Thi tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội: Nhiều câu hỏi “bẫy“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trắc nghiệm và nhiều bẫy, đó là cuộc thi tìm hiểu Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng- hoạt động chính thức trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Thi tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội: Nhiều câu hỏi “bẫy“
Cổng chào được dựng cho lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đ.T.T

GS Lê Văn Lan cho biết, các câu hỏi xứng tầm cuộc thi quốc gia, đưa những tri thức về Thăng Long - Hà Nội. Và có cài bẫy.

Chẳng hạn năm 1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ cho xây tòa chính điện Càn Nguyên của kinh đô Thăng Long trên cao điểm nào? Núi Cung, núi Nùng, núi Khán hay núi Sưa? Người dự thi dễ nhầm núi Sưa và núi Nùng là một. Thực ra, núi Sưa - còn gọi là Sư Sơn - nằm trong công viên Bách Thảo hiện nay, còn núi Nùng nằm trong Hoàng thành Thăng Long.

“Hoặc câu hỏi Ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô qua những cửa ô nào. Nếu nghe lời ca Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về mà suy là sai”- GS Lan nói.

Cuộc thi không trùng với Hà Nội - Điểm hẹn của bạn - do Liên hiệp các hội hữu nghị Hà Nội tổ chức. Hà Nội điểm hẹn của bạn hướng tới người nước ngoài, còn cuộc này chỉ nhận bài tiếng Việt, không hé lộ đáp án trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài 12 câu hỏi chính, người dự thi phải viết một bài luận không quá nghìn từ về câu Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm (ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi).

Hạn chót nhận bài: 31/5/2010 (cấp tỉnh, thành phố) và 31/7/2010 (cấp T.Ư). Lễ trao thưởng vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Có một giải đặc biệt tập thể trị giá 20 triệu đồng, giải cá nhân 10 triệu đồng- cùng nhiều giải khác.

Anh Ngọ Duy Hiểu - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội nói, sẽ triển khai để đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên Hà Nội tham gia. Theo anh Vy Tư Liệu - Phó ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, phó ban tổ chức cuộc thi, nhà tổ chức sẽ tạo tính hấp dẫn bằng các diễn đàn, hội thảo, chiến dịch truyền thông.

Cuộc thi do báo Hà Nội Mới, Ban Tuyên giao T.Ư Đoàn, Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo T.Ư, Cục Văn hóa Cơ sở... phối hợp tổ chức. Câu hỏi đăng tải trên các báo: Hà Nội Mới, Tiền Phong, Thanh Niên, Sinh Viên VN, Tuổi Trẻ TPHCM, Vietnamnet...

Nhiều hoạt động kỷ niệm 999 năm Thăng Long

Ngày 10/10,  lễ hội Ký ức cầu Long Biên bắt đầu với một đoàn tàu cổ đón khách từ ga Gia Lâm chạy qua cầu, dừng tại ga Long Biên. Trên đoạn cầu mất nhịp do chiến tranh, dựng cờ nhiều quốc gia trên dòng chữ Hòa bình.

Sân khấu biểu diễn dành cho ca trù, chầu văn, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ... Hình ảnh các làng nghề Hà Nội đầu thế kỷ 20 hiện lên qua tranh khắc gỗ của Henri Oger (tác giả người Pháp). 999 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Hồng. Bên cạnh màn trình diễn trang phục Hà Nội thế kỷ 19 có biểu diễn trang phục dân tộc VN do người dân tộc thực hiện.

Tại thành cổ Hà Nội trưng bày hiện vật bảo tàng Hà Nội thời tiền sử- sơ sử, trưng bày sản phẩm của làng nghề, cây cảnh nghệ thuật, kỳ thạch và gỗ lũa, biểu diễn ca trù, trống hội Thăng Long.

Triển lãm VHNT VN (số 2 Hoa Lư) Tôn vinh làng nghề truyền thống Hà Nội và Liên hoan CLB ca trù 2009. Hội tụ hàng chục gian hàng truyền thống cùng 200 nghệ nhân, đào nương, kép đàn của thể loại âm nhạc vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật