổi 50, tâm sự: “Hai nốt ruồi ở gò má, người ta bảo không tốt cho chồng, nên cô đã tẩy. Tổng cộng cô có 14 nốt ruồi trên mặt, giờ còn 12”. Cô Hoàng Hạnh Đào vẫn dạy vẽ cho Thiếu niên ở Cung VH Việt Xô, giáo viên họa kì cựu.

Nốt ruồi có thể tẩy, ảnh có thể mất, nhưng kí ức không phai nhạt. Tôi, ở 22 năm sau, đã sắp từ biệt tuổi thanh niên. Các cụ già bảo: “Cô dâu nào khóc trong đám cưới, sau này sẽ hạnh phúc, vì đó là người biết nghĩ, sẽ biết sống phải đạo, hơn là những cô dâu cười từ đầu đến cuối”. Năm 1988, NS Nguyễn Cường viết bài hát “Khóc một chút thôi, cô dâu”. Tôi vẫn nhớ clip ca sĩ Thanh Tâm mặc áo cưới diễn bài này, thời pháo còn được đốt, pháo nổ ran là biết đã đón cô dâu về. NS Nguyễn Cường cho rằng: “Cái khóc của cô dâu rất đẹp, là khóc văn hoá. Khóc vì phải rời ngôi nhà bao kỉ niệm, xa tuổi thơ, cha mẹ, khóc vì chưa báo đáp bố mẹ ông bà thì đã sang phụng sự nhà khác, phải “xuất giá tòng phu”.

Ngày cưới tôi sẽ khóc. Và chắc chắn, tôi mong sẽ là cô dâu đáng yêu, như cô Đào năm nào.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật